Phụ huynh hoang mang khi con 9, 10 điểm vẫn không được xuất sắc, vì đâu?

29/05/2024 06:05 GMT+7

Nhiều phụ huynh buồn, hoang mang khi con mình được 9, 10 các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh nhưng vẫn không được đánh giá là học sinh xuất sắc chỉ vì mấy "môn phụ" chưa tốt.

Tuy nhiên, nhà trường và chuyên gia giáo dục lại cho rằng việc đánh giá hiện nay đang gần thực chất hơn.

Phụ huynh hoang mang khi con 9, 10 điểm vẫn không được xuất sắc, vì đâu?- Ảnh 1.
Phụ huynh hoang mang khi con 9, 10 điểm vẫn không được xuất sắc, vì đâu?- Ảnh 2.
Phụ huynh hoang mang khi con 9, 10 điểm vẫn không được xuất sắc, vì đâu?- Ảnh 3.

Trên mạng xã hội, mấy ngày nay phụ huynh bàn tán xung quanh việc đánh giá kết quả học tập của học sinh với nhiều ý kiến trái chiều 

CHỤP MÀN HÌNH

NGHI NGỜ CON BỊ "GẠT RA"

Hơn 10 giờ đêm sau buổi họp phụ huynh cuối năm học, một phụ huynh nhắn tin cho PV Thanh Niên, chị nói mấy đêm nay không ngủ ngon giấc vì con chị vừa kết thúc lớp 1 và không được đánh giá là học sinh (HS) xuất sắc trong khi cả môn toán và tiếng Việt đều đạt điểm 10 ở cả 2 học kỳ. Tuy nhiên, khi chị và một số phụ huynh trong lớp thắc mắc hỏi cô chủ nhiệm thì cô chỉ trả lời ngắn gọn là cô và nhà trường đã "làm đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT" mà không giải thích thêm.

Trên mạng xã hội, mấy ngày nay trong nhóm phụ huynh mang tên "Hội phụ huynh Hà Nội", chủ đề "con mình không được xuất sắc" cũng được bàn tán rất nhiều với các ý kiến trái chiều. Một phụ huynh ẩn danh viết: "Con mình cố gắng thật sự nhưng không được HS xuất sắc. Mình thấy con rất buồn vì con rất kỳ vọng, nhiều khi ốm sốt cũng đòi đi học..., thương thật sự. Chỉ tiêu chỉ có thế, cô giáo xếp hết rồi biết thế nào được…".

Bài đăng đã nhận được hàng trăm bình luận, phân tích. Có ý kiến đồng tình thì cho rằng thiệt thòi cho HS chỉ vì mấy môn "phụ" hoặc các môn năng khiếu, thể dục… được đánh giá "H" (hoàn thành) chứ không phải "T" (hoàn thành tốt) mà không được xuất sắc. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng đã là danh hiệu hoàn thành xuất sắc của một năm học thì HS phải xuất sắc toàn diện, không nên phân biệt "môn chính", "môn phụ".

Nhiều phụ huynh nêu quan điểm: "Đừng vì danh hiệu mà cả mẹ và con áp lực, gây cho con tâm lý ganh tị dù tất nhiên phải luôn động viên con cố gắng hết mình"…

THAY ĐỔI CÁCH ĐÁNH GIÁ

Trao đổi với PV Thanh Niên với tư cách là người nắm rõ các quy định về đánh giá HS tiểu học, cô Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), khẳng định: "Không có bất cứ quy định hay chỉ đạo nào về việc mỗi lớp, mỗi nhà trường… chỉ được có bao nhiêu phần trăm HS hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt... Việc đánh giá hoàn toàn dựa trên kết quả học tập, năng lực thực tế của HS".

Việc đánh giá HS tiểu học hiện nay đang thực hiện theo 3 thông tư tương ứng với hai chương trình giáo dục phổ thông mới và cũ. Đến năm học 2023 - 2024, HS các lớp 1, 2, 3, 4 (học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018) được đánh giá theo Thông tư 27; HS lớp 5 (học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006) được đánh giá theo Thông tư số 30 và 22 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Cụ thể, theo Thông tư 27, việc đánh giá kết quả giáo dục HS theo 4 mức: Với mức "hoàn thành xuất sắc", HS có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên. Ở mức "hoàn thành tốt" dành cho HS có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm các môn học đạt 7 điểm trở lên…

Cô Phương Hoa cũng cho rằng để xảy ra những băn khoăn, suy đoán của phụ huynh có thể là do nhà trường, giáo viên (GV) chưa giải thích rõ về cách thức đánh giá của Thông tư 27. Nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 theo chương trình mới nhưng vẫn nghĩ cách đánh giá như hồi mình còn đi học hoặc con lớn của mình học trước đây. "Trường tôi luôn yêu cầu GV phải giải thích cặn kẽ với phụ huynh về những thay đổi trong chương trình cũng như phương pháp đánh giá mới để phụ huynh đồng hành, thấu hiểu và phối hợp với nhà trường vì với cách đánh giá mới, vai trò của gia đình cũng rất quan trọng", cô Hoa nói.

