Phụ nữ châu Á 'lấn sân' các công việc vốn do đàn ông thống trị

24/12/2022 11:00 GMT+7

Nhiều phụ nữ đang ghi dấu ấn trong những ngành nghề nam giới thống trị như phi công chiến đấu , vận động viên bóng gậy và chuyên gia về chip.

Các nữ phi công của lực lượng phi công Ấn Độ

không quân ấn độ

Trong buồng lái, tiếp viên hàng không Suwapich “Windy” Wongwiriyawanich không còn nhìn thấy đường cong của Trái Đất. Một bên là bầu trời đêm đang lùi dần và bên kia là ánh bình minh ló dạng. “Đây là nơi tôi đáng lẽ nên ở, phía trước máy bay chứ không phải ở phía sau”, cô Suwapich thì thầm với bản thân mình.

Cơ trưởng Suwapich “Windy” Wongwiriyawanich

chụp màn hình nikkei asia

Năm phút kỳ diệu đó trên chuyến bay từ Thái Lan đến Ấn Độ đã khiến cuộc đời Suwapich rẽ sang hướng khác. Cô đăng ký tham gia khóa đào tạo học viên Thái Lan đầu tiên của hãng hàng không AirAsia, đạt 2.000 giờ bay và trở thành một trong những nữ phi công đầu tiên của hãng. Hai thập niên trôi qua, cơ trưởng Windy vẫn khiến hành khách bất ngờ khi giọng nói của cô phát ra từ loa máy bay.

Hành trình của Windy từ cabin đến buồng lái là một trong những câu chuyện về việc ngày càng nhiều phụ nữ trên khắp châu Á nắm quyền kiểm soát các ngành nghề mà lâu nay nam giới thống trị.

Phụ nữ đang vươn lên

Nikkei Asia đưa tin lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ ở châu Á đang nắm giữ tổng tài sản lớn hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới, ngoại trừ Bắc Mỹ. Số tài sản này cũng đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Theo một phân tích được Boston Consulting Group (BCG) thực hiện cho Nikkei Asia trong năm nay, tài sản của phụ nữ ở châu Á (trừ Nhật Bản) đang tăng thêm 2 ngàn tỉ USD mỗi năm và họ sẽ nắm giữ 27 ngàn tỉ USD vào năm 2026. Con số này nhiều hơn 6 ngàn tỉ USD so với dự báo cho phụ nữ ở Tây Âu.

Sự gia tăng này một phần là do phụ nữ đang mạo hiểm dấn thân vào những công việc trước đây chỉ dành cho nam giới.

Ngoài ra, các yếu tố mang tính cấu trúc như chế độ nghỉ thai sản và cấu trúc xã hội, bao gồm quyền sinh sản, chăm sóc trẻ em trong gia đình có ba thế hệ hoặc giá bảo mẫu rẻ hơn đã góp phần làm nên điều này.

“Lao động nữ, dù làm việc từ xa hay trực tiếp, nếu có sự hỗ trợ của gia đình thì sẽ linh hoạt hơn để làm việc nhiều giờ hơn và mở rộng hoạt động kinh doanh của họ”, Hue-Tam Jamme, phó giáo sư tại Đại học bang Arizona, cho biết. Cô cũng là thành viên của JustJobs Network, một tổ chức tư vấn về lao động. Nghiên cứu của tổ chức này ở Thái Lan và Campuchia cho thấy phụ nữ làm các công việc chăm sóc không lương nhiều gấp đôi so với nam giới.

Trình độ học vấn, mức độ đô thị hóa và du lịch gia tăng cũng đã định hình lại các tập tục giới tính.

Tuy nhiên, bất chấp những số liệu thống kê bóng bẩy và tỷ lệ có việc làm ngày càng tăng, phụ nữ vẫn là đứng thứ hai về mặt tài chính. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết trong một báo cáo đo lường mức lương, tỷ lệ thất nghiệp, khả năng tiếp cận vốn, đất đai và các dữ liệu khác rằng phụ nữ sẽ cần 151 năm để thu hẹp khoảng cách kinh tế với nam giới nếu không có gì thay đổi.

Ở nhiều nơi, phụ nữ cũng đang đấu tranh trong các gia đình bảo thủ để được tự đi trên những con đường được coi là không chính thống. Cô Ishmita Nagi, cựu nhà thiết kế thời trang đã trở thành phi công của hãng hàng không Ấn Độ IndiGo, cho biết cô đã gặp nhiều phụ nữ như vậy. “Tôi thán phục những cô gái đó vì tôi nghĩ nếu không có sự hỗ trợ to lớn từ gia đình mình, tôi không thể tiến xa như vậy”, Nikkei Asia dẫn lời bà Nagi cho biết.

Những vận động viên bóng gậy tài năng

Vào một buổi sáng mùa đông nắng đẹp năm 2006, Jahanara Alam (13 tuổi) đi tập bóng chuyền ở Khulna, cách thủ đô Dhaka của Bangladesh khoảng 200 km. Cô được một huấn luyện viên bóng gậy phát hiện và hỏi liệu cô có hứng thú với môn thể thao này không. Khi đó, Bangladesh chuẩn bị thành lập đội tuyển bóng gậy nữ quốc gia đầu tiên.

