Phu nhân của tướng

23/12/2021 07:07 GMT+7

Nếu không tạo cho nhau niềm tin, không mang đến cho nhau điểm tựa tinh thần, không có sự bao dung che chở - thì dù ở gần cũng chưa chắc đã ấm êm.

Hôm đó vào khoảng 11 giờ trưa, mưa tầm tã, từng cơn gió thổi mạnh, cuốn phăng những chiếc lá mong manh. Văn phòng của Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu nằm ở vị trí trước mặt hồ Trúc Bạch, mới chỉ cuối thu nhưng ở đây đã lạnh.

Tôi tới trả ông cuốn sách và được vị tướng mời ở lại dự bữa ăn trưa cùng mấy người bạn của ông. Thấy tôi có vẻ lưỡng lự, ông tiếp: “À, mà có cái này hay lắm! Phụ nữ ăn vào là đẹp da, dáng xinh nhé”.

“Tôi được như ngày nay là nhờ bà ấy chăm sóc”

Tôi bật cười và tự dưng thấy chả còn ngần ngại chi nữa. Cùng với mấy người bạn, sắp bát đũa và đồ ăn ra bàn. Chợt tôi nghe ông quay sang, dặn người đang sắp thức ăn ra đĩa: “À, cháu cất cho chú phần gà nho nhỏ vào túi, rồi để chỗ thoáng mát. Chiều chú mang về. Nhà chả thiếu đồ, nhưng gọi là làm quà cho bà ấy ở nhà. Hơn nữa, món này ở đây họ nấu đặc biệt ngon…”.

Phu nhân tướng Hiệu là bác sĩ ưu tú Lại Thị Xuân

NVCC

Dù chỉ là một cử chỉ nho nhỏ nhưng chúng tôi ai cũng hiểu, ông quan tâm và nghĩa tình với bà theo cách của mình. Không cần nói lời “có cánh”, chẳng cần nhiều lời, ông muốn chia sẻ với bà ở những điều nhỏ nhặt.

Bữa trưa hôm đó thật vui. Mọi người cùng nói cười thoải mái với những câu chuyện bình dị. Gần cuối bữa, ông lấy ra một túi khế, bảo tôi: “Đây là khế nhà trồng. Bà nhà tôi thường bảo: Ông mang lên văn phòng mời mọi người, khế ăn vừa tốt cho sức khỏe, vừa đẹp da, nhất là cho mấy cô gái…”.

Tôi thích thú và ăn một cách ngon lành. Tôi nói:

“Thể nào trông da tướng đẹp thế. Chắc tướng ăn nhiều… khế do bà nhà trồng ạ?”.

Ông cười hiền hậu: “Không phải nói đùa đâu. Tôi được như ngày nay là nhờ bà ấy chăm sóc đấy. Tôi từng đi chiến trận, bom đạn làm cho bị thương, rồi thuốc độc hóa học do Mỹ rải rắc, di chứng để lại nhiều bệnh lắm. Nếu không có bà ấy lựa chọn thuốc thang, nấu món ăn tốt phù trợ cho sức khỏe thì làm sao tôi được như thế này”.

Đoạn ông kể tiếp: “Mấy chục năm rồi, ngày nào cũng đều đặn mấy cốc nước hoa quả ép gồm bưởi, ổi, bơ… Các bạn biết rồi đó, làm mấy thứ đó lích kích lắm nhưng bà ấy cứ chăm chỉ như thế đấy”. Rồi ông cười lớn, đúng chất “tếu” của lính: “Chắc bà ấy không muốn nhìn tôi ốm yếu và xấu xí nên vất vả chịu khó làm đồ ăn thức uống tốt tươi cho tôi đó mà”.

Cả căn phòng vốn đã vui vẻ, nghe ông nói lại càng thêm đầm ấm. Một anh đứng tuổi lên tiếng: “Bác thật may mắn có bác gái tâm lý, chứ như nhà cháu cô ấy rất quá quắt. Cháu vừa xấu trai, vừa chẳng giỏi giang gì đâu mà cô ấy cứ ghen bóng ghen gió với tất cả đồng nghiệp của cháu. Lương thì cháu nộp hết rồi, đi làm thì về nhà ngay mà lúc nào cũng tra hỏi”.

Ông cười thành tiếng một hồi lâu, rồi quay sang nói: “Đừng vội quy kết cô ấy. Phụ nữ họ nhạy cảm lắm. Có thể cháu chưa tạo được niềm tin đủ cho cô ấy. Chưa là chỗ dựa tinh thần đủ mạnh để họ tự tin nương nhờ. Phụ nữ nếu không đủ độ tin tưởng, họ sẽ tự gây dựng cho mình một “cơ chế phòng thủ” để đối phó khi có nguy cơ. Nếu chú “ngay thẳng” thì ngại gì “chết đứng”, nếu chú “cong cong” thì ắt nhận “săm soi” là đúng rồi”.

Cả phòng lại cười như nắc nẻ. Một anh chàng cao to, đẹp trai, trẻ trung nhất trong nhóm lên tiếng: “Bác ơi, thế bác dạy cháu cách “xây tượng đài vững chắc” với mấy cô vừa xinh đẹp lại giỏi giang với. Cháu cứ yêu ai ban đầu thì rất nồng nàn nhưng chỉ được một thời gian thôi thì lại tan vỡ, mà buồn nhất là họ bỏ cháu chứ chẳng phải cháu bỏ họ”.

Vị tướng cười lớn, đoạn nhẹ nhàng nói: “Chuyện tình cảm khi chia tay có thể có nhiều lý do nhưng một trong những lý do đó là “chẳng ai chịu ai”.