Phụ huynh hoang mang khi con 9, 10 điểm vẫn không được xuất sắc, vì đâu?- Ảnh 4.

CHỤP MÀN HÌNH

ĐÁNH GIÁ NGÀY CÀNG THỰC CHẤT HƠN ?

Cô Phương Hoa cũng cho rằng việc đánh giá HS theo Thông tư 27 ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới tiến bộ và nhân văn hơn rất nhiều nhưng cũng đòi hỏi mỗi GV phải tận tâm, tỉ mỉ hơn bởi phải đánh giá trong suốt quá trình, ghi nhận sự tiến bộ của HS, thay vì chỉ dựa vào một bài kiểm tra cuối cùng như trước kia.

Đánh giá theo Thông tư 27 cũng vì thế mà sát thực chất hơn, ít tính may - rủi hơn; HS ở mức xuất sắc của trường khoảng 30 - 40% chứ không quá nhiều, đến mức "lạm phát HS giỏi" như trước kia dư luận lo ngại.

Về các hình thức khen thưởng, Thông tư 27 cụ thể hóa việc viết trên giấy khen nhằm khắc phục hạn chế, tiêu cực về việc khen thưởng. Theo đó, vào cuối năm học, hiệu trưởng tặng danh hiệu HS xuất sắc hoặc danh hiệu HS tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập, rèn luyện cho những HS thực sự xuất sắc và xứng đáng, được tập thể lớp công nhận.

Báo cáo của Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) năm 2023 từng khiến dư luận xôn xao khi có tới 105.734 HS tiểu học được đánh giá "chưa hoàn thành" khi năm học 2022 -2023 kết thúc. Trong đó, lớp 1 nhiều nhất có hơn 52.000 em, sau đó lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 giảm dần. Thời điểm này, đại diện Bộ GD-ĐT, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết các trường có nhiệm vụ tổ chức cho các em này củng cố kiến thức trong hè và tiến hành đánh giá lại nhưng cũng lý giải: "Việc thực hiện đánh giá HS dần đi vào thực chất, không vì thành tích và xem việc nâng cao chất lượng giáo dục HS là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, do đó số HS chưa hoàn thành chương trình lớp học là 105.734 em, chiếm tỷ lệ 1,19% đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc". HS lớp 1 "chưa hoàn thành" nhiều nhất có nguyên do đây là năm đầu tiên của bậc học với nhiều yêu cầu về kỹ năng cần đạt, năng lực cần đạt cũng như tạo nền tảng vững chắc để HS học các năm tiếp theo. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là quản lý chặt chẽ khối lớp đầu tiên của cấp học vì nếu lỏng lẻo sẽ tạo khoảng trống dẫn đến nguy cơ không thể khắc phục được về sau, trong đó có nguy cơ tái mù chữ và ngồi nhầm lớp.

Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kết thúc năm học 2022 - 2023, cả nước có khoảng hơn 42% HS lớp 1 được đánh giá là "hoàn thành xuất sắc" kết quả giáo dục của cả năm học, thấp hơn so với tỷ lệ "HS giỏi" khá áp đảo ở cấp tiểu học trước đây. Khi dư luận lo ngại về con số cả trăm nghìn HS "chưa hoàn thành" kết quả giáo dục và có nguy cơ ở lại lớp và đặt câu hỏi liệu có nên thay đổi cách đánh giá hay không, ông Thái Văn Tài cho rằng: "Việc tiếp tục tăng cường giám sát thực chất chất lượng dạy học vẫn là giải pháp cần làm. Không vì thành tích mà thiếu chặt chẽ trong đánh giá, giám sát chất lượng".

Cần đánh giá toàn diện HỌC SINH

PGS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục VN), đồng tình với việc cần phải đánh giá toàn diện HS thay vì chỉ dựa vào nội dung trong mấy môn học. Theo bà Thơ, nếu làm như vậy một cách tự động, học trò sẽ ít hoặc không học những gì không được ôn để thi.

"Ai đã bớt xén nội dung học tập? Ai đã lấy đi cơ hội được học "cách học", được phát triển toàn diện của học trò? Đến khi lớn lên, trưởng thành, những học trò này trở nên "méo mó". Hồ sơ của các em rất đẹp nhưng khi làm việc cùng, người khác lại kêu trời... Do vậy, các ý kiến đều cho rằng dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học", bà Thơ nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.