Đội của Alam tiếp tục giành huy chương bạc tại Đại hội thể thao châu Á 2010. Năm 2018, họ đã giành chiến thắng bất ngờ trước đương kim vô địch Ấn Độ tại Cúp bóng gậy nữ T20 châu Á.

Ở đầu kia của tiểu lục địa Ấn Độ, bà Urooj Mumtaz đã chơi bóng gậy phía sau một nhà máy sản xuất thảm ở Karachi, Pakistan suốt từ khi còn bé. Khi lớn lên, bà trở thành đội trưởng của một đội nam tại câu lạc bộ địa phương. “Vẫn chưa có đội nữ nào ở câu lạc bộ”, bà Mumtaz cho biết.

Bà Urooj Mumtaz khi còn là vận động viên bóng gậy

Urooj Mumtaz

Năm 2006, bà trở thành đội trưởng đội tuyển bóng gậy quốc gia của Pakistan và sau đó trở thành người phụ nữ đầu tiên của nước này bình luận một trận bóng gậy nam quốc tế.

Cả Alam và Mumtaz đều đã giành được một số chiến thắng về bình đẳng giới ở nước mình. Những điều cơ bản như vé máy bay, chỗ ở và thiết bị đã được đảm bảo như những đồng nghiệp nam, nhưng thu nhập của họ vẫn có sự chênh lệch lớn.

“Nếu nam giới nhận được 100% lương thì chúng tôi chỉ nhận được 30 đến 40% so với họ”, bà Alam cho biết và lưu ý rằng khoảng cách trên đã thu hẹp hơn so với một thập niên trước, khi họ chỉ kiếm được 5-10% so với các vận động viên nam.

Một số vận động viên và các cơ quan xây dựng thương hiệu đã kêu gọi các hội đồng bóng gậy tăng cường sự chú ý đối với các nữ vận động viên thông qua các chiến dịch tiếp thị. Nhiều người hâm mộ hơn sẽ giúp họ có lượng khán giả truyền hình lớn hơn, từ đó kéo theo các hợp đồng béo bở có thể lên tới hàng trăm ngàn USD mỗi người.

Hồi tháng 10, Ấn Độ đã công bố giá vé cho các trận đấu bóng gậy của nam và nữ bằng nhau sau khi New Zealand có động thái tương tự vào tháng 7.

Tuy nhiên, dù cho nhiều tiến bộ, hệ thống hiện tại vẫn tiếp tục tạo ra những kết quả tương tự từ năm này qua năm khác. Đàn ông vẫn có số lượng áp đảo phụ nữ ở những vị trí quyền lực nhất và được trả lương cao nhất.

Một lý do mang tính hệ thống là vấn đề tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng một phần dựa vào các mạng lưới quan hệ, thường do nam giới thống trị, hoặc vào dữ liệu đề cập đến những từng giữ vai trò đó - cũng thường là nam giới.

Bà Yến Đỗ, Giám đốc Đầu tư của Beacon Fund, quỹ hỗ trợ các nữ doanh nhân, cho biết cấu trúc giới tính và điều kiện xã hội cũng có thể gây bất lợi cho nam giới. “Đàn ông cũng phải gánh có thành kiến xã hội to lớn rằng họ phải là trụ cột gia đình, phải có đủ tiền và tài sản để tìm vợ”, bà Yến nói.

Chuyên gia chip hàng đầu

Khi các công ty chip hàng đầu, từ Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đến Qualcomm, muốn biết vi mạch của họ gặp vấn đề gì, họ sẽ gọi cho Tiến sĩ Hsieh Yong-Fen. Bà Hsieh là nữ tiến sĩ đầu tiên của Đài Loan về khoa học vật liệu và kỹ thuật. Doanh nghiệp do bà thành lập, MA-tek, chuyên chẩn đoán các vấn đề trong nghiên cứu, thiết kế và sản xuất vi mạch.

“Không có khuôn mẫu và rào cản giới tính nào trong công ty của tôi,” bà Hsieh cho biết. Gần 30% kỹ sư của MA-tek là phụ nữ trong một ngành luôn phấn đấu để đạt được sự bình đẳng.

Tiến sĩ Hsieh Yong-Fen

chụp màn hình nikkei asia

Tại TSMC, công ty chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu về chế tạo chip theo hợp đồng, phụ nữ chiếm 13% số quản lý và 21% trong số các nhân viên kỹ thuật. Tuy vậy, con số này vẫn thấp hơn so với mục tiêu của công ty lần lượt là 20% và 30% vào năm 2030.

Ở Intel Việt Nam, cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất trên thế giới, 33% nhân viên kỹ thuật là nữ. Con số này vẫn thấp hơn mục tiêu 40% mà công ty nhắm tới trong 5 năm.

Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại của Intel Việt Nam, đã làm việc cho Intel kể từ khi tập đoàn này vào Việt Nam năm 2006. Bà cũng trở thành quản lý cấp cao người Việt Nam đầu tiên tại công ty này.

“Chúng tôi có các buổi sinh hoạt cho nữ sinh trung học. Chúng tôi mời họ đi tham quan nhà máy, chúng tôi cử các nữ kỹ sư nói chuyện với sinh viên”, bà Uyên nói và cho biết thêm rằng công ty có các cơ hội thực tập và “hỗ trợ rất nhiều để họ yên tâm hơn trong việc lựa chọn ngành kỹ thuật và công nghệ”.

Nghiên cứu cho thấy “khi phụ nữ chiếm ít nhất 30% nhân lực trong một lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) cụ thể, những phụ nữ khác sẽ bị thu hút vào lĩnh vực đó, Nikkei Asia dẫn lời bà Roberta Rincon, phó giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội kỹ sư nữ, cho biết.

Quyền lựa chọn của phụ nữ

Các nghiên cứu cũng cho thấy mối tương quan giữa quyền sinh sản và sự giàu có của phụ nữ.

Tác động của việc có con cái phụ thuộc vào quyền lựa chọn của phụ nữ và dịch vụ chăm sóc sẵn có. Mặc dù quyền phá thai rất khác nhau ở châu Á, quyền này được duy trì tương đối mạnh ở một số quốc gia. Theo Viện Guttmacher, tổ chức nghiên cứu ủng hộ quyền phá thai, châu Á chiếm gần một nửa trong số 73 triệu ca chấm dứt thai kỳ trên thế giới mỗi năm.

Điều đó một phần xuất phát từ tâm lý chuộng con trai. Tuy nhiên, quyền phá thai cũng làm giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, vốn khiến các bà mẹ phải rời bỏ lực lượng lao động. Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy trung bình phụ nữ trong khu vực châu Á đang sinh ít con hơn.

Bà Yến Đỗ cũng tin rằng giáo dục và đô thị hóa cao hơn đang thay đổi quan điểm về vai trò giới tính.

Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính tỷ lệ đô thị hóa ở châu Á - Thái Bình Dương đang là 54% và sẽ tăng lên 64% vào năm 2050.

Đối với một bộ phận các bà mẹ đang đi làm trong khu vực, dịch vụ chăm sóc trẻ em đến từ một đội ngũ những người giúp việc gia đình có giá cả phải chăng hoặc ông bà sống chung nhà. Theo Liên Hiệp Quốc, các hộ gia đình ba thế hệ phổ biến hơn ở châu Á và châu Phi so với phần còn lại của thế giới.

Đại úy Jul Laiza C. Beran, nữ phi công chiến đấu đầu tiên của Lực lượng Không quân Philippines, sẽ có sự giúp đỡ của bảo mẫu và gia đình chồng khi sinh con vào năm tới. Sau khi nghỉ sinh, cô sẽ cần phải được đào tạo lại, thực hiện các chuyến bay với người hướng dẫn và giữ sức khỏe cho công việc đòi hỏi cô phải chịu được lực hấp dẫn ở độ cao lớn.

Đại úy Jul Laiza C. Beran

Jul Laiza C. Beran

Nivingita Bhasin đã kinh ngạc trước chiếc máy bay mà bà nhìn thấy khi còn là một cô gái ở New Delhi, Ấn Độ. Bà thường nhìn chằm chằm ra cửa sổ lớp học của mình, mơ ước được lái những chiếc máy bay vút qua.

Mười ba năm sau, vào năm 1989, Cơ trưởng Bhasin trở thành người phụ nữ trẻ nhất thế giới lái một chiếc máy bay thương mại ở độ tuổi 26.

Hai mẹ con cơ trưởng Nivedita Bhasin và cơ trưởng Niharika Bhasin.

chụp màn hình nikkei asia

Ấn Độ có tỷ lệ nữ phi công là 12,5%, cao nhất thế giới, theo ước tính của Hiệp hội Nữ phi công Hàng không Quốc tế.

Tuy nhiên, đây cũng là nước gia xếp hạng 135 trên 146 trong bảng xếp hạng bình đẳng giới của WEF. Với 662 triệu phụ nữ, Ấn Độ tụt hậu về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nói chung, chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ biết chữ, bình đẳng thu nhập và đại diện trong vai trò chính trị, kỹ thuật và lãnh đạo của phụ nữ so với nam giới.

Và trong các ngành công nghiệp, thành tích không phải lúc nào cũng đủ để vượt qua lợi thế đương nhiệm.

Trong một cuộc khảo sát có 2.000 người tham gia trên khắp châu Á của nhà tuyển dụng Hays, 60% người được hỏi cho biết các nhà lãnh đạo có “thiên hướng tuyển dụng” và đề bạt “những người có ngoại hình, suy nghĩ hoặc hành động giống họ”. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ được chọn của ứng viên nữ và người thuộc nhóm thiểu số cải thiện khi nhà tuyển dụng nhìn vào hồ sơ ẩn danh và sự đa dạng đó tương quan với hiệu quả kinh doanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.