Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên biệt trên địa bàn tỉnh từ năm học 2025 - 2026.
Phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển
Theo phương án này, Quảng Nam tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện (hạnh kiểm) và học tập (học lực trong 4 năm học ở cấp THCS). Ngoài ra, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập gồm 3 môn: toán, văn, ngoại ngữ.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, theo kế hoạch, năm học 2025 - 2026 tuyển không quá 80% số học sinh (HS) tốt nghiệp THCS.
Mỗi HS được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT khác nhau. Nguyện vọng 1 (bắt buộc), HS đăng ký dự tuyển vào một trường THPT cùng địa bàn cấp huyện với trường THCS nơi học sinh tốt nghiệp THCS. Nguyện vọng 2 (không bắt buộc), HS đăng ký vào một trường THPT bất kỳ trên địa bàn tỉnh, khác với trường đã đăng ký nguyện vọng 1.
Điều đáng nói, phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026 mà UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt lại không có trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT mà Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến.
Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này vào chiều nay (5.10), ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết hơn 10 năm triển khai phương án tuyển sinh vào lớp 10 bằng hình thức xét tuyển, Quảng Nam gần như lấy 100% HS tốt nghiệp sau THCS vào THPT.
Tuy nhiên, khi thực hiện phân luồng của Thủ tướng Chính phủ cùng với nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện của tỉnh, địa phương đã có hướng tới tăng dần tỷ lệ phân luồng, đến năm học 2021 – 2022 ngành giáo dục tỉnh chỉ lấy khoảng 80% số HS tốt nghiệp sau THCS vào THPT.
"Nếu tiếp tục duy trì phương án xét tuyển thì sẽ không công bằng giữa các HS với nhau. Ngoài ra, trong thời gian dài không tổ chức thi xét tuyển sẽ khiến động lực học tập của HS bị giảm sút", ông Nam nhận định.
Sẽ thay đổi, điều chỉnh khi có thông tư chính thức
Để đưa ra được quyết định phương án kết hợp thi tuyển với xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện và học tập, Quảng Nam đã có quá trình chuẩn bị bài bản, từ nội bộ ngành giáo dục đến việc tổ chức lấy ý kiến của các địa phương, sở, ban, ngành và sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội. Ngoài ra, ngành giáo dục Quảng Nam cũng tổ chức khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh, HS về tuyển sinh lớp 10.
Để góp thêm tiếng nói về phương án tổ chức tuyển sinh vào lớp 10, Sở GD-ĐT còn tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện xã hội, thu hút sự tham gia của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, trường THPT, chuyên gia trên địa bàn tỉnh…
"Chúng tôi làm rất kỹ vấn đề này. Vì vậy, khi phần lớn ý kiến đều bày tỏ sự đồng thuận cao với phương án kết hợp thi và xét tuyển, sở đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định thay đổi phương thức tuyển sinh lớp 10 từ năm học 2025 – 2026", ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho rằng, nếu chỉ lấy điểm học bạ để xét tuyển thì sẽ không công bằng giữa các cơ sở giáo dục khác nhau. Đặc biệt, sẽ xảy ra tình trạng "làm đẹp" học bạ để giúp HS tăng cơ hội vào lớp 10.
"Phương án kết hợp thi tuyển với xét tuyển sẽ tạo động lực cho HS học tập cũng như để ngành giáo dục tỉnh có cơ sở để đánh giá một cách toàn diện quá trình học tập của học trò, chất lượng dạy học của từng đơn vị. Phương án này sẽ có tác động rất tích cực, đồng thời cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh", ông Nam chia sẻ.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cũng thông tin, việc xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 của tỉnh đều dựa trên cơ sở thông tư hiện hành của Bộ GD-ĐT trước đây. Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng mới lấy ý kiến để đưa vào dự thảo thông tư mới, khi nào Bộ GD-ĐT có thông tư chính thức thì Quảng Nam sẽ thực hiện theo quy định của Bộ.
"Nếu phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026 tỉnh đã phê duyệt không có trong dự thảo mà Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến, thì khi Bộ ban hành thông tư chính thức, Quảng Nam sẽ thay đổi, điều chỉnh lại phương án đã phê duyệt cho phù hợp", ông Nam nói.
Bộ GD-ĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành, trong đó dự kiến quy định thi 3 môn vào lớp 10. Để hoàn thiện dự thảo này, Bộ GD-ĐT mới có công văn đề nghị các sở GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến từ các cơ sở giáo dục phổ thông đối với một số nội dung của quy chế, bao gồm: dự thảo về số môn thi, đề thi vào lớp 10...
Theo đó, về phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT, Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương thức là xét tuyển và thi tuyển.
Với phương thức xét tuyển: căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Về thi tuyển, dự thảo quy định cụ thể: số lượng môn thi là 3 môn, gồm: toán, ngữ văn và một môn thi do sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Bình luận (0)