Có phải là cháu đẹp trai, nên có nhiều cô gái vây quanh và sẵn sàng “xin chết” nên cháu lơ là với người yêu. Và người yêu cháu cũng xinh đẹp giỏi giang nên họ nghĩ “anh chàng này có vẻ không trọn vẹn với mình” thì mình cũng nên “đề phòng” hoặc... thà bỏ anh ta trước còn hơn bị anh ta bỏ”.

Căn phòng vui đến mức quên cả thời gian. Đoạn ông tiếp: “Các cậu nghĩ mà xem, bất cứ mối quan hệ nào cũng yêu cầu sự chân thành và trung thực. Phụ nữ ngày nay có nhiều sự lựa chọn và họ được quyền như thế. Ví như đánh trận cũng vậy. Phương án 1 nếu quá khó hoặc không khả thi thì có phương án 2, phương án 3. Lựa chọn phương án tốt nhất là quyền của họ. Đàn ông giỏi và đẹp cũng có thể thất bại trong tình trường vì lẽ đó…”.

Một cô gái trong nhóm lên tiếng: “Cháu là cháu kị nhất người đàn ông của mình phạm lỗi tình cảm, kiểu như ngó nghiêng tứ phía, nhất là nịnh đầm mấy cô gái trẻ đẹp. Có phải là đàn ông mà mắc lỗi tình cảm với người vợ của mình một lần là sau này sẽ dễ tiếp tục lỗi nữa phải không ạ?”.

Dừng lại trước câu hỏi bất ngờ của cô gái, vị tướng nhẹ nhàng: “Sống ở đời, bất cứ nam hay nữ đôi khi khó tránh khỏi sai lầm hoặc đôi khi hành động không hẳn là xấu nhưng dễ dẫn đến hiểu lầm. Thế nên đừng nóng vội. Vấn đề là cháu phải xác định được “mức độ nghiêm trọng” của lời nói hoặc hành động ấy đến đâu. Nếu chỉ là vui đùa hoặc quá nhỏ thì đừng vì sơ suất của đối phương mà đạp đổ bao năm gây dựng. Nhìn chung, đàn ông họ được sinh ra là phái mạnh và định sẵn trong gien là đi chinh phục, thế nên họ có nói vài câu khen ngợi phụ nữ xinh đẹp cũng chưa chắc là xấu xa. Họ có giúp đỡ thì cũng chưa hẳn là họ si mê. Đàn ông không dễ dàng gạt bỏ tình yêu đích thực và gia đình để chạy theo bóng hồng nào đó một cách hời hợt đâu, cháu à”.

Phu nhân tướng Hiệu luôn đồng hành cùng ông trong mọi sự kiện

45 năm, vật đổi sao dời nhưng lòng người vẫn son sắt

Từ câu chuyện vui ấy và sau này có nhiều dịp gặp gỡ vị tướng, tôi càng hiểu thêm về nhân sinh quan, thế giới quan của ông. Đó cũng là lý do vì sao - cách đây nhiều năm khi ông bận công tác triền miên, ưu tiên cho công việc “hàn gắn vết thương chiến tranh” của đất nước với những chiến lược, chiến thuật “4 tại chỗ”; trồng cây gây rừng; bảo vệ môi trường; nghệ thuật chiến tranh… và hầu hết chuyện gia đình nội ngoại, con cái do bà đảm nhiệm, nhưng bà không bao giờ phàn nàn.

Làm sao phu nhân của một vị tướng vừa có thể nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo, vừa là vị bác sĩ của cộng đồng với những cống hiến không nhỏ? Làm sao khi vị tướng công tác xa nhà thường xuyên lại không gây ra bất cứ điều tiếng gì để phu nhân chạnh lòng? Hẳn là người ta sẽ đặt ra câu hỏi đó và đây, nếu họ chứng kiến những cảnh trên thì đó chính là câu trả lời.

Nếu không tạo cho nhau niềm tin, không mang đến cho nhau điểm tựa tinh thần, không có tâm hướng Phật, không có sự bao dung che chở - thì dù ở gần cũng chưa chắc đã ấm êm.

Thực tế phu nhân của vị tướng đã cảm nhận điều ấy từ phu quân của mình rõ hơn bất cứ ai nên bà tự nguyện thương, tự nguyện làm những điều thay ông một cách nhẹ nhàng, thấu đáo và rất mực tinh tế.

Bà là bác sĩ ưu tú của nhân dân và đồng thời là “bác sĩ riêng ưu tú” của ông.

Ngoài chăm chút bữa cơm sáng tối, còn đặc biệt nấu những món ăn, bài thuốc để làm sao duy trì sức khỏe của ông tốt nhất có thể.

Hằng tuần bà vẫn dành 2 buổi để cùng đồng nghiệp tham gia hoạt động khám bệnh để không quên công tác chuyên môn. Ngày ngày, chăm chút khu vườn sinh vật cảnh, đọc sách báo, tập thể dục đều đặn để duy trì sự dẻo dai. Từ trong sâu thẳm, người phụ nữ ấy toát lên niềm hạnh phúc vì được chăm chút, chia sẻ. Còn ông khi trở về nhà, mỗi tối vừa tíu tít kể chuyện, vừa nhâm nhi chén nước…

45 năm qua, vật đổi sao dời nhưng lòng người vẫn son sắt. Ông thừa nhận: “Tôi biết, tôi là người quá may mắn bởi lấy được người phụ nữ mình yêu và họ cũng yêu mình, nhờ đó mà hiểu nhau và thông cảm cho nhau. Ngày trẻ thì mạnh mẽ với những khoảnh khắc yêu lãng mạn.

Khi về chung một nhà thì đồng lòng nuôi dạy con cái. Tuổi già thì nặng nghĩa nặng tình và tôi được như ngày hôm nay là nhờ “bác sĩ riêng” của mình!”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.