Góc nhìn phóng viên:

Phụ nhưng không hề phụ

24/03/2023 06:41 GMT+7

Những nhà vệ sinh công cộng dơ bẩn không chỉ là nỗi ám ảnh thường trực của người dân các đô thị lớn, mà còn để lại hình ảnh không mấy thiện cảm trong mắt du khách khi đến Việt Nam.

Dù có nhiều kế hoạch nhưng mức độ cải thiện số lượng và chất lượng nhà vệ sinh ở TP.HCM vẫn còn khiêm tốn. Nhiều lý do được đưa ra như thiếu quỹ đất, vướng quy định cấp phép xây dựng, thiếu kinh phí đầu tư và vận hành, hay thiếu cơ chế hợp tác công tư…

Nhưng có lẽ lý do lớn nhất xuất phát từ sự thiếu quan tâm đúng mức bởi không ít người vẫn coi đây là công trình phụ. Về kỹ thuật xây dựng, nhà vệ sinh được xếp vào nhóm công trình phụ, nhưng thực tế nó đang giải quyết nhu cầu thiết yếu hằng ngày của mỗi người. Hơn thế nữa, đó còn là một phần bộ mặt của đô thị.

Việc bị xếp hạng 67/69 TP du lịch về điều kiện nhà vệ sinh công cộng, ở góc nhìn nào đó cần làm rõ thêm tính khách quan, khoa học của khảo sát này. Bởi lẽ, nếu tính số lượng nhà vệ sinh trên km2 thì thứ hạng của TP.HCM không tệ đến mức như Công ty QS Supplies (công ty bán thiết bị nhà vệ sinh có trụ sở tại Anh) đưa ra. Cụ thể, toàn TP.HCM (trừ Cần Giờ) có 253 nhà vệ sinh, nếu chia cho diện tích khoảng 1.400 km2 (trừ Cần Giờ) thì có 0,18 nhà vệ sinh/km2, cao hơn nhiều so với con số 0,01 nhà vệ sinh/km2 như thống kê. Còn nếu chỉ tính riêng Q.1, số nhà vệ sinh/km2 là 2,25, thuộc nhóm cao trong số các TP được khảo sát.

Nhưng các con số chỉ có ý nghĩa về mặt thống kê, và điều quan trọng nhất vẫn là sự hài lòng khi sử dụng. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh đầu tư nhà vệ sinh không phải để lấy thành tích hay xếp thứ hạng, mà để phục vụ người dân và du khách tốt hơn. Bởi vậy, việc Q.1 bắt tay ngay vào cải tạo nhà vệ sinh xuống cấp, vận động 100 cơ sở kinh doanh cho khách vãng lai sử dụng nhà vệ sinh miễn phí, là những động thái tích cực và cần sớm nhân rộng ra các quận, huyện khác.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.