Phụ huynh Hà Nội 'lên dây cót' chuẩn bị cho con trở lại trường

07/02/2022 17:11 GMT+7

Ngày mai 8.2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 toàn TP.Hà Nội sẽ trở lại trường. Phụ huynh chia sẻ nhiều cách để con bắt đầu một nề nếp sinh hoạt mới sau đằng đẵng 9 tháng ở nhà phòng dịch.

Ngủ sớm, dậy sớm, giảm cân để chuẩn bị đến trường

Suốt hơn 9 tháng qua, nhiều học sinh ở nhà quen với việc “chẳng đi đâu mà vội” nên sinh hoạt theo kiểu chậm chạp, thức khuya, ngủ nướng, ăn uống không theo bữa.

Giáo viên Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội) diễn tập đón học sinh trở lại trường
C.V.A

Chị H.A, có con trai học lớp 11 Trường THPT Quang Trung, cho biết lịch học trực tuyến của con thường vào buổi chiều nên buổi sáng con ngủ dậy rất muộn, có hôm trưa mới dậy ăn trưa do đêm cũng thức rất khuya, con lại ngủ riêng phòng nên bố mẹ không kiểm soát được giờ giấc…

Do học trực tuyến, nhiều em chỉ dậy điểm danh, nằm trong chăn mơ màng và chỉ bật dậy khi giáo viên gọi đích danh trả bài.

Hơn 9 tháng ở nhà, học sinh nhanh chóng quen với nề nếp sinh hoạt chậm chạp, lười biếng nên khi nghe tin đin học trở lại, nhiều phụ huynh cho biết phải rất gay gắt giám sát việc giúp con tập làm quen trở lại với việc ngủ sớm, dạy sớm.

Chị Thu Hằng, ở Q.Hai Bà Trưng, chia sẻ hết ngày mùng 3 tết, gia đình bắt đầu “thiết quân luật” với 2 con, một học lớp 12, một học lớp 8 để ngày 8.2 đi học không bị sốc vì thay đổi đột ngột. Dù vẫn trong kỳ nghỉ nhưng đến 22 giờ 30, cả nhà phải tắt các thiết bị để đi ngủ, hai cháu phải “nộp” điện thoại, máy tính sang phòng bố mẹ quản lý, tránh trường hợp tắt điện nhưng vẫm trùm chăn chơi game, chát…

Anh N., có con học lớp 9 Trường THCS Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân), cho biết cháu đang trong quá trình điều trị tâm lý do ở nhà kéo dài cùng với áp lực thi vào lớp 10 trong năm nay nhưng giờ nghe tin được đi học cháu lại tỏ ra khá sợ hãi.

"Thói quen thu mình lại trong phòng khiến cháu ngại giao tiếp, ngay cả với bạn bè trong lớp, gia đình phải làm “công tác tư tưởng” mỗi ngày, khuyến khích, khơi gợi lại những niềm vui chỉ khi đến trường mới có để cháu bớt lo lắng khi buộc phải thay đổi", anh N. nói.

Nhiều gia đình cũng cho hay, ở nhà quá lâu, không ít trẻ đã trở nên trì trệ, nhiều cháu tăng cân vùn vụt do ít hoạt động, ăn uống không kiểm soát nên có tâm lý e ngại khi đến trường, sợ thầy cô, bạn bè chê cười vì ngoại hình “phát tướng” của mình… Do vậy, dù trong kỳ nghỉ tết nhưng nhiều gia đình giám sát việc ăn uống, tập luyện để cùng con "ép cân" trước 1 tuần trở lại trường, tránh mặc cảm về ngoại hình.

7 điều cần làm trước khi học sinh trở lại học trực tiếp

Học lại… cách học trực tiếp

Khi chuyển từ học trực tuyến kéo dài sang học trực tiếp với 2 phương pháp học tập rất khác nhau nên nhiều gia đình cũng bày tỏ mong muốn các trường sẽ dành thời gian đầu quay trở lại trường để học sinh làm quen lại với cách học trực tiếp, tránh dạy quá nhiều kiến thức mới khiến học sinh bị cuống.

Học trực tuyến kéo dài, học sinh lớp 1 tiểu học sẽ phải làm quen dần cách học trực tiếp
phhs

Không chỉ thay đổi nề nếp sinh hoạt, chị N.A có con học tiểu học, cho hay điều chị lo lắng không phải mỗi chuyện dậy sớm, ăn nhanh mà nhiều kỹ năng cần phải huấn luyện lại: nghe giảng, ghi chép, ghi chú vào vở dặn không được tra google trong giờ học, phải ghi chép thay vì chụp màn hình bài giảng cô đưa lên; làm bài trên giấy thay vì trên máy; nộp vở để cô chấm thay vì chụp ảnh gửi lên nhóm lớp…

Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ), cho hay ngày mai nhà trường sẽ dành 2 tiết đầu tiên để giáo viên chủ nhiệm gặp gỡ, chia sẻ, khích lệ tinh thần của học trò, giúp các em không áp lực khi vừa đến trường. Bên cạnh đó, có các biện pháp để rà soát, bù đắp lỗ hổng kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến.

Hoãn kiểm tra, chưa dạy kiến thức mới

Trường THPT Anhxtanh cho biết, theo tiến độ chương trình giáo dục của nhà trường thì 2 tuần nữa học sinh sẽ phải kiểm tra giữa kỳ. Tuy nhiên, do thời gian học trực tuyến quá dài, cần thời gian cho cuộc sống, tâm lý, sức khỏe dần trở lại bình thường nên nhà trường sẽ lùi thời gian kiểm tra giữa kỳ thêm 2 tuần, nghĩa là 4 tuần nữa học sinh mới phải làm bài kiểm tra này.

Phân luồng để học sinh đi lại giãn cách trong trường học
c.v.a

Nhà trường cũng yêu cầu trong 4 tuần này, các thầy cô sẽ không dạy kiến thức mới, tập trung vào việc ôn tập, rà soát lại toàn bộ chương trình đã học...

Trước đó, tại hội nghị bàn về việc mở cửa trường học, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng nhấn mạnh: "Trọng tâm của năm 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo, vì vậy khi học sinh trở lại, các nhà trường cần tập trung hỗ trợ kiến thức, tâm lý cho học sinh, thực hiện đánh giá, phân nhóm phù hợp để hỗ trợ hiệu quả".

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương, nhà trường cần cân nhắc lộ trình kiểm tra đánh giá phù hợp, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.