Phú Mỹ Hưng: Văn minh đến từ đâu?

Giữa những ồn ào về lấn chiếm vỉa hè, về karaoke “tra tấn” phố phường… thì Phú Mỹ Hưng vẫn mặc nhiên miễn nhiễm. Bao nhiêu đó thôi cũng thấy được chuẩn mực văn minh của khu đô thị này.

Ai từng sống, hoặc từng đến Phú Mỹ Hưng đều có chung nhìn nhận: Phú Mỹ Hưng có một chuẩn mực về văn minh đô thị mà không nhiều nơi trên đất nước này có được. Ở đó tuyệt nhiên không có chuyện tận dụng vỉa hè để kê thêm cái xe nước mía; không có những quán nhậu lề đường; không có chuyện vứt rác bừa bãi; không có chuyện thích thì bật loa lên hát; không có chuyện phơi phóng quần áo lung tung; không có cả những quý ông mắc bệnh “tiểu đường” … Chuẩn mực văn minh ấy, qua trải nghiệm của mình, tôi đánh giá phần nào đã tiệm cận với nhiều thành phố hiện đại trên thế giới như Singapore hay Seoul.

Tuy nhiên, là một người hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, vấn đề khiến tôi quan tâm hơn cả chính là Phú Mỹ Hưng đã tạo ra những chuẩn mực ấy như thế nào, trong bối cảnh Phú Mỹ Hưng là một khu đô thị mới nằm kế cận đô thị cũ với những tập quán, lối sống đã trở thành lề thói đặc trưng của văn hóa vỉa hè. Bằng nhiều hướng tiếp cận, tôi đã tìm ra được câu trả lời tương đối thỏa đáng cho mình, cũng là một cách để lý giải cho câu hỏi: Văn minh đô thị Phú Mỹ Hưng từ đâu mà có?

Trước hết, tôi cho rằng, những chuẩn mực văn minh của Phú Mỹ Hưng được bắt nguồn từ quy hoạch và xây dựng. Ông bà ta có câu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, trong trường hợp của một khu đô thị có thể hiểu: việc quy hoạch, xây dựng không gian sống như thế nào sẽ tạo ra các giá trị văn minh tương xứng. Phú Mỹ Hưng đã nỗ lực để xây dựng nên một khu đô thị hoàn chỉnh, kiểu mẫu, thì việc các chuẩn mực văn minh đô thị được hình thành là một kết quả tất yếu.

Trong Hội thảo khoa học “Quản lý Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM” mà tôi có dịp tham dự, nói về vai trò của quy hoạch, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã chọn Phú Mỹ Hưng làm dẫn chứng. Theo ông, chính nhờ quy hoạch bài bản, khoa học và có định hướng mà khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã giải quyết tốt bài toán về nhập cư, về văn hóa vỉa hè mà nhiều nơi không làm được. Chẳng hạn, một ví dụ nhỏ, tại sao ở Phú Mỹ Hưng không có các bãi giữ xe tự phát trên vỉa hè, lòng đường, lấn chiếm lối đi của người đi bộ? Đơn giản, trong quy hoạch, Phú Mỹ Hưng đã bố trí đầy đủ các bãi giữ xe cho từng công trình, từng dự án. Về mặt xã hội, chính quy hoạch đồng bộ về hạ tầng và tiện ích đã phần nào giúp Phú Mỹ Hưng “chọn lọc” được một cộng đồng cư dân có sự tương đồng nhất định về thu nhập, về văn hóa.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, yếu tố quy hoạch là “cần” nhưng chưa phải là “đủ” để có thể tạo dựng các chuẩn mực văn minh đô thị. Để Phú Mỹ Hưng trở thành một “đô thị văn minh, cộng đồng nhân văn” như hiện tại thì không thể không nhắc đến vai trò của yếu tố quản lý và vận hành. Đây không những là yếu tố “đủ” mà còn là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa Phú Mỹ Hưng và nhiều khu đô thị, khu dân cư mới khác mà tôi từng tìm hiểu.

Nói cách khác, tạo ra “cái bầu, cái ống” là một việc, còn giữ “cái bầu luôn tròn”, “cái ống luôn dài” lại là việc khác. Hãy nhìn cách Phú Mỹ Hưng đầu tư cho việc quản lý, vận hành khu đô thị thông qua công tác hậu mãi, sẽ thấy được chủ đầu tư khu đô thị này đã nghiêm túc như thế nào trong mục tiêu tạo dựng và duy trì các chuẩn mực văn minh. Lực lượng đảm trách công tác hậu mãi của Phú Mỹ Hưng hơn 500 người, hơn cả đội ngũ kinh doanh, bao gồm các bộ phận: Đội Bảo vệ, Trung tâm Phục vụ Khách hàng, Tổ Quản lý trật tự đô thị … vừa phục vụ đời sống cư dân, vừa đảm bảo các quy chế về văn minh đô thị luôn được thực thi. Một nhà nào đó mở nhạc to, ngay lập tức nhân viên Trung tâm Phục vụ khách hàng sẽ có mặt nhắc nhở. Hàng rong vừa bày ghế, nhân viên Đội Bảo vệ nhanh chóng đến mời đi. Cửa hàng kê bảng quảng cáo lấn chiếm vỉa hè, nhân viên Tổ Quản lý Trật tự đô thị sẽ yêu cầu trả lại hiện trạng cũ …

Vẻ đẹp văn minh đô thị Phú Mỹ Hưng, tôi tin, đã được định hình từ những hành động quyết liệt và kiên trì như thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.