Phụ huynh trường Múa kêu cứu: ​Không thể giải quyết theo từng sự vụ

03/04/2021 08:11 GMT+7

Dù Bộ GD-ĐT đã kịp thời tháo gỡ phần nào vướng mắc liên quan tới vụ 325 phụ huynh Học viện Múa Việt Nam kêu cứu, nhưng cả phụ huynh lẫn cơ quan chức năng nhận thấy bản chất của vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Hoạt động đào tạo trong các lĩnh vực đặc thù hiện vẫn chưa có các căn cứ pháp lý đảm bảo.

Phụ huynh vẫn bất an

Liên quan tới vụ 325 phụ huynh Học viện Múa VN (gọi tắt là Trường Múa) kêu cứu, sau khi nhiều báo đồng loạt lên tiếng, các bộ liên quan đã có những động thái xử lý kịp thời. Chỉ sau khi nhận được công văn của Bộ VH-TT-DL mấy tiếng đồng hồ, chiều tối 1.4, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 1261/BGDĐT- GDTrH trả lời Bộ VH-TT-DL về việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh (HS) Trường Múa. Bộ GD-ĐT đồng ý để Trường Múa được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp cho những trường hợp đã hoàn thành đầy đủ chương trình theo quy định. Tuy nhiên, công văn không đề cập việc giải quyết thế nào về vấn đề cấp bằng THCS và bằng tốt nghiệp THPT cho HS, mà chỉ cho phép Trường Múa được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho những em đã hoàn thành chương trình (mà Bộ GD-ĐT đã quy định).
Trao đổi với báo chí, nhiều phụ huynh cho biết dù Bộ GD-ĐT nhanh chóng “tháo gỡ” nhưng không giải tỏa được hết nỗi lo của họ. Rốt cuộc, 273 HS Trường Múa vẫn sẽ không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT. Ngoài ra, hàng chục HS khác đang học cũng sẽ đối diện với nguy cơ này khi học xong.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, một phụ huynh, e ngại về giá trị pháp lý của bằng trung cấp chuyên nghiệp mà Trường Múa cấp. Đặc biệt, các văn bằng cốt lõi xác định trình độ học vấn một người công dân cần có khi vào đời là bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, thì các HS Trường Múa vẫn sẽ không được cấp. Trong đó, quan trọng nhất là HS cần phải có bằng tốt nghiệp THCS. Bởi dẫu có được xác nhận đã học hết chương trình THPT, HS muốn dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT, điều kiện cứng về hồ sơ là các em phải có bằng tốt nghiệp THCS. Hệ lụy lâu dài khi HS không có bằng tốt nghiệp THCS là không thể lường hết được. “Sau này, HS sẽ khốn đốn vô cùng vì không thể giải thích được hết với các cơ quan chức năng khi gặp vấn đề liên quan”, bà Thủy nói.

