|
Bà Hồ Thị Thương khiến người lần đầu gặp bất ngờ với những tháo tác linh hoạt, mạnh mẽ như đàn ông khi làm trống. Năm nay đã 60 tuổi, nghề làm trống của bà gần như cả cuộc đời. Bà làm tất cả cái loại trống, từ trống kinh, trống chiến (dùng cho nhã nhạc cung đình) đến trống đại, trống hội (như trống phục vụ trung thu, đua ghe)... Đa số trống được sử dụng của Trung tâm nhã nhạc cung đình Huế đều do bà làm và bảo dưỡng. Năm 2008, bà Thương được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mời phục chế trống treo ở Lầu Ngũ Phụng trong Đại nội.
Cha của bà Thương vốn là một nhạc công trong Đại nội Huế và cũng là một người làm trống có tiếng thời bấy giờ. Cha bà mất, sợ thất truyền nghề, bà cùng mẹ của mình nối nghiệp làm trống. Chính vì thế nhiều người còn gọi hiệu trống của nhà bà là trống “hai o” (hai người phụ nữ-PV). Rồi đến khi mẹ bà qua đời, trên vùng đất kinh kỳ này chỉ còn một người phụ nữ là bà theo nghề trống. Nói về điều này, bà Hương chia sẻ: “Nghề trống với tui như một định mệnh. Từ nhỏ tôi đã phụ giúp ba tôi làm trống. Tự nhiên trong đầu luôn nghĩ rằng mình gắn bó với nghề trống như một điều hiển nhiên. Người ta bảo nghề này là nghề của đàn ông, phụ nữ chẳng ai làm nghề này. Ai làm không quan trọng, vấn đề là chất lượng như thế nào. Bất cứ làm gì, chất lượng và uy tín luôn là những thứ cần thiết để khách hàng tìm đến mình…”
Thương hiệu Âm Hồn
Mới nghe cái tên thôi đã gợi nhiều sự tò mò cho nhiều người. Lần đầu đến cửa hiệu của bà Thương, tôi đã rất ngạc nhiên vì không có bảng hiệu gì cả, chỉ thấy trống lớn trống nhỏ đặt ngay trước nhà. Cái tên Âm Hồn là do mọi người gọi thành quen rồi trở thành thương hiệu. Vốn ngày xưa, đường bà ở mang tên là đường Âm Hồn. Nên người ta gọi luôn hiệu trống của bà là Âm Hồn. Từ trống “hai o” đến trống Âm Hồn đều do người ta tự đặt. Điều đó đã chứng minh phần nào sự nổi tiếng của nó. Trống Âm Hồn có mặt ở nhiều chùa, đình lớn nhỏ trong nước. Cơ sơ bà không sản xuất đại trà, chỉ ai đặt mới làm. Với bà Thương, mỗi chiếc trống là một sản phẩm thật hoàn chỉnh nhất do tự tay bà làm…
Theo bà Thương, trống được chia thành nhiều loại như trống làng, trống họ, trống trường, trống lân, trống nhạc lễ… mỗi loại mang một âm thanh khác nhau. Trống làng, trống họ, trống trường (trống sử dụng ở đình làng, nhà tổ họ, trường học…) phải điều chỉnh da vừa để có âm thanh dày. Trống sử dụng là nhạc cụ trong dàn nhạc phải điều chỉnh da căng và mỏng để có âm thanh mỏng, thanh. Trống dùng múa lân thì da thường dày nhất vì đánh mạnh và cần âm phát to, rõ. Với chiếc rựa trên tay, bà thoăn thoắt bào những miếng da trâu lớn. Vừa bào bà Thương vừa nói: “Tiếng trống hay là tiếng trống đánh lên nghe tang tang và nhỏ dần. Muốn làm được những chiếc trống hay thì đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật thẩm âm tốt. Cái này dựa vào kinh nghiệm mỗi người. Nếu âm thanh chưa hay thì phải điều chỉnh da sao cho phù hợp nhất”.
Nếu ai có dịp đi ngang đường Lê Thánh Tôn, thấy người phụ nữ đang cầm búa gõ đinh, mạnh bạo cầm rựa cạo da hay đứng đánh trống để thẩm âm thì đấy chính là bà Thương, không một ai khác ngoài bà. Dù đã 60 tuổi, nhưng ngày ngày, bà vẫn miệt mài với những chiếc trống. Niềm vui với nghề đối với bà có lẽ là sự tiếp nối nghề của người con trai của mình. Anh Nguyễn Văn Hải, con bà Thương cho biết, hiện tại anh đang là một nhạc công chơi trống của Trung tâm Nhã nhạc cung đình Huế. Để không thất truyền nghề tổ tiên, sau này anh vẫn tiếp tục nghề trống của để tạo ra nhiều trống hay, đặc biệt của Huế...
Tuyết Khoa
Bình luận (0)