Phụ huynh có nên dạy con đánh trả khi bị bắt nạt ở trường?

22/04/2023 13:04 GMT+7

Trên mạng xã hội, phụ huynh tranh luận về việc có nên dạy con đánh trả khi bị bắt nạt ở trường hay để con nhận đòn rồi tìm kiếm sự hỗ trợ.

Gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng khi liên tiếp xảy ra những vụ học sinh đánh hội đồng bạn học một cách dã man, lột đồ, quay clip và tung lên mạng. Mới nhất là vụ việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử tại nhà riêng mà theo gia đình là xuất phát từ bạo lực học đường.

Vụ nữ sinh lớp 10 tự tử: Học sinh giữa những khoảng trống tâm lý mênh mông

Trên Facebook, không ít phụ huynh tranh luận và cho rằng cha mẹ nên dạy con hãy đánh trả ngay vào lần đầu tiên bị gây hấn để chứng minh bản thân không phải là kẻ dễ bị bắt nạt, rồi tìm kiếm sự giúp đỡ từ giáo viên và kể với cha mẹ về những gì đã xảy ra. Một phụ huynh ở TP.HCM cho rằng cha mẹ nên dạy con đừng khiếp nhược trước bọn to con hơn và cũng đừng ỷ mình to con đi tấn công người khác.

Phụ huynh có nên dạy con đánh trả khi bị bắt nạt ở trường? - Ảnh 1.

Nhiều người tranh luận về việc dạy con chống lại kẻ bắt nạt trên Facebook

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Đánh trả có phải là biện pháp "tự vệ chính đáng" ?

Trong bài viết trên trang The Conversation, nhà tâm lý học Karyn Healy, chuyên gia về phòng chống bạo lực học đường của ĐH Queensland (Úc), dẫn lại kết quả nghiên cứu của mình cho thấy phụ huynh khuyên con nên đánh trả khi bị bắt nạt thường xem đó là biện pháp "tự vệ chính đáng" ngăn chặn hành vi gây hấn tiếp theo.

Một quan điểm phổ biến nhất của phụ huynh là: "Tôi không muốn con mình bị mang tiếng vì đánh nhau, nhưng tôi cũng không muốn con tôi được biết đến như một đứa trẻ hay bị bắt nạt".

Vụ nữ sinh ở Nghệ An tự tử: ‘Quy định cứng nhưng tình người là mềm’

Bất kỳ giáo viên, nhà quản lý giáo dục nào nếu được hỏi học sinh có nên đánh trả khi bị bắt nạt hay không thì câu trả lời dứt khoát là "không". Hầu hết giáo viên đồng tình rằng học sinh không nên đánh lại. Bởi lẽ đánh trả có thể khiến bạo lực leo thang và dẫn đến thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong.

Tuy nhiên, cũng có những giáo viên lại khuyên con mình nên đánh trả. "Là một người cha, tôi chỉ quan tâm đến sự an toàn của con trai mình. Là một giáo viên, tôi phải quan tâm đến mọi người. Cá nhân tôi, với tư cách là một phụ huynh, tôi hiểu rằng nếu con tôi không đánh trả, chúng sẽ trở thành nạn nhân của những đứa trẻ khác", một giáo viên nêu ý kiến.

Đánh trả có ngăn chặn hành vi bắt nạt tiếp theo?

Theo chuyên gia Healy, một số nghiên cứu cho thấy đánh trả có thể ngăn chặn hành vi bắt nạt tiếp theo. Bà Healy cho biết, một số nghiên cứu về trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học phát hiện việc phục tùng bạn bè và không đánh trả làm tăng nguy cơ trẻ bị bắt nạt liên tục.

Chuyên gia Healy lưu ý, việc đánh trả lại có thể ngăn chặn hành vi gây hấn thêm nếu nạn nhân bị bắt nạt bình tĩnh và có năng lực thể chất nhất định. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ dễ xúc động hoặc không có năng lực thể chất, việc đánh trả sẽ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Phụ huynh có nên dạy con đánh trả khi bị bắt nạt ở trường? - Ảnh 2.

Nhà trường có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn bạo lực học đường

SHUTTERSTCOK

Những điều học sinh nên làm nếu bị bắt nạt

Theo chuyên gia Healy, có một số cách với độ rủi ro thấp để xử lý những tình huống bắt nạt có nguy cơ dẫn đến bạo lực:

  • Giữ bình tĩnh
  • Tự bảo vệ mình bằng lời nói
  • Giải quyết những hiểu lầm
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ một người bạn

Nghiên cứu của bà Healy cho thấy khi một đứa trẻ bị bắt nạt, nhà trường có thể cải thiện tình hình nếu kịp thời nắm bắt thông tin. Vì vậy, điều quan trọng là phải thông báo cho nhà trường về bất kỳ mối lo ngại nào của học sinh. Ngoài ra, còn có một số điều học sinh và cha mẹ có thể làm để ngăn chặn bắt nạt:

  • Nghiên cứu cho thấy rằng việc phụ huynh quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng lắng nghe những vấn đề của con sẽ làm giảm nguy cơ trẻ bị bạn bè bắt nạt ở trường.
  • Cha mẹ có thể đặt ra tình huống, tập cho con phản ứng bình tĩnh và quyết đoán trước hành vi tiêu cực/gây hấn nhỏ từ học sinh khác.
  • Có những người bạn tốt cũng bảo vệ học sinh khỏi bị bắt nạt.

  • Các môn thể thao tiếp xúc, chẳng hạn võ thuật, bóng đá, có thể giúp các bé trai thực hành tiếp xúc cơ thể trong giới hạn được xác định rõ ràng. Điều này giúp các em xây dựng sự tự tin trong việc phản ứng một cách bình tĩnh trước những tình huống đụng chạm thân thể.
  • Phụ huynh, giáo viên cần giúp học sinh học cách nhận biết, tránh xa những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra và rèn luyện kỹ năng xoa dịu các tình huống có nguy cơ bùng phát thành bạo lực bằng ngôn ngữ cơ thể, lời nói bình tĩnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.