Cần giải quyết vấn đề tận gốc

Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL), cho biết vụ việc liên quan tới đơn kêu cứu của 325 phụ huynh Trường Múa về cơ bản đã được giải quyết. Với bằng trung cấp chuyên nghiệp mà HS sẽ được cấp, các em sẽ được quyền học tiếp chuyên ngành phù hợp trong hệ thống đào tạo ngành văn hóa - nghệ thuật. Còn vướng mắc về bằng tốt nghiệp THCS, THPT thì nằm ngoài phạm vi xử lý của Trường Múa, cũng như của Bộ VH-TT-DL. “Cái này là lỗi của trường khi tuyển sinh đã không truyền thông đầy đủ tới phụ huynh HS, khiến các phụ huynh ngộ nhận. Khi theo học các chương trình đào tạo đặc thù, HS chỉ có thể tiếp tục học cao hơn trong lĩnh vực chuyên môn đặc thù. Còn muốn rẽ sang các ngành khác thì HS phải tự bổ túc thêm các kiến thức văn hóa để đủ điều kiện đầu vào các ngành khác đó”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho biết những rắc rối như vừa qua ở Trường Múa xuất phát từ tính đặc thù trong đào tạo nghệ thuật - thể thao mà các cơ quan chức năng dù đã làm việc với nhau rất nhiều nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp. Có rất nhiều yếu tố mà cần phải xét đến yếu tố đặc thù. Chẳng hạn như về số năm đào tạo, trường nghệ thuật - thể thao không thể chỉ đơn giản đào tạo gói gọn trong khung chương trình 1 - 2 năm với trung cấp, 2 - 3 năm với cao đẳng. Hoặc đầu vào tuyển sinh của các trường này không thể đợi đến khi HS 15 - 18 tuổi, có bằng tốt nghiệp THCS hay THPT rồi mới tuyển. Do đó, các em bắt buộc phải học văn hóa song hành cùng với chuyên môn, mà trong đó, phần chuyên môn rất nặng (mỗi ngày tập luyện 6 - 7 tiếng). “Do đó, cần phải có chương trình văn hóa phù hợp với các em chứ yêu cầu các em phải học văn hóa như HS trường phổ thông bình thường là đòi hỏi quá cao”, ông Tuấn chia sẻ.
Để giải quyết khúc mắc về đòi hỏi học văn hóa hiện nay với HS trường nghệ thuật, nhiều trường đã giải quyết bằng cách để các em tự lo phần học văn hóa ở bên ngoài, trường chỉ dạy chuyên môn. Nhưng nếu chỉ chú trọng chất lượng đào tạo chuyên môn, HS sẽ không thể theo nổi do không sắp xếp được lịch học phù hợp. Còn nếu nương theo điều kiện HS, chất lượng đào tạo chuyên môn không được ưu tiên. Nếu trường vừa dạy văn hóa vừa dạy chuyên môn, thì sẽ gặp khúc mắc như Trường Múa vừa rồi.
Theo ông Tuấn, hiện Bộ VH-TT-DL đang chủ trì soạn thảo văn bản quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật - thể thao. “Đó là cách giải quyết căn cơ, để không thể chạy theo từng sự vụ như vừa làm với trường hợp Học viện Múa VN. Vì Bộ VH-TT-DL có tới 15 trường nghệ thuật - thể thao, toàn quốc có khoảng 60 trường”, ông Tuấn nói.
HS phải học bổ sung đủ khối lượng kiến thức đã được quy định
Trao đổi với Báo Thanh Niên sáng 2.4, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, giải thích, sở dĩ Công văn số 1261 của Bộ GD-ĐT không đề cập phương án giải quyết như thế nào với hàng trăm HS Trường Múa không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT là bởi Bộ VH-TT-DL không đặt ra vấn đề này. Trước lo lắng của phụ huynh Trường Múa, ông Độ góp ý, phụ huynh nên đề xuất với Trường Múa, Trường Múa kiến nghị lên Bộ VH-TT-DL, Bộ VH-TT-DL làm việc với Bộ GD-ĐT, từ đó Bộ GD-ĐT mới có thể cho ý kiến.
Theo ông Độ, vấn đề này có thể giải quyết theo hướng rà soát, xem xét khối lượng kiến thức văn hóa mà HS Trường Múa đã được học (theo đề án đào tạo của Trường Múa mà Bộ VH-TT-DL đã phê duyệt thông qua Quyết định 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 1.10.2004). “Đây là một chương trình tích hợp nên không tương đương với chương trình phổ thông. Muốn xét tốt nghiệp THCS, các em phải được học bổ sung đủ khối lượng kiến thức đã được quy định thì mới được đưa vào diện xét cấp bằng. Cho nên phải rà soát xem chương trình học của các em, trên cơ sở đó mới làm việc với phòng GD-DT để tổ chức xét được”, ông Độ cho biết, rồi nói thêm: “Với HS có nhu cầu được cấp bằng tốt nghiệp THPT cũng vậy, các em phải được học đủ khối lượng kiến thức chương trình THPT, phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp chung với HS THPT của cả nước để được cấp bằng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.