'Phù phép' hồ sơ của nạn nhân chất độc da cam thật để người khác hưởng trợ cấp

27/07/2018 08:10 GMT+7

Trong khi người đi kháng chiến thật chưa được xét duyệt chế độ trợ cấp dành cho người bị nhiễm chất độc da cam, thì một người khác đã làm giả hồ sơ để hưởng hơn 240 triệu đồng tiền trợ cấp trong 8 năm.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Cao Lanh (68 tuổi, ngụ phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết: “Đầu năm 2015, tôi về quê ở xã Mỹ Đức, huyện An Lão, TP.Hải Phòng xây mộ thì được một người bạn cho biết, ông Đỗ Cao Thanh (71 tuổi) người xã này đã lấy tên tôi để hưởng chế độ cho người nhiễm chất độc da cam. Nghe xong, tôi rất bức xúc vì mình đã làm hồ sơ nhiều năm nay (từ năm 2006) mà không được duyệt, còn ông Thanh không đi bộ đội lại được hưởng”.
Sau khi biết tin, ông Lanh đã dùng nhiều cách để tiếp cận hồ sơ hưởng chế độ chính sách của ông Thanh (với tên Đỗ Cao Lanh). “Tôi phát hiện giấy phục viên trong hồ sơ của ông Thanh chính là của tôi, chỉ khác là có thêm dòng chữ “(tức Đỗ Cao Thanh) vào sau tên tôi. Giấy phục viên đó tôi được cấp 3 bản. Khi ra quân tôi nộp 2 bản cho xã Mỹ Đức và Huyện đội An Lão, còn mình giữ 1 bản. Không hiểu sao ông Thanh có để mà sửa chữa vào đó!”, ông Lanh cho biết.
Theo hồ sơ thu thập được, tháng 10.2006, ông Thanh có đơn xin được hưởng trợ cấp dành cho người bị nhiễm chất độc hoá học, với tên gọi Đỗ Cao Lanh. Ông Thanh viết trong đơn là bị nhiễm chất độc hoá học, con trai bị dị dạng, đề nghị được hưởng chế độ. Tháng 8.2009, Hội đồng Giám định y khoa TP.Hải Phòng xác định ông Thanh suy giảm khả năng lao động do bệnh, tật là 41%. Tháng 9.2009, Sở LĐ-TB-XH TP.Hải Phòng ra quyết định cho ông Thanh được hưởng chế độ trợ cấp chất độc hoá học mức 717.000 đồng/tháng, dưới cái tên Đỗ Cao Lanh, và con trai là anh Đỗ Văn Sơn được hưởng chế độ trợ cấp 685.000 đồng/tháng.
Ông Lanh “tố” ông Thanh đã “chế biến” giấy phục viên của mình để hưởng trái phép chế đội chính sách, nên đã làm đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền TP.Hải Phòng.
Nhận được đơn của ông Lanh, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, đã chỉ đạo UBND huyện An Lão, Sở LĐ-TB-XH, Công an TP.Hải Phòng vào cuộc làm rõ. Ngày 31.3.2017, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.Hải Phòng đã có kết luận một số thông tin trong quyết định phục viên trong bộ hồ sơ của ông Thanh được đánh máy thêm vào. Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.Hải Phòng cũng xác định ông Thanh cùng con trai là Đỗ Văn Sơn không đủ điều kiện hưởng trợ cấp chất độc da cam.
Liên quan đến trách nhiệm của cán bộ xã, huyện trọng vụ giả mạo hồ sơ này, ngày 5.6, UBND huyện An Lão đã tổ chức họp để làm rõ trách nhiệm và kết luận trách nhiệm trong việc xác nhận hộ khẩu thường trú, thời gian và địa bàn hoạt động không chính xác của ông Đỗ Cao Thanh thuộc về Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Đức và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Mỹ Đức. Cán bộ chính sách xã này (thời điểm ông Thanh làm hồ sơ) cũng có trách nhiệm trong việc xác minh di dạng, dị tật, nhiễm chất độc hóa học của ông Thanh. UBND huyện An Lão giao Phòng Nội vụ huyện An Lão chủ trì, tham mưu xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, Văn phòng UBND huyện An Lão đã có văn bản xin ý kiến các Thường vụ Huyện ủy và Ủy viên Ủy ban để xử lý 14 cán bộ có sai phạm trong vụ việc, văn bản này đang chờ được xem xét.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB-XH TP.Hải Phòng, cho biết: “Căn cứ vào báo cáo của huyện An Lão và kết luận của cơ quan công an về việc giả mạo hồ sơ của ông Thanh, từ tháng 5.2017, Sở đã thu hồi quyết định, chế độ trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mà ông Thanh đã hưởng từ năm 2009”.
Cũng theo bà Huyền, UBND huyện An Lão chịu trách nhiệm thu hồi số tiền 241,597 triệu đồng mà ông Thanh cùng con trai đã nhận trong 8 năm qua. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc thu hồi tiền trợ cấp đang gặp khó khăn, vì ông Thanh đang bị tai biến nằm một chỗ, còn anh Sơn có vấn đề về thần kinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.