Đưa vàng cho "đối tượng" làm đám cưới
Tôi đến trụ sở Công an P.Thuận Phước (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) tìm hiểu câu chuyện cảm hóa những thanh niên lầm lỗi, hoặc sa vào con đường ma túy. Câu chuyện của thiếu tá Trần Nguyễn Ngọc Minh, Công an P.Thuận Phước, làm tôi vô cùng bất ngờ.
Thiếu tá Minh kể về P.Đ.C (29 tuổi) trên địa bàn anh quản lý. C. từng là một thanh niên lêu lổng, giao du với đám bạn bè vô công rồi nghề chuyên đánh nhau, đua xe trái phép và sử dụng ma túy. Tương lai của C. có lẽ ngày càng tăm tối nếu như không có sự can thiệp kịp thời của chính quyền và lực lượng công an. Lúc đó, chính thiếu tá Minh là người thuyết phục C. dần dần phục thiện, tu chí làm ăn. Những năm trước C. đi phụ hồ, rồi bây giờ chạy xe Grab và còn được tham gia lực lượng dân phòng.
"Tham gia lực lượng dân phòng C. ngoan hẳn. Cậu ấy cùng lực lượng công an tuần tra mật phục bắt mấy vụ trộm cắp. Có những đêm đi tuần tra, C. mật phục từ 12 giờ khuya đến 6 giờ sáng", thiếu tá Minh chia sẻ.
Để một tay ăn chơi, liều lĩnh như C. "ngoan hẳn" như vậy không dễ dàng chút nào. Lực lượng công an phải dùng đủ biện pháp, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là cách làm "đắc nhân tâm" của thiếu tá Minh. "C. có hoàn cảnh đáng thương. Cha mất sớm, mẹ bán vé số. Ngày nó định cưới vợ mà không có tiền làm đám cưới. Biết vậy, tôi cởi dây chuyền vàng đưa nó cầm để lấy tiền làm đám cưới. Nó cảm động muốn khóc. Nhưng rồi sau đó nó mượn được tiền nên không lấy dây chuyền của tôi", thiếu tá Minh kể. Anh còn cho biết trước đây mở quán "Cà phê dân phòng" dành cho C. và những thanh niên lầm lỗi bán kiếm tiền.
12 giờ, cái bụng đã réo, thế nhưng không chỉ thiếu tá Minh mà đại úy Lê Trọng Nhật Anh, Tổ phó Tổ phòng chống tội phạm, Công an P.Thuận Phước, vẫn ngồi tiếp tôi tại trụ sở phường. Anh hào hứng chia sẻ câu chuyện cảm hóa người nghiện ma túy. "Người nghiện là bệnh chứ không phải tội phạm, mình không thể còng tay họ. Muốn "bốc" người nghiện hoặc nghi nghiện lên công an phường thì phải thuyết phục cả chính "đối tượng" lẫn gia đình. Còn cảm hóa họ thì phải mềm dẻo", đại úy Nhật Anh nói.
Đại úy Nhật Anh kể về cặp vợ chồng "điển hình" được Công an P.Thuận Phước cảm hóa. Người chồng tên Phan Văn Hùng (29 tuổi) ở chung cư 2 Nguyễn Đức Cảnh, P.Thuận Phước. Khi ở tuổi choai choai, cậu này đã lập nhóm 50 đứa kéo nhau đi hỗn chiến, chém đổ máu với nhóm khác. Hùng còn sử dụng ma túy, lại cặp bồ với một cô gái tên Đỗ Dương Hương Giang (27 tuổi) cũng "cùng hội cùng thuyền". Cả hai bị đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Sau cai nghiện 2 năm, trở về địa phương, Hùng và Giang cưới nhau. Hoàn cảnh gia đình của Hùng cũng rất tội nghiệp. Mẹ Hùng đi làm thuê, cha nghiện rượu. Nếu các chiến sĩ công an không dùng trái tim để cảm hóa Hùng và Giang thì chưa chắc cặp đôi này từ bỏ được con đường tội lỗi, đặc biệt là ma túy.
"Sau khi Hùng và Giang cai nghiện về, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ để cảm hóa. Thật sự là có đứa đi cai nghiện về nó "quái" hơn vì ở trong trại, bạn nghiện của nó dạy chiêu này chiêu khác mà toàn những chiêu bất hảo. Vì thế, trước hết muốn cảm hóa phải tâm sự, tỉ tê nhẹ nhàng chứ nói nặng là họ tự ái, khó khuất phục", đại úy Nhật Anh tâm tình.
