Ngày 22.1, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xét xử xem xét kháng cáo của cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm trong vụ bán rẻ "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) cho tư nhân. HĐXX đã dành trọn cả ngày để các bị cáo, luật sư và đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội (VKS) tranh luận, làm rõ các nội dung kháng cáo.
Bị cáo Phan Chí Dũng |
Đình Trường |
Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm toàn diện
Trước tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng cho biết, tại phiên tòa này thân chủ của ông đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và mức án 11 năm tù mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên. Luật sư đã trình bày nhiều nội dung liên quan đến việc liên doanh liên kết của Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng như chủ trương thoái vốn và cho rằng hành vi này bị cáo Hoàng không cố ý làm trái các nghị quyết của Chính phủ. Cũng theo luật sư, con số thiệt hại trong vụ án là chưa phù hợp với thực tế, bị cáo Hoàng không phải là chủ mưu xuyên suốt…
Đối đáp lại các quan điểm của luật sư, đại diện VKS cho biết, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết của Chính phủ, cũng như quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ Công thương cho thấy ông Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn diện công việc, tổ chức của Bộ Công thương. Việc sắp xếp, chuyển đổi mục đích đầu tư tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là một trong những nội dung do bộ trưởng phụ trách… Bộ phận quản lý vốn nhà nước chỉ thực hiện dựa trên ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương. Từ quy chế làm việc, việc đồng ý về mặt chủ trương liên doanh liên kết thực hiện dự án trên khu đất là thuộc quyền quản lý của bộ trưởng. Sau đó, việc phê duyệt các văn bản, xác định cho thành lập liên danh mới, đồng ý cho thoái vốn, xác định giá sàn…, thể hiện ý thức của bị cáo là hoàn toàn cố ý, làm trái với các nghị quyết của Chính phủ.
Từ đó, VKS xác định bị cáo Vũ Huy Hoàng phạm tội với ý thức chủ quan, hoàn toàn cố ý. Vì vậy, việc truy tố, xét xử đối với bị cáo là hoàn toàn phù hợp. Việc bị cáo Hoàng bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạm tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là đúng người, đúng pháp luật và không oan, nên kháng cáo của bị cáo không có cơ sở chấp nhận.
Án sơ thẩm đã xem xét nhiều yếu tố
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), cho rằng bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh khách quan; hậu quả của vụ án đã được ngăn chặn kịp thời. Bị cáo Dũng khi đó là Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, những đề xuất của bị cáo đều căn cứ vào đề xuất từ phía Sabeco đưa lên. Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan chức năng để giải quyết vụ án, để xem xét giảm nhẹ hình phạt 9 năm tù.
Nêu quan điểm đối đáp, đại diện VKS khẳng định, các bị cáo Dũng và Hoàng cùng bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, hiện đang bỏ trốn) có hành vi làm trái quy định của Chính phủ. Thời điểm từ năm 2007 đến khi chuyển đổi, nhà nước nắm 90% cổ phần tại Sabeco và bản thân các bị cáo đã có sự phân công rất rõ về trách nhiệm của người quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. “Trong vụ án này, bị cáo có vai trò đồng phạm và bản thân bị cáo cũng đã thừa nhận sai phạm của mình khi làm trái các nghị định của Chính phủ. Căn cứ vào các hồ sơ cùng những chứng cứ vật chất, VKS khẳng định bị cáo Dũng phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên”, đại diện VKS nói.
Đối với kháng cáo của các bị cáo Lâm Nguyên Khôi, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM; và Lê Quang Minh, cựu Trưởng phòng Phát triển hạ tầng (Sở KH-ĐT TP.HCM), các luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo là mờ nhạt, không đáng kể. Theo đại diện VKS, việc tòa cấp sơ thẩm quyết định tội danh, áp dụng mức hình phạt dưới khung hình phạt là đã xem xét toàn diện các yếu tố đó. Trong đó, bị cáo Khôi bị tuyên phạt 5 năm tù, bị cáo Minh lãnh án 3 năm 6 tháng tù, cùng về tội danh “vi phạm quy định về quản lý đất đai”.
Đánh giá tổng thể, toàn diện nội dung vụ án cùng hành vi của từng bị cáo, trong vụ án này, VKS xét thấy bị cáo Vũ Huy Hoàng là người chủ mưu, bị cáo Phan Chí Dũng là đồng phạm.
Nhóm các bị cáo ở sở, ban ngành tham mưu cho UBND TP.HCM là đồng phạm với bị cáo Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM). Hành vi sai phạm của các bị cáo là nối tiếp nhau, giúp sức theo từng lĩnh vực cụ thể trong công việc được phân công. Qua đó, giúp sức để phía UBND TP.HCM ra quyết định giao đất trái quy định pháp luật.
HĐXX tuyên bố nghỉ nghị án và sẽ tuyên án vào chiều 24.1.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2008 đến khi nhà nước thoái vốn vào năm 2017, Sabeco được coi là doanh nghiệp nhà nước khi vốn nhà nước tại đây chiếm 89,59%. Bộ Công thương là đại diện chủ sở hữu nhà nước với phần vốn góp tại Sabeco.
Trong quá trình hoạt động, Sabeco được giao quản lý khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) rộng 6.080 m2 nộp tiền thuê đất hằng năm.
Từ năm 2012, Chính phủ có nghị quyết yêu cầu các công ty nhà nước phải thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng khi đó đã chỉ đạo Sabeco đầu tư dự án bất động sản, không phải ngành kinh doanh chính. Sabeco đã dùng quyền sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl; dùng pháp nhân này để thực hiện dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại.
Sau khi được UBND TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất là hơn 997 tỉ đồng, Sabeco Pearl đứng ra nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và xin bổ sung chức năng căn hộ ở. Giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm ban hành quyết định cho thuê là khoảng 1.000 tỉ đồng trong khi giá thị trường khoảng 3.800 tỉ đồng.
Năm 2016, căn cứ vào đề nghị của các nhà đầu tư của Sabeco Pearl, Bộ Công thương đã đồng ý Sabeco thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl, chuyển quyền quản lý tài sản của nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát cho nhà nước hơn 2.700 tỉ đồng.
Sau khi đưa ra xét xử sơ thẩm đã có 4/10 bị cáo làm đơn kháng cáo.
Bình luận (0)