Chiều 24.2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ. Một trong các thông tin được dư luận quan tâm là sự gia tăng nhanh của số ca nhiễm, nhất là trong trường học.
Học trực tiếp sẽ song song với trực tuyến
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị tư tưởng (thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết công tác phòng chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp có diễn biến phức tạp, số trẻ nhiễm Covid-19 gia tăng. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học trực tiếp vẫn bình thường như chỉ đạo của UBND TP.HCM, ngành y tế, giáo dục.
Số học sinh mắc Covid-19 ở TP.HCM gia tăng kể từ khi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán |
nguyễn loan |
Ngày mai (25.2), Sở GD-ĐT sẽ triển khai kỹ hướng dẫn mới của Bộ Y tế đến các cơ sở giáo dục. Ông Trọng cho hay việc học trực tiếp sẽ song song với trực tuyến, do có những em nhiễm Covid-19, cách ly y tế hoặc phụ huynh còn băn khoăn chưa cho con đi học nên vẫn cần kênh duy trì việc học của các em. Do đó, chất lượng dạy học khi chuyển đổi giữa trực tiếp và trực tuyến sẽ bị ảnh hưởng, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn nhà trường chú ý các em quay lại trực tiếp để bổ sung kiến thức cho các em.
Giải thích số ca bệnh tăng cao, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai nêu 3 lý do: Trải qua kỳ nghỉ dài với mức độ giao lưu nhiều nên khả năng lây nhiễm cao; học sinh quay trở lại trường lớp học trực tiếp; Và biến chủng Omicron với mức độ lây lan nhanh đang chiếm ưu thế.
Dù vậy, bà Mai đề nghị người dân không quá hoang mang, bởi qua theo dõi tại các cơ sở điều trị thì số ca nhập viện, ca thở máy không tăng và có xu hướng giảm; đặc biệt là ca nặng, ca thở máy giảm mức thấp nhất từ khi đỉnh dịch, những ngày qua không có ca tử vong.
Bộ Y tế hướng dẫn điều trị Covid-19 mức độ nhẹ không dùng thuốc ở trẻ em |
Một nguyên nhân khác là TP.HCM có mức độ phủ tiêm chủng tốt, đang phấn đấu đạt 80% dân số được tiêm mũi 3. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng là địa phương thực hiện tốt chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, liên tục mở rộng đối tượng ra nhóm trên 50 tuổi; đồng thời chuẩn bị kế hoạch đưa trẻ em vào nhóm nguy cơ để bảo vệ.
Bảo vệ sức khỏe trẻ em là trên hết, trước hết
Thông tin thêm về các biện pháp bảo vệ trẻ em, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, cho hay thành phố nhận thức rằng bảo vệ sức khỏe, tính mạng trẻ em là trên hết, trước hết. Theo kế hoạch thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em, nhất là những em có nguy cơ như béo phì thì ngành y tế sẽ triển khai 7 giải pháp chính.
Thứ nhất, cung cấp số điện thoại tư vấn từ xa, giải đáp thắc mắc cho phụ huynh, thân nhân, người chăm sóc trẻ. Thứ hai là tập huấn cho giáo viên để biết được các dấu hiệu trẻ nhiễm Covid-19 và cách xử lý. Thứ ba là tập huấn cho hệ thống y tế gồm: TTYT, trạm y tế, trạm y tế lưu động, bệnh viện.
Phụ huynh ở TP.HCM sẽ cùng nhà trường quyết định hình thức học của con em mình theo trực tuyến hay trực tiếp |
nguyễn loan |
Thứ tư là phân tầng điều trị, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và các trường hợp cần nhập viện điều trị. Thứ năm là xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc Covid-19 gia tăng. Thứ 6 là tăng cường truyền thông để mọi người hiểu biết về tình trạng trẻ mắc Covid-19, lý do vì sao tăng, mức độ và các giải pháp triển khai. Cuối cùng là sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi.
“Trẻ em còn nhỏ nên sự chủ động, tự giác thực hiện các quy định phòng chống dịch còn hạn chế. Đề nghị phụ huynh hỗ trợ, hướng dẫn, chăm sóc tốt hơn cho trẻ em; đồng thời thường xuyên trao đổi với nhà trường để cùng nhau quyết định chăm sóc sức khỏe cho trẻ và quyết định hình thức học một cách tốt nhất”, ông Hải nói.
Bình luận (0)