Phục hồi rừng ngập mặn

02/12/2014 12:35 GMT+7

Hàng chục năm qua, ông Trần Xuân Bửu, thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc (H.Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đã lặn lội đi khắp nơi, tìm kiếm hàng chục ngàn cây giống để phục hồi lại rừng ngập mặn trên đầm Thủy Triều vốn như đã bị xóa sổ.

Phục hồi rừng ngập mặn
Chăm sóc cây đước là công việc hàng ngày của ông Bửu

Thi nhau tận diệt

Đầm Thủy Triều bắt nguồn từ chân đèo Cù Hìn, như một cánh cung uốn lượn ôm trọn dải đất huyện Cam Lâm và TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Một số lão ngư sống ven đầm Thủy Triều khoe rằng, không đâu kiếm được cái ăn dễ như ở đầm này. Chỉ cần cầm một cần câu ra đầm cũng kiếm đủ thức ăn tươi cho cả gia đình. Thế nhưng, từ sau giải phóng, hàng trăm đìa nuôi tôm xuất hiện ven đầm Thủy Triều, phần lớn diện tích rừng ngập mặn ven đầm… tiêu tan. Môi trường của đầm bị biến dạng theo hướng xấu đi, đầm Thủy Triều dần vắng bóng tôm, cua, cá… Kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng rừng ngập mặn bị tàn phá, ông Bửu nghẹn lời: “Nhìn những cánh rừng đước bị máy múc cạo sạch, tôi đau đớn mà không biết than với ai. Người dân nơi đây đã tự “cướp” đi miếng cơm của chính mình mà không biết được hậu quả về sau”.

Không chỉ rừng ngập mặn bị tàn phá, hàng ngàn hộ dân sống ven đầm Thủy Triều lại đổ xô về đầm mưu sinh. Hàng loạt công cụ đánh bắt hải sản theo kiểu hủy diệt như lờ vây, giã cào, xung điện…. vốn có xuất xứ từ Trung Quốc được người dân đem về áp dụng trên đầm Thủy Triều. Chẳng bao lâu, đầm trở nên suy kiệt trầm trọng. Khai thác quá mức rồi tôm cá cũng hết, người dây quay sang vay vốn nuôi trồng thủy sản trên đầm. Dù chuyển nghề, nhưng bởi môi trường ở đầm đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nên chẳng có loài nào chịu đựng quá vụ nuôi thứ ba.

Nuôi chí trồng rừng

Ông Bửu năm nay đã 60 tuổi, nhưng hơn 30 năm nay ông tự đi tìm giống cây ngập mặn về gieo tại đầm Thủy Triều. Gia đình ông Bửu định cư ven đầm Thủy Triều qua nhiều thế hệ và sống dựa vào đầm. Ông kể rằng ngày xưa rừng ngập mặn có cả trăm héc-ta phủ xanh xung quanh đầm, nhờ vậy mà hải sản đánh bắt quanh năm cũng không hết. Từ thuở lên 10, ông đã theo cha đi đánh bắt con tôm con cá trong các khu rừng ngập mặn. Bởi vậy mà tuổi thơ ông đã xem rừng ngập mặn như nhà. Nay, thương những cánh rừng bị tàn phá, ông Bửu nuôi chí phục dựng lại những cánh rừng đã mất. Theo ông, cây rừng ngập mặn thường là giống cây đước, nhưng ngặt nỗi giống cây này cũng không dễ kiếm vì rừng đước đâu còn nhiều như xưa. Đầm thủy triều thì rộng lớn hàng chục km2, nhưng đỏ mắt mới tìm ra cây đước có quả để ươm giống.

Khó khăn là vậy, nhưng ý chí đã giúp ông Bửu vươn lên để hoàn thành tâm nguyện. Sau nhiều năm lăn lộn không biết mệt mỏi, cuối cùng ông Bửu cũng có những thành quả như mong đợi, đó là hơn 2 ha rừng đước ven đầm Thủy Triều đã lên xanh tốt, có cây cao quá đầu người. Thế nhưng, năm 2008, địa phương cương quyết bắt ông nhổ bỏ hết diện tích rừng đã trồng vì cho rằng ông tự ý lấn biển, lấp biển để trồng rừng. Sau nhiều lần khôi phục rừng ngập mặn không thành, ông Bửu như buông xuôi. Nhưng rồi, niềm tin một lần nữa nhen nhóm. Tháng 8.2012, Viện Hải dương học (Nha Trang) thực hiện dự án “triển khai các mô hình phục hồi, quản lý rừng ngập mặn và thảm cỏ biển tại khu vực đầm Thủy Triều”. Trong quá trình triển khai dự án này, ông Bửu là thành viên tích cực nhất trong việc hỗ trợ dự án. Ông lặn lội đi tìm giống cây, cung cấp miễn phí hàng chục nghìn cây giống ngập mặn. Không những vậy, ông còn tự nguyện bảo vệ khu rừng mà không đòi hỏi một ngày công. Đến nay, dự án đã đã trồng mới mới được 3,7 ha rừng ngập mặn và chẳng mấy chốc thành rừng như xưa.

Hiền Lương

>> 242.000 ha rừng ngập mặn... biến mất
>> Microsoft giúp nông dân trồng rừng ngập mặn
>> Nghiên cứu về rừng ngập mặn
>> Trồng rừng ngập mặn tại Thái Bình
>> Khả năng lưu giữ carbon “vô địch” của rừng ngập mặn
>> T.Ư Đoàn bàn giao mô hình rừng ngập mặn tại Quảng Ninh
>> Hơn 1,7 triệu euro khôi phục rừng ngập mặn Bạc Liêu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.