Bây giờ Hùng và Giang đã trở thành đôi vợ chồng hạnh phúc bên hai đứa con kháu khỉnh. Cả hai đều đi làm thợ xây dựng. Sau 5 năm sau cai nghiện, hòa nhập cộng đồng thành công, vợ chồng Hùng được chính quyền hỗ trợ 10 triệu đồng. Tôi hỏi Hùng điều gì giúp em từ bỏ quá khứ lỗi lầm để làm lại cuộc đời. Hùng cười hiền khô, nói rằng đó là nhờ nghị lực của bản thân, sự giúp đỡ của những anh công an tốt bụng và cả sự trỗi dậy của trái tim người cha khi nghĩ tới những đứa con của mình.
Tâm phục, khẩu phục
Rời trụ sở Công an P.Thuận Phước, tôi đi gặp thiếu tá Thái Thị Bích Vân, Phó trưởng công an P.Hải Châu 2 (Q.Hải Châu). Nói về việc cảm hóa những người lầm lỗi, người nghiện ma túy, nữ thiếu tá sinh năm 1986 này từ tốn cho biết: "Để cảm hóa được những đối tượng này phải có nhiều biện pháp, nhưng phải biết câu "tâm phục, khẩu phục". Hỏi một vài trường hợp điển hình trong công tác cảm hóa, thiếu tá Vân gọi ngay đại úy Hà Anh Vũ, CSKV P.Hải Châu 2, cung cấp hồ sơ một người từng cai nghiện ma túy cách đây 5 năm và đã trở thành người tốt.
Theo hồ sơ đại úy Vũ cung cấp, Trần Văn Tú, 29 tuổi, ngụ P.Hải Châu 2. Trước đây, Tú thuộc thành phần bất hảo, thường giao du với nhiều đối tượng xấu. Năm 2016, Tú bị công an phát hiện sử dụng ma túy nên đưa đi cai nghiện bắt buộc. Đến năm 2018, Tú về địa phương, được lực lượng công an quản lý, giáo dục, cảm hóa để có thể hòa nhập cộng đồng, chăm lo làm ăn. Sau 5 năm không tái nghiện, Tú sắp được nhận chế độ hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy theo quy định.
Gặp Tú tại một công trình xây dựng, quệt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh bộc bạch: "Tuổi trẻ cạn nghĩ, giao du với đám bạn chơi ma túy, em sa vào con đường nghiện ngập. Ba mẹ em chia tay, em sống với bà ngoại từ nhỏ. Biết em nghiện, bà ngoại khóc suốt và mong em từ bỏ hẳn cái chết trắng. Đi cai nghiện về, được các anh công an phường động viên, giúp đỡ và khi bà ngoại mất em càng quyết tâm không bao giờ dính vào ma túy nữa".
Đại úy Hà Anh Vũ cho biết quản lý, cảm hóa người sau cai nghiện là một công việc không phải dễ dàng. Trước hết, phần lớn những người nghiện ma túy có hoàn cảnh khó khăn, gia đình gặp nhiều chuyện éo le, cha mẹ ly hôn, ít được học hành đến nơi đến chốn nên nhận thức kém. Vì vậy, họ rất dễ sa ngã. Những người sau khi cai nghiện về lại thường rơi vào trạng thái mất phương hướng, hụt hẫng, mặc cảm. Và phía trước họ là cạm bẫy tái nghiện đang giăng sẵn.
"Người đi cai nghiện vừa bước ra khỏi trung tâm đã có đồng bọn đón. Họ rất dễ tái nghiện", đại úy Vũ nói. Vì thế, lực lượng công an phải thường xuyên kiểm danh, kiểm diện, kiểm tra định kỳ những người sau cai nghiện. Cán bộ công an tiếp cận để cảm hóa người nghiện, người cai nghiện ma túy trở về bằng nhiều cách. "Họ là những người rất dễ mặc cảm nên nói chuyện với họ phải nhẹ nhàng, biết cương nhu đúng lúc. Đôi khi mình phải đóng vai người anh, người bạn, mời uống cà phê để trao đổi. Mềm có, rắn có, nhưng phải chinh phục được trái tim họ mới cảm hóa được", đại úy Vũ chia sẻ. (còn tiếp)
"Chiêu" đặc biệt
Trong công tác quản lý, giám sát người đang nghiện hoặc từng nghiện ma túy, đôi khi lực lượng chức năng còn phải dùng các "chiêu" đặc biệt. Theo đó, những người nằm trong diện nghi vấn dùng ma túy, hoặc người sau cai nghiện buộc phải trình diện để quản lý, thường được công an mời lên vào buổi tối hoặc sáng sớm. "Người nào đang chơi ma túy chắc chắn không lên. Gặp người khả nghi chích ma túy thì kéo chân, kéo tay lên thì biết họ có sử dụng hay không", đại úy Hà Anh Vũ, CSKV P.Hải Châu 2, cho biết.
Bình luận (0)