Phụ huynh phàn nàn sách giáo khoa lớp 1 có nhiều từ không phù hợp với trẻ

06/10/2020 15:07 GMT+7

Theo dõi chương trình học năm nay của con, nhiều phụ huynh cho biết trong môn tiếng Việt của học sinh lớp 1 có rất nhiều từ khó hiểu, không phù hợp với trẻ.

Cha mẹ phải tra từ điển

Có con học lớp 1 năm nay, chị Hoàng Thị Hoa (ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết khi dạy kèm con học, chị đã tham khảo bộ sách mới của con, trong đó môn tiếng Việt có rất nhiều từ mới, lạ… đến vợ chồng chị còn khó hiểu, phải tra từ điển hoặc lên mạng tìm kiếm mới hiểu nghĩa. Thậm chí có những từ chị vẫn không biết chính xác nghĩa của nó là gì.
Cụ thể, theo chị Hoa, trong bài số 31 (môn tiếng Việt, bộ sách Cánh diều) khi học sinh học đến vần “ua, ưa” thì sách có đưa vào dạy các chữ có chứa vần này, trong đó có chữ “dưa đỏ”. Theo chị Hoa đây là một từ dùng không chính xác, vì từ đúng của loại quả này phải là “dưa hấu đỏ” hoặc chỉ gọi là "dưa hấu" chứ không ai dùng từ "dưa đỏ".
Cũng trong bộ sách này, ở bài 33 ở bài đọc “Thỏ thua rùa” của cuốn sách viết: “Thỏ nghĩ rùa sẽ thua. Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ”. “Vậy từ ‘nhá’ ở đây nghĩa là gì?”, chị Hoa tự hỏi.
Vì không hiểu từ này chị đã mở từ điển tiếng Việt cũng như lên mạng tìm kiếm nhưng câu trả lời nhận được càng khiến chị thêm băn khoăn: "Nhá: nhai kỹ cho giập, cho nát (thường vật dai, cứng, khó ăn)".
“Trong đoạn văn này nếu thỏ 'la cà nhá cỏ' thể hiện nó rất thảnh thơi vừa nhai vừa chơi, vậy thì dùng từ nhá có phù hợp không? Mà thú thật, lần đầu tiên tôi biết đến từ “nhá” có nghĩa là “nhai”, nếu đưa vào dạy ở chương trình lớp 1 với lứa trẻ mới bắt đầu làm quen học chữ thì làm sao các con hiểu được”, chị Hoa nói thêm.
Trong khi đó,ở bài 17 môn tiếng Việt lớp 1 (bộ Kết nối tri thức), chị Thu Ngân (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng thắc mắc với nhiều từ mà con đang được học.
Cụ thể, trong phần học âm “g” các con được giới thiệu nhiều chữ có âm này, đặc biệt có chữ “gụ” cũng khiến nhiều phụ huynh thắc mắc “gụ là gì”. Khi tra từ điển phụ huynh mới biết đây là một loại cây gỗ.
“Thực ra đây là những từ rất khó, kể cả nhiều người lớn cũng không biết. Nếu đưa từ “gụ” này trong câu ghép như “gỗ gụ”, “sập gụ”… thì may ra chúng tôi mới hiểu được nghĩa. Còn đưa một từ đứng riêng lẻ như vậy là làm khó học sinh. Với các em mới bắt đầu làm quen với tiếng Việt, theo tôi chỉ nên bắt đầu dạy những từ phổ thông, phổ biến và dễ hiểu nhất có thể”, chị Thu Ngân nói.

Nhiều bài học không phù hợp 

Còn một phụ huynh khác ở quận 9, TP.HCM, cho rằng có nhiều bài tập đọc trong sách giáo khoa lớp 1 hiện nay không chỉ dài, yêu cầu học sinh phải đọc trơn mà nội dung bài đọc còn mang tính phản giáo dục.
Ví dụ, trong phần tập đọc “Sơn và Hà” bài 71 môn tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh diều) viết:
“Giờ kiểm tra, Sơn vừa chép đề vừa lẩm nhẩm: giỏ có 8 con cá thờn bơn. Cho bớt 5 con, còn 4. Hà thì thầm: “Còn 3 chứ”
Cô Yến đến bên Hà:
Hà để bạn tự làm đi
Hà lễ phép: Dạ!
Sơn ngẫm nghĩ, em chợt nghĩ ra và nắn nót viết: 8-5=3”.
Theo phụ huynh, trong bài viết này thể hiện việc Sơn đã được Hà nhắc đáp án chứ không phải “chợt nghĩ ra” rồi viết đáp án trong bài làm của mình.

Bài tập đọc về Hai con ngựa (tiếng Việt, tập 1, bộ sách Cánh diều) cũng khiến nhiều phụ huynh phàn nàn, cho rằng nội dung không phù hợp với trẻ

Chụp màn hình

Tương tự, trong bài Hai con ngựa cũng được phụ huynh phản ánh về việc nội dung không phù hợp khi chú ngựa ô cho rằng “có lý lắm” để nói về việc chú ngựa tía trốn việc nhà bằng cách “chủ nhà mà giục em làm, em sẽ trốn”.
“Trẻ con tiếp thu rất nhanh, đặc biệt khi học sinh lớp 1 được dạy tập đọc qua những bài học như thế này, nếu đưa nội dung không phù hợp rất dễ ảnh hưởng đến tư tưởng của trẻ”, nữ phụ huynh này chia sẻ.
Nhận xét về những từ phụ huynh phản ánh, PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho rằng từ “dưa đỏ” là một trong những từ cổ, hiện được dùng ở một số địa phương, nhưng không phổ biến. Tương tự, các từ như “gụ”, “nhá”… cũng là những từ có nghĩa nhưng thuộc phương ngữ, dùng nhiều ở phía Bắc và không phổ biến nên có thể nhiều người chưa từng biết đến. “Nếu đưa vào dạy cho học sinh thì không sai nhưng không được hay lắm, vì với học sinh lớp 1 các em mới tiếp cận với ngôn ngữ, chỉ nên đưa vào những từ ngữ phổ biến, thích hợp và dễ hiểu nhất”, ông Giang chia sẻ.
Tương tự, theo tiến sĩ Hồ Xuân Mai (Trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ học, Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ), những từ ngữ này không sai nhưng không phổ biến nên khiến nhiều phụ huynh, học sinh khó hiểu. “Nhiều từ hiện nay không còn nữa hoặc còn được sử dụng nhưng phạm vi rất hạn chế, rất ít dùng. Cho nên, nếu các tác giả sách lấy ví dụ khác thì cả phụ huynh lẫn học sinh đỡ vất vả hơn. Ví dụ như từ “gụ” là một loại gỗ rất quý, hiếm gỗ gụ. Chúng ta có “sập gụ” hay “bộ gụ”, “bộ gỗ gụ”, “bộ ván gụ”... Cho nên, ví dụ trên trong sách giáo khoa không sai. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của phụ huynh, với học sinh lớp 1, nội dung trình bày cần phải cụ thể, gần gũi; tránh phải giải thích nhiều bởi như vậy các em sẽ không hiểu, không nhớ gì, hiệu quả giảng dạy sẽ không cao”, ông Mai nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.