Chiều 31.3, tại TP.Hải Phòng, TAND cấp cao Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại OceanBank Chi nhánh Hải Phòng.
Các bị cáo tại phiên tòa |
Lê Tân |
Trước đó, tại phiên sơ thẩm ngày 4.9.2020, TAND TP.Hải Phòng tuyên bị cáo Trần Thị Kim Chi, cựu Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hải Phòng, án tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Cùng tội trên, các bị cáo Lê Vương Hoàng (kiểm soát viên), Nguyễn Thị Minh Huệ (kế toán) lĩnh án tù chung thân; bị cáo Chu Văn Nha (thủ quỹ) nhận mức án 20 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc OceanBank chi nhánh Hải Phòng bồi thường toàn bộ số tiền cho 27 khách hàng cùng số tiền lãi suất phát sinh.
Ngoài ra, bị cáo Trần Thị Kim Chi phải bồi thường 353,3 tỷ đồng và 2,7 triệu USD cùng số tiền lãi phát sinh cho Ngân hàng OceanBank. Các bị cáo còn lại bồi thường tiền lãi phát sinh cho Ngân hàng OceanBank.
Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến tháng 8.2017, bị cáo Chi đã chỉ đạo các bị cáo Hoàng, Huệ và Nha sử dụng thông tin cá nhân của người thân, nhân viên chi nhánh, khách hàng vãng lai... lập 109 thẻ tiết kiệm để lấy phôi thẻ. Sau đó, các bị cáo dùng thủ đoạn gian dối, nhận tiền gửi tiết kiệm của khách hàng nhưng không hạch toán vào hệ thống quản lý, giao thẻ tiết kiệm giả cho khách hàng để chiếm đoạt của OceanBank tổng số tiền hơn 414 tỉ đồng; đồng thời gây thiệt hại cho OceanBank hơn 9 tỉ đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Chi vẫn cho rằng mình không chiếm đoạt tiền của ngân hàng và khách hàng để tư lợi cá nhân, cáo buộc bị cáo sử dụng cá nhân là không có căn cứ. Bị cáo Chi đề nghị HĐXX đánh giá toàn diện lại vụ án vì có rất nhiều điểm chưa làm rõ. Đặc biệt, bị cáo Chi không biết số tiền hơn 400 tỉ là ở đâu và đang ở đâu.
Đề nghị chuyển tội danh "tham ô tài sản" sang "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
Luật sư Trương Anh Tú (bào chữa cho bị cáo Chi), cho rằng, kết quả điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm không đúng tội danh làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo cũng như Ngân hàng Oceanbank.
Theo luật sư Trương Anh Tú: "Mối quan hệ giữa Trần Thị Kim Chi và Oceanbank Hải Phòng là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Bị cáo Chi vào làm việc tại ngân hàng này với tư cách là người lao động, ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội theo cơ chế người lao động trong một doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Thực tế, Ngân hàng Oceanbank bản chất là một doanh nghiệp tư nhân, nên không thể xác định bà Trần Thị Kim Chi - người được tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động là người có chức vụ quyền hạn. Như vậy, địa vị pháp lý của bà Trần Thị Kim Chi tại Oceanbank Hải Phòng không phải là chủ thể đặc biệt được xác định tại “Tội tham ô tài sản”, nên không đủ căn cứ để quy kết bà Kim Chi phạm tội theo tội danh này".
Luật sư Tú cũng cho rằng số tiền hơn 400 tỉ đồng bị chiếm đoạt là tiền của khách hàng, không phải tiền của Ngân hàng bởi Ngân hàng chưa xác lập quyền sở hữu cũng như không được hạch toán vào hệ thống quản lý của Ngân Hàng. Hành vi mà các bị cáo đã thực hiện để chiếm đoạt số tiền này từ người dân là hành vi lừa đảo chiếm chiếm đoạt tài sản.
"Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Trần Thị Kim Chi, tôi kính đề nghị HĐXX phúc thẩm căn cứ điểm b khoản 1 Điều 357 để sửa bản án sơ thẩm số 90/2020/HS-ST ngày 04/9/2020 của TAND TP. Hải Phòng để chuyển tội danh của bị cáo Trần Thị Kim Chi từ “Tội tham ô tài sản” sang “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, qua đó đảm bảo việc giải quyết vụ án được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật", luật sư Tú trình bày trước tòa.
Đại diện Ngân hàng Oceanbank cũng đề nghị trả hồ sơ để điều tra, làm rõ một số thông tin liên quan đến sổ ghi chép của các bị cáo, sổ tiết kiệm, lãi suất tiền gửi...Trong khi đó, các bị cáo khác vẫn chấp thuận bản án như phiên tòa sơ thẩm đã tuyên.
Đến cuối ngày, sau một thời gian hội ý, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên toà đến ngày 5.4 sẽ tiếp tục xét xử.
Bình luận (0)