Phụ huynh rối tung rối mù vì app thu học phí

15/11/2022 17:30 GMT+7

Từ năm học 2022-2023, ngành giáo dục Khánh Hòa đẩy mạnh việc thanh toán học phí và các khoản thu khác theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, chủ trương này gây không ít ý kiến trái chiều từ các phụ huynh.

Tưởng là tiện lợi nhưng lại bất cập đủ đường

Có con đang học lớp 5 bán trú tại Trường tiểu học Lộc Thọ, TP.Nha Trang, chị T.H cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt được nhiều phụ huynh đồng tình, ủng hộ vì sẽ tiết kiệm được thời gian.

Tuy nhiên, việc nhà trường yêu cầu phụ huynh phải tải duy nhất một ứng dụng Viettel Money để chuyển tiền học phí và các khoản thu khác thì đã dẫn đến rất nhiều bất cập, rắc rối.

Học sinh Trường tiểu học Lộc Thọ, TP.Nha Trang

thế quang

Theo chị H., việc tải và tạo tài khoản trên ứng dụng Viettel Money quá phức tạp, nhiều phụ huynh thực hiện 3-4 lần vẫn thất bại, đến khi tải thành công thì phải thực hiện nhiều thao tác để chuyển tiền. Cụ thể, người dùng phải chuyển tiền từ ngân hàng qua ứng dụng, sau đó tiếp tục chuyển từ ứng dụng tới nhà trường, cũng theo chị H.

Ngoài ra, một số ngân hàng không liên kết với Viettel Money nên muốn thực hiện giao dịch qua ứng dụng này, phụ huynh buộc phải ra ngân hàng có liên kết để mở thêm một tài khoản mới và việc này lại phát sinh thêm phí quản lý hàng năm.

"Chúng tôi sử dụng dịch vụ của các ngân hàng thương mại để thanh toán các hóa đơn như điện, nước.. mà không phát sinh thêm chi phí. Ngay cả Kho bạc nhà nước Khánh Hòa cũng mở thêm tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau để người dân, doanh nghiệp có thể chuyển tiền được thuận lợi. Tại sao nhà trường chỉ chọn duy nhất một app mà không có hình thức nào khác để chúng tôi thuận tiện trong việc đóng tiền?", chị H. bức xúc nói.

Cũng theo chị H., con chị đang học lớp 5, sang năm sẽ chuyển cấp sang trường khác, nếu trường mới không sử dụng Viettel Money thì chị phải tiếp tục cài đặt thêm một ứng dụng chuyển tiền, tạo tài khoản ngân hàng mới sẽ rất mất thời gian và mệt mỏi.

"Chúng tôi đề nghị nhà trường mở ra nhiều kênh thu không sử dụng tiền mặt để phụ huynh chúng tôi được lựa chọn phương thức phù hợp với mỗi cá nhân, không độc quyền, không cứng nhắc. Để mọi người nhận thấy được đây là chủ trương đúng đắn, không gây hiểu lầm và làm mất lòng tin của chúng tôi", chị H. nói.

Cùng nỗi bức xúc trên, chị T. (trú P.Lộc Thọ, TP.Nha Trang) cho hay, bản thân chị rất "đau đầu, nhức óc" khi tải, tạo tài khoản ứng dụng Viettel Money, chưa nói đến những phụ huynh không rành về công nghệ hoặc không có điện thoại thông minh. "Ứng dụng này còn bắt người sử dụng khai rất nhiều thông tin cá nhân, chụp ảnh chân dung và nguy cơ để lộ thông tin cá nhân rất cao", chị T. cho hay.

Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh cho biết ứng dụng Viettel Money chỉ cho nạp tiền với bội số là 100, khá phiền phức. "Như con tôi đang học trường THCS Thái Nguyên, một kỳ phải đóng 725.000 đồng các khoản chi phí. Thế nhưng ứng dụng không cho nạp số tiền trên, bắt buộc tôi phải chuyển 800.000 đồng vào ứng dụng, sau đó mới chuyển số tiền 725.000 đồng cho nhà trường, như vậy số dư còn lại trong ứng dụng sẽ để làm gì, ngoài việc chỉ để chuyển tiền học cho con? Trong khi đó các ngân hàng thương mại cho chuyển tiền đến từng số lẻ nhỏ nhất", chị T. nói.

Chị T. cũng cho hay, nhân viên của Viettel thông báo sẽ miễn phí cho các phụ huynh 6 tháng khi sử dụng ứng dụng, hết thời gian này sẽ phải tốn phí 2.200 đồng/lần giao dịch. Theo chị, số tiền trên tuy không lớn nhưng nếu là nhiều trường trong cả tỉnh sử dụng cộng lại thì con số này cũng không hề nhỏ.

Không bắt buộc chỉ sử dụng một ứng dụng

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Nguyên Lập, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Nha Trang, cho biết việc áp dụng thanh toán không sử dụng tiền mặt là chủ trương của toàn quốc cũng như của tỉnh và ngành GD-ĐT Khánh Hòa; Phòng GD-ĐT chỉ triển khai thực hiện.

Việc chuyển tiền học phí và các khoản thu khác qua ứng dụng đang khiến nhiều bậc phụ huynh tại Khánh Hòa rất bức xúc

thế quang

Đối với những thắc mắc của phụ huynh trong việc thanh toán qua các ứng dụng của Viettel Money, VNPT Money... gặp nhiều bất cập, rắc rối, ông Lập cho hay sẽ từng bước điều chỉnh cho phù hợp. Theo ông Lập, Phòng GD-ĐT yêu cầu các hiệu trưởng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến phụ huynh về chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt để họ hiểu, chia sẻ và đồng thuận. "Còn trường nào làm không khéo thì tôi sẽ xem xét kiểm điểm công tác tuyên truyền của trường đó", ông Lập nói.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa, cho biết trong năm học 2022-2023, Sở yêu cầu các phòng GD-ĐT triển khai thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt, đạt tối thiểu 50% tổng số đơn vị trực thuộc. Những app được sử dụng nhiều nhất hiện nay trong các nhà trường là Viettel Money, VNPT Money, MISA...

Theo ông Sơn, Sở GD-ĐT Khánh Hòa chỉ giới thiệu nhà cung cấp ứng dụng tới các phòng GD-ĐT và trường, còn việc sử dụng ứng dụng nào là do nhà trường quyết định, chứ Sở không áp đặt hay chỉ định cho bất kỳ đơn vị nào. Nhà trường có thể sử dụng 2-3 ứng dụng khác nhau cùng lúc, làm sao để thuận tiện trong việc quản lý.

Ông Sơn cũng thừa nhận các app thu phí hiện sử dụng rất phức tạp và phải khai rất nhiều thông tin cá nhân. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng việc này rất mới mẻ nên có thể phát sinh nhiều bất cập, do đó phụ huynh cần có thời gian để thích nghi và áp dụng.

Về việc phụ huynh thắc mắc vì sao không cho chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng của nhà trường để thuận tiện trong việc giao dịch, ông Sơn cho rằng vấn đề này cũng khá rắc rối vì tài khoản của nhà trường còn có nhiều giao dịch khác, không chỉ riêng thu học phí; còn nếu mở thêm một tài khoản mới thì lại phát sinh thêm công tác quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.