Theo chuyên gia và học sinh, phòng tư vấn tâm lý của nhà trường có thể là một cách để ngăn chặn và đối phó với bạo lực học đường, nhưng không nên là tất cả phương án của ngành giáo dục. Trước quan điểm này, các phụ huynh và bạn đọc có đề xuất gì để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường đang gây nhức nhối trong dư luận những ngày qua?
"Không trường học nào dạy bạo lực..."
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, các phụ huynh cho rằng có nhiều yếu tố khác nhau. Theo bạn đọc SAIGON in my eyes, bạo lực học đường xuất phát từ gia đình và môi trường xã hội, "học đường chỉ là nơi bộc phát". Lý giải quan điểm trên, người này cho rằng không trường học nào dạy bạo lực, trong khi đó nhiều phụ huynh ở nhà "cứ vô tư động tay, động chân với nhau", đồng thời cho con trẻ tiếp xúc với phim ảnh và môi trường internet, nơi tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bạo lực.
Đồng tình, tài khoản thanhhieu0812 nhìn nhận bạo lực học đường có thể bắt nguồn từ bạo lực gia đình hoặc ngoài xã hội, phim ảnh... và con trẻ thường hay bắt chước do chưa đủ nhận thức tốt xấu, đúng sai. "Đôi khi con trẻ cũng tự ý muốn làm thủ lĩnh phong trào, tập hợp lôi kéo nhiều bạn bè theo nhóm mình. Cho nên, phải cố gắng cùng nhau tìm ra được sớm nhất thủ lĩnh cá biệt", người này nêu quan điểm.
Độc giả Long Duy thì cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, nhưng quan trọng nhất là làm thế nào để ngăn chặn, chấm dứt vấn nạn này thì phải đến từ nhiều phía. Theo đó, gia đình nên quan tâm đến con, nhà trường giáo dục cho học sinh kỹ năng sống và nếu vi phạm nên có biện pháp nặng mới răn đe làm gương.
Vụ nữ sinh ở Nghệ An tự tử: ‘Quy định cứng nhưng tình người là mềm’
Mặt khác, bạn đọc kimtan kiến nghị mỗi khối lớp nên có một chuyên gia hay bác sĩ hỗ trợ về sức khỏe và tâm lý học đường. Đội ngũ này sẽ theo sát và kịp thời hướng dẫn học sinh phát triển đúng đắn cả thể chất lẫn tâm lý ứng xử, dựa trên lứa tuổi cũng như trình độ của từng em. "Khó nhưng phải làm sớm mới được, đơn giản các bạn là tương lai của đất nước chúng ta", người này nói.
Mở rộng thêm vấn đề này, tài khoản nguyen trang đề xuất nhà trường và các phụ huynh nên có buổi họp với các chuyên gia tâm lý về vấn đề bạo lực học đường để có thể hiểu rõ và nắm bắt tình trạng các em. Trong khi đó, bạn đọc La Le cho rằng cần suy nghĩ và đưa ra giải pháp lâu dài để ngăn chặn bạo lực học đường. "Sao cứ để nước đến chân mới nhảy", người này trăn trở.
Giáo viên, phụ huynh cần làm gì?
Trả lời câu hỏi này, nhiều phụ huynh nhất trí cần có sự phối hợp giải quyết giữa cả 2 bên chứ không chỉ "mạnh ai nấy làm". Phụ huynh phuoctamnguy có 2 con chia sẻ để xóa sổ bạo lực học đường, học sinh phải được quan tâm, uốn nắn từ lúc tiểu học vì đây là lứa tuổi dễ bị tiêm nhiễm mầm mống bạo lực và có thể "đi sai đường" khi lớn lên.
Do đó, việc này đòi hỏi giáo viên phải theo sát học sinh một cách nhẹ nhàng và chia sẻ, đồng thời để mắt đến những em có tính cách bất thường, hung hăng. Khi có bạn bị ăn hiếp hoặc chơi xấu, thầy cô không nên phạt bằng cách đánh đòn hay khiến các em làm sai xấu hổ mà phải cảm hóa, giảng hòa để nâng cao tinh thần thương yêu, đoàn kết, theo vị phụ huynh.
Song song đó, người này cho hay cha mẹ không chỉ lưu tâm đến con mình nhiều hơn, mà còn phải cố gắng biết tên càng nhiều bạn trong lớp của con càng tốt. "Để chuyện gì trong trường, trong lớp, trẻ cũng đều tâm sự với mình, cha mẹ hãy khơi gợi, chia sẻ và lắng nghe vào những lúc gần con như trong bữa cơm hay trước khi ngủ. Có như vậy, trong tương lai gần mới đẩy lùi được bạo lực học đường", người này gợi ý.
Trong khi đó, phụ huynh dienthituyetnhung khẳng định cần phải có phối hợp giữa nhà trường và gia đình". "Con tôi vừa trải qua bạo lực học đường, do bé mới lớp 4 nên theo tôi, bé chỉ mới dừng ở mức bị khủng bố tinh thần. Rất may gia đình thường xuyên hỏi thăm tình hình con nên phát hiện sớm, bên cạnh đó cũng được cô chủ nhiệm hỗ trợ xử lý triệt để", người này cho hay.
Riêng ở góc độ giáo viên, độc giả Thế Quyền nêu quan điểm khi giáo viên tiếp nhận mọi vấn đề thì đều phải giải quyết có tình có lý. Giáo viên phải thật sự công minh, không bao giờ được phân biệt đối xử thì có vấn đề gì vướng mắc, học sinh đều sẽ chia sẻ với mình, từ đó hạn chế được rất nhiều tình trạng bạo lực học đường, người này nhìn nhận.
Bình luận (0)