Phụng dưỡng người già, lan tỏa lòng nhân!

30/04/2017 16:34 GMT+7

Tại tỉnh Đồng Tháp, 420 cụ già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn đang được đoàn viên, thanh niên các cấp nhận phụng dưỡng đến cuối đời.

Mô hình “Phụng dưỡng người già neo đơn, khó khăn” được Huyện đoàn Cao Lãnh, Đồng Tháp thực hiện từ năm 2012. Đến tháng 3.2016, nhận thấy mô hình có hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đồng Tháp tiếp tục phát động mô hình “Phụng dưỡng 400 người cao tuổi khó khăn, neo đơn” trong toàn tỉnh.
Theo đó, mỗi xã, phường, thị trấn, đoàn viên, chi đoàn ngành nhận phụng dưỡng trực tiếp hoặc vận động nguồn lực để hỗ trợ các cụ đến cuối đời. Mỗi tháng, các đoàn viên, thanh niên đến thăm hỏi và tặng mỗi cụ một phần quà trị giá từ 200.000 - 500.000 đồng. Nhận thức được ý nghĩa thiết thực của mô hình, đoàn viên các cấp đã chung lòng hưởng ứng và đến nay có 420 cụ được nhận phụng dưỡng.
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó bí thư Huyện đoàn Cao Lãnh, cho biết trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều cụ có đời sống khó khăn. Bà Lê Thị Canh (78 tuổi, ngụ ấp 4, xã Phương Trà, H.Cao Lãnh) thường được các bạn trẻ gọi là ngoại.
Trước đây, bà Canh sống một mình trong căn nhà nhỏ, nhưng sau đó nhà bị sập nên dọn về ở với người cháu gần đó. Gần người thân nhưng bà vẫn cứ nhớ đám “cháu ngoại” không… thân thích, lúc nào có các bạn trẻ đến thăm, nói cười ríu rít là bà rất vui. Ông Đặng Văn Ký (83 tuổi, ngụ khóm Thuận Phú, P.Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh) cô quạnh trong căn nhà xập xệ, sống bằng nghề bán vé số. Mỗi khi các bạn đoàn viên thanh niên đến thăm và tặng phần quà, ông cười móm mém: “Thương tụi nhỏ quá, không máu mủ gì mà tháng nào cũng đến lo cho ông”.
Cùng với việc phụng dưỡng, hằng tháng các đoàn viên còn đến thăm hỏi, động viên, giúp việc nhà, sửa chữa nhà cửa hư dột cho các cụ. Ngoài ra, hằng năm, cứ đến Ngày quốc tế người cao tuổi, Tỉnh đoàn Đồng Tháp phối hợp Hội Người cao tuổi tỉnh thực hiện “Hành trình nhân ái” đến thăm, tặng quà, giúp sửa chữa, vệ sinh nhà cửa và tổ chức “Bữa cơm gia đình” với các cụ già neo đơn tạo không khí ấm áp, thân tình.
Theo anh Võ Chí Hữu, Phó bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp, ý nghĩa của mô hình này là góp phần giáo dục cho đoàn viên, thanh niên về lòng yêu thương, biết chia sẻ với những người khó khăn, đặc biệt là người cao tuổi sống neo đơn. Thông qua đó, giáo dục cho đoàn viên thanh niên biết yêu kính ông bà, cha mẹ mình hơn. Việc làm này thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần tạo điều kiện cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.