Phủi bụi ký ức về Sài Gòn xưa

01/10/2023 07:15 GMT+7

Mỗi tác giả đều có vùng đất của riêng mình. Với Phạm Công Luận, đó là Sài Gòn. Chỉ sau một tháng ra mắt Hồi ức Phú Nhuận, ông đã tiếp tục giới thiệu 'Sài Gòn đẹp xưa' - tập biên khảo, ghi chép, tùy bút về muôn mặt của thành phố này.

Từ "Tân" tri "Cố"

Sài Gòn đẹp xưa (NXB Lao động và Phanbook ấn hành) có cách tiếp cận tương đối khác biệt với những tác phẩm gần đây của Phạm Công Luận. Nếu Hồi ức Phú Nhuận tương đối riêng tư khi viết về khu vực mà ông đã sống suốt bao năm qua, thì tác phẩm mới này có phần bao quát, khi là ký ức cộng đồng của rất nhiều người. Về cách sắp xếp, so với Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm của ông mang tính hệ thống, thì Sài Gòn đẹp xưa lại là những mảng ký ức cấu thành từ những phát hiện mang tính ngẫu hứng cũng như bất chợt.

Phủi bụi ký ức về Sài Gòn xưa
 - Ảnh 1.

Nhà văn Phạm Công Luận và tác phẩm mới

PHANBOOK

Về dòng thời gian, tác giả cũng đã mang đến một hướng tiếp cận tương đối khác biệt, khi lấy cảm hứng từ những vấn đề mang tính thời sự, từ đó nhìn lại ký ức gần như ngẫu hứng. Chẳng hạn nhân dịp Google Doodle tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh nhân ngày phát hành số báo đầu tiên của tờ Nữ giới chung, ông đã đi sâu và khắc họa thêm những người phụ nữ đứng đầu, và giữ vai trò quyết định cho sự thành bại của nhiều tờ báo nổi bật đương thời. Qua đó ông cũng nói về nghề báo ở Sài Gòn gần nửa thế kỷ trước với nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật, từ việc xuất hiện ồ ạt 17 tờ báo ngày, 60 tuần báo… cho đến nội dung "thương mại", "lá cải" không có giá trị cho đời sống sinh hoạt của các tầng lớp quần chúng…

Hai năm đại dịch cũng giúp ông viết những bài tùy bút về tuổi ấu thơ, trong mong muốn gìn giữ những giá trị cũ. Ông nhớ về tiếng gà gáy, về các âm thanh xao động lúc tờ mờ sáng của người bán báo, của tiếng mở cửa cũng như tiếng rao bánh mì thoáng qua... Ông gọi đó là "di sản thuộc về giác quan".

Không chỉ là phiêu lãng

Nhìn một cách khác, Sài Gòn đẹp xưa cũng là phiên bản đầy đủ và mở rộng hơn Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm ra mắt trước đó mà ông từng nói mình chỉ "phiêu lãng", "lướt trên bề mặt" những gì đã qua. Trong tác phẩm này, thú vui giải trí của người Sài Gòn xưa cũng sẽ trở lại, với thức ăn lề đường, với thú coi cải lương thập niên 1920 - 1930, cũng như sở thích đi dạo phố phường bằng xe song mã, rồi những thói quen tiệc tùng…

Ngoài những điều đó thì thời trang và lối phục sức thập niên 1930 với nón nỉ, giày đóng thủ công… cũng đã tạo nên một thứ đẳng cấp nho nhỏ, trong khi bộ pijama mặc nhà khi đi ra đường từng tạo ra ý kiến trái chiều… cũng được nhắc nhớ. Vấn đề đọc sách và thú chơi sách cũng sẽ trở lại, với hành trình đến thăm phòng văn của những văn nhân nổi tiếng…

Phạm Công Luận cũng dành ra một phần riêng để nói về những con đường và sự gắn bó với các yếu nhân một thuở. Đó là khu vực cầu Bông mà cố nhà văn Sơn Nam chia sẻ con người ở đó dễ thương, hiền lành. Đó cũng còn là Espagne (đường Lê Thánh Tôn hiện nay) đã mòn gót chân những nghệ sĩ lớn, như cố nghệ sĩ Út Trà Ôn lúc chưa thành danh hay ngồi ở tiệm cà phê Thành Hưng, và rồi nhiều thập kỷ sau cũng sẽ là nơi mà Trịnh Công Sơn gặp lại Khánh Ly tại đất Sài Gòn sau cuộc chạm mặt ở Đà Lạt 3 năm trước đó…

Là vùng đất được người phương Tây nhận xét là melting-pot (nồi lẩu thập cẩm) với nhiều văn hóa và nhiều cư dân cùng nhau quần tụ, thế nhưng Sài Gòn vẫn giữ cho mình những nét rất riêng, từ đó trở thành tính cách đặc biệt, mà như Phạm Công Luận nói "là sự pha trộn của rất nhiều thứ: thẳng thắn, thực dụng, chân thành, ngang tàng, hài hước, tỉnh bơ trước mọi chuyện, thân mật, xuề xòa, dễ dãi...". Qua Sài Gòn đẹp xưa với lối tiếp cận mới và sâu sát hơn, những điều lý thú về một vùng đất đã được hiện lên, trong sự tương quan với ngày hiện tại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.