Phụ nữ và việc nhà

20/10/2019 06:00 GMT+7

Cứ tuyên dương “phụ nữ hai giỏi” thì chẳng khác nào buộc họ vào hoàn cảnh không được “một giỏi”. Thế thì coi như ràng họ vào một công thức trách nhiệm rất thiếu công bằng .

Không khó để gạch đầu dòng ra những đầu việc gọi là “việc nhà” mà xã hội VN đến nay dường như vẫn mặc định là dành cho phụ nữ. Trước hết là giặt giũ, chợ búa, cơm nước. Cũng là buổi trưa tranh thủ về nhà ăn uống, nghỉ ngơi để chiều đi làm, nhưng đàn ông thì về thẳng nhà, còn mặc định phụ nữ phải ghé chợ mua thực phẩm rồi vội về lo nấu cho kịp bữa trưa. Chăm sóc con cái, cho con ăn, tắm rửa cho con, ru con ngủ, đưa đón con đi học. Cuối tuần tranh thủ lau dọn, sắp xếp lại trong nhà, giặt giũ quần áo cho chồng con…
Kể ra thì thấy việc nhà chẳng hề là việc nhẹ, nếu không muốn nói là cả núi việc loay hoay hết ngày này qua ngày khác. Giờ phụ nữ còn thêm “việc nước”, là việc ở cơ quan, việc của cộng đồng. Là thêm gánh nặng, thứ gánh nặng buộc họ phải đổ nhiều mồ hôi hơn, rồi đến ngày phụ nữ thì được tuyên dương “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Nhưng tuyên dương thế chẳng khác nào nuôi dưỡng cho cách nghĩ: “việc nhà” vẫn mặc nhiên là việc của phụ nữ. Làm gì làm, dù có giỏi “việc nước” đến đâu mà không làm tròn “việc nhà” thì cứ coi như là còn chút thiếu sót, không được tuyên dương. Một cách nghĩ như thế đã thật sự đạt đến chuẩn mực mới về bình đẳng giới hay chưa?
Một phép tự kiểm nghiệm nho nhỏ để xem cách nghĩ của chính bạn. Rằng nếu một ngày nào đó, xã hội xuất hiện cái danh hiệu tuyên dương đàn ông “giỏi việc nước, đảm việc nhà” thì liệu bạn có chấp nhận được không?
Hay là bạn sẽ suy tư, đàn ông thì đương nhiên là lo việc nước rồi, chẳng việc gì phải bàn nữa, có bàn là bàn chuyện tại sao đàn ông lại phải làm việc nhà. Lúc đó mới thấy, có những lối suy nghĩ không dễ để chỉ hô vài câu khẩu hiệu là gỡ ra được khỏi đầu. Cái lối suy nghĩ phụ nữ thì mặc nhiên phải lo việc nhà vẫn cứ xuất hiện thường trực trong nhiều mẩu quảng cáo truyền hình về xà phòng, về dầu ăn, về nước lau nhà…
Bình đẳng giới, một cách tự nhiên nhất, là cho đến khi xã hội thật sự không còn cần đến những danh hiệu để tuyên dương phụ nữ theo mô típ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Mà là một cách tự nhiên nhất, đàn ông hay phụ nữ đều có thể tùy vào hoàn cảnh cụ thể để mà thay nhau gánh vác việc nước, việc nhà, chẳng hề gợn lên trong đầu ý niệm gì về việc phân biệt, so đo nam nữ.
Có khi, bớt đi một danh hiệu kiểu như “phụ nữ hai giỏi” thì lại là thêm một giá trị bình đẳng giới mà xã hội đang nỗ lực kiếm tìm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.