Theo dự kiến, hôm nay (10.6), TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên án đối với bị cáo Lê Tấn Hùng (58 tuổi, cựu Tổng giám đốc SAGRI), Trần Vĩnh Tuyến (56 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) và các đồng phạm về tội “tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Tuy nhiên, theo HĐXX, do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá; đồng thời, bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở xây dựng TP.HCM) có kháng cáo kêu oan, HĐXX cần thêm thời gian để xem xét thêm về nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo.
HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 15.6 tới.
Đề nghị bác kháng cáo của bị cáo Trần Trọng Tuấn
Trước đó, tại phần luận tội, đại diện Viện KSND (VKS) cấp cao tại TP.HCM đề nghị bác kháng cáo của bị cáo Tuấn. Theo VKS, quá trình điều tra, bị cáo Tuấn thừa nhận hành vi phạm tội, khai do nể nang bị cáo Hùng là em trai một cựu bí thư Thành ủy. Tuy nhiên, tại tòa bị cáo kêu oan. Về lời khai “nể nang”, bị cáo cho rằng đó chỉ là lời khai ban đầu.
Theo VKS, bị cáo Tuấn ký tờ trình, kèm theo dự thảo quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án không theo mẫu, đề xuất cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến ký, ban hành quyết định số 6077 chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án trái quy định. Đây là cơ sở để bị cáo Lê Tấn Hùng và đồng phạm chuyển nhượng dự án trái quy định của pháp luật.
Đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị bác kháng cáo của bị cáo Trần Trọng Tuấn |
NHẬT THỊNH |
VKS cũng cho rằng, thời điểm bị cáo ký tờ trình nêu trên, SAGRI chưa xây dựng đề án tái cơ cấu, chưa có phương án thoái vốn tại dự án để trình UBND TP.HCM.
Bị cáo biết việc chuyển nhượng dự án SAGRI chưa đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư, chưa thẩm định giá, đấu giá theo quy định. Hành vi của bị cáo đã vi phạm vào Điều 168 luật Đất đai năm 2013; Điều 31 và Điều 64 luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014.
VKS cũng ghi nhận trong quá trình công tác, bị cáo có nhiều thành tích, được tặng thưởng nhiều bằng khen. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, VKS cũng cho rằng với thái độ chối bỏ trách nhiệm của bị cáo, cần có một bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung. Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Tuấn 6 năm tù là đúng người, đúng tội nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn nhận trách nhiệm đã chủ quan
Tại phần tự bào chữa, bị cáo Tuấn khẳng định việc kháng cáo kêu oan không phải bị cáo không thành khẩn, cố chấp để bảo vệ cái sai vì cho rằng chuyển nhượng dự án này không phải đấu giá.
Theo bị cáo Tuấn, sau khi có quyết định số 6077 của UBND TP.HCM cho phép chuyển nhượng dự án, SAGRI phải thực hiện thủ tục thẩm định giá theo quy định pháp luật, xác định giá trị toàn bộ số vốn mà SAGRI đã đầu tư vào dự án, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật. Từ đó, làm cơ sở để hoàn thành việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn tại tòa phúc thẩm |
NHẬT THỊNH |
Vì vậy, bị cáo Tuấn cho rằng, quyết định số 6077 chấp thuận cho chuyển nhượng toàn bộ dự án là phù hợp quy định của pháp luật. Đây là văn bản hành chính cá biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản, không phải là văn bản cho phép chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của cơ quan đại diện chủ sở tại SAGRI.
Theo bị cáo Tuấn, nếu không có quyết định số 6077, các bên không thể chuyển nhượng dự án bất động sản và quyết định này không phải là nguyên nhân dẫn đến việc SAGRI vi phạm pháp luật. Mà nguyên nhân xuất phát từ việc SAGRI không chấp hành chỉ đạo của UBND TP.HCM trong quyết định số 6077.
Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm sai phạm xảy ra tại SAGRI |
NHẬT THỊNH |
Về việc bị cáo nhận tội do nể nang bị cáo Hùng là em trai của một nguyên bí thư Thành ủy, nhưng sau đó lại không nhận tội, bị cáo Tuấn trình bày, do khi có kết luận giám định của Bộ Xây dựng kết luận là phải đấu giá, bị cáo Tuấn có ý kiến trưng cầu giám định lại nhưng không được đáp ứng.
"Nếu lúc đó bị cáo cãi, không nhận tội thì cho rằng ngoan cố, có nguy cơ thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tại ngoại sang tạm giam. Do đó, bị cáo mới nhận nhưng đồng thời có văn bản yêu cầu trưng cầu giám định lại. Tại phiên tòa sơ thẩm, giám định viên đã rút kết luận, khẳng định không phải đấu giá”, bị cáo Tuấn trình bày.
Bị cáo Tuấn cũng nhận trách nhiệm đã chủ quan khi nghĩ quá trình chuyển nhượng dự án UBND TP.HCM có giao cho các sở ngành và SAGRI sẽ biết cách thực hiện đúng pháp luật.
Bị cáo Tuấn cũng không có văn bản gửi UBND TP.HCM nhấn mạnh đây là dự án có vốn nhà nước để các cơ quan làm sai do không hiểu biết.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, các bị cáo đã sai phạm khi chuyển nhượng dự án hơn 36.676 m2 tại KP.4, P.Phước Long B, Q.9 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) giữa SAGRI và Tổng công ty Phong Phú, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 348,7 tỉ đồng (tại thời điểm các bị cáo phạm tội - PV).
Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Hùng 25 năm tù, Nguyễn Thị Thúy (cựu kế toán trưởng SAGRI) 20 năm tù cùng về 2 tội “tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến,Trần Trọng Tuấn 6 năm tù, bị cáo Hồ Văn Ngon bị tuyên 5 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Mai (cựu Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI) 6 năm tù, bị cáo Đoàn Quang Hồi (cựu Giám đốc Công ty TNHH TMDV lữ hành Hòa Bình Quốc tế) 8 năm tù cùng về tội “tham ô tài sản”.
Các bị cáo còn lại trong vụ án SAGRI (không kháng cáo) bị tuyên phạt từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 8 năm tù.
Bình luận (0)