Phụ nữ có xu hướng sinh con muộn hơn

26/12/2021 08:00 GMT+7

Từ khi chương trình dân số được triển khai tại Việt Nam (năm 1961), số con trung bình của phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,4 con (năm 1960) xuống 2,12 con (năm 2020).

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), từ khi chương trình dân số được triển khai tại Việt Nam (năm 1961), số con trung bình của phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,4 con (năm 1960) xuống 2,12 con (năm 2020). Phụ nữ Việt Nam cũng đang có xu hướng sinh muộn hơn. Năm 1999, nhóm phụ nữ trong độ tuổi 20 - 24 có mức sinh cao nhất là 158 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ. Đến năm 2009 và 2019, nhóm phụ nữ 25 - 29 tuổi mức sinh cao nhất, tương ứng là 133 và 130 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ. Xu hướng sinh muộn cũng phổ biến ở thành thị hơn ở nông thôn.

Cán bộ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế Hà Tĩnh) đến tận nhà các hộ dân tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình

TÂN KỲ

Trong năm 2020, Chính phủ phê duyệt “Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, trong đó có mục tiêu tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, TP có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, TP có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con); duy trì kết quả ở những tỉnh, TP đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con)...

Đáng chú ý, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã cải thiện nhiều trong 6 thập niên qua. Từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73,7 tuổi năm 2020, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á và thế giới (73 tuổi). Đặc biệt, tầm vóc người Việt Nam có bước cải thiện. Chiều cao nhóm 18 tuổi đối với nam tăng thêm 3,7 cm, từ 164,4 cm năm 2010 sau 10 năm đã tăng lên 168,1 cm vào năm 2020; nữ tăng thêm 1,4 cm (từ 154,8 cm lên 156,2 cm) cũng trong 10 năm qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.