Đây là kết quả khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn TP.HCM năm 2021.
Bạn có hài lòng với dịch vụ giáo dục tại các trường công lập ở TP.HCM?
Đánh giá này là nhằm mục tiêu đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công, đánh giá khách quan chất lượng ở các cấp học phổ thông.
Kết quả khảo sát là cơ sở để Sở GD-ĐT TP.HCM xác định nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh nhằm có biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng.
Phụ huynh và học sinh tham gia đánh giá nhiều tiêu chí về cơ sở vật chất, hoạt động giáo dục, tiếp cận dịch vụ giáo dục… của dịch vụ giáo dục công |
nguyễn loan |
Sở GD-ĐT đã tổ chức khảo sát tại 3 quận với 6 trường THPT gồm: Trường THPT Trần Hữu Trang, THPT Trần Khai Nguyên (Q.5); THPT Nguyễn Thái Bình, THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình); THPT Nguyễn Khuyến, THPT Sương Nguyệt Ánh (Q.10).
Theo đó, phụ huynh và học sinh tham gia đánh giá nhiều tiêu chí về cơ sở vật chất, hoạt động giáo dục, tiếp cận dịch vụ giáo dục…
Cụ thể, điểm hài lòng chung của phụ huynh về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt 73,2 điểm. Trong khi đó, học sinh đánh giá về tiêu chí này chỉ đạt 55,55 điểm.
Còn về tiêu chí tiếp cận dịch vụ giáo dục, điểm hài lòng của phụ huynh đạt 85,8 điểm, còn học sinh chỉ đánh giá 61,44 điểm, ở mức trung bình khá.
Tương tự, ở tiêu chí về hoạt động giáo dục trong nhà trường, điểm hài lòng của phụ huynh đạt 88,3 điểm, còn học sinh đạt 64,16 điểm.
Ở tiêu chí cuối cùng, về sự phát triển và thực hiện nghĩa vụ công dân của con, phụ huynh cũng đánh giá rất cao với 84 điểm, trong khi đó học sinh chỉ đánh giá ở mức 58,7 điểm.
Nhìn chung, các dịch vụ giáo dục công mà TP.HCM cung cấp đã đáp ứng được mong đợi của phụ huynh, tỷ lệ này khá cao ở bậc THPT với 87,1%; còn với học sinh thấp hơn là 82,79%.
Theo Sở GD-ĐT, kết quả khảo sát thể hiện được nhu cầu rất cao của người dân, nhất là học sinh đối với ngành giáo dục, Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cho thấy được những điểm còn hạn chế, cần phải khắc phục của các cơ sở giáo dục ở TP.HCM.
Đối với người học, điểm hài lòng chung và tỷ lệ đáp ứng so với mong đợi đạt ở mức khá trong khi tỷ lệ hài lòng chung chỉ đạt từ mức khá đến trung bình khá ở tất cả tiêu chí. Đây là điều mà ngành GD-ĐT cần quan tâm, có những giải pháp để đáp ứng nhu cầu của đối tượng trực tiếp thụ hưởng dịch vụ.
Sở GD-ĐT lưu ý, sự khác biệt trong quan điểm giữa phụ huynh và người học khi so sánh các chỉ số cho thấy học sinh có nhu cầu cao hơn đối với dịch vụ giáo dục công, nhất là trong thời đại hội nhập toàn cầu và tình hình dịch Covid-19 hiện nay.
Bình luận (0)