|
Các trường lớn không dùng kết quả cụm địa phương
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, nhiều trường ĐH lớn khu vực phía bắc sẽ sử dụng kết quả thi của kỳ thi chung quốc gia ở cụm thi do các trường ĐH chủ trì kết hợp với sơ tuyển. Các trường này đều cho biết không sử dụng kết quả của thí sinh (TS) ở cụm thi do các địa phương tổ chức.
Ngoài việc xét tuyển kết quả của TS từ kỳ thi chung, nhiều trường có thêm điều kiện khác như sơ tuyển kết quả học phổ thông. Theo ông Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2015 trường sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi chung quốc gia ở cụm thi do các trường ĐH chủ trì để xét tuyển và sẽ sơ tuyển những TS nộp hồ sơ dự thi vào trường.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cũng cho biết trường đã xây dựng phương án tuyển sinh với việc sử dụng kết quả của kỳ thi chung ở cụm thi do các trường ĐH chủ trì để xét tuyển. Tuy nhiên, TS muốn xét tuyển thì phải có kết quả học tập THPT đạt từ 6,5 điểm trở lên.
|
Trong khi đó, theo các đề án tuyển sinh riêng đã được Bộ GD-ĐT công bố, chủ yếu trường ngoài công lập, ĐH vùng và CĐ sử dụng cả hai phương án: Xét tuyển TS từ kỳ thi chung quốc gia do Bộ tổ chức ở cụm thi do trường ĐH chủ trì và TS thi ở cụm thi địa phương kết hợp với kết quả THPT.
Ưu tiên thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế
Cũng tương tự như các trường công lập ở Hà Nội, các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ xét kết quả từ TS thi ở cụm do các trường ĐH chủ trì. Trường ĐH Khoa học tự nhiên dự kiến xét tuyển TS dựa trên kết quả kỳ thi quốc gia các khối thi truyền thống và không nhân hệ số các môn thi. Tương tự, PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết trường sẽ không tiến hành sơ tuyển kết quả học bạ của TS mà xét trực tiếp vào kết quả kỳ thi quốc gia dựa trên các khối thi cũ. Tuy nhiên, năm nay trường không nhân hệ số môn toán.
Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM dự kiến sẽ sơ tuyển TS thông qua kết quả học bạ trước khi xét điểm kỳ thi quốc gia. Ngoài ra, trường này còn dự kiến sẽ ưu tiên xét tuyển các TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào các ngành ngoại ngữ của trường.
Giải thích rõ hơn khái niệm “ưu tiên xét tuyển”, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, nhấn mạnh: “Ưu tiên xét tuyển ở đây không phải là tuyển thẳng. Nếu Bộ không cho phép TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ, trường sẽ ưu tiên các TS này so với TS có cùng tổng điểm khi xét tuyển. Còn nếu Bộ cho phép các TS này được miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp như dự kiến, trường vẫn sẽ tổ chức kỳ kiểm tra riêng để đánh giá kết quả TS khi xét tuyển vào các ngành ngoại ngữ”. Chỉ những TS có chứng chỉ quốc tế do các đơn vị được ủy quyền tổ chức thi tại VN cấp mới được công nhận, trường không xét chứng chỉ quốc tế nội bộ.
Xét theo tổ hợp môn
Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, từ năm 2015, trường sẽ xét tuyển theo tổ hợp môn với nguyên tắc chung là dùng kết quả kỳ thi tuyển sinh quốc gia năm 2015 để làm cơ sở xét tuyển. Sau khi thi chung, để xét tuyển vào trường, TS vào mạng in phiếu điểm dùng để nộp hồ sơ xét tuyển ĐH. Mỗi phiếu dùng để xin xét tuyển một ngành. TS được nộp vào nhiều ngành (trường có thể giới hạn 3 - 4 hồ sơ) để hạn chế lượng TS ảo. TS chọn 3 môn tương ứng với yêu cầu của ngành xét tuyển để nộp hồ sơ. TS được quyền tự do chọn tổ hợp môn sao cho có lợi nhất miễn sao tuân thủ quy định trong danh mục các môn theo yêu cầu của ngành xin xét tuyển. Sẽ có 4 tổ hợp để TS chọn lựa.
PGS-TS Đỗ Văn Xê cho biết: “Sắp xếp theo khối thi đã lỗi thời. Tuy nhiên, sở dĩ trường vẫn sắp xếp nhiều môn để xét tuyển là để tạo điều kiện cho TS học theo khối thi trước đây dễ dàng xét tuyển. Với cách xét tuyển này, dần dà trường muốn bỏ luôn khái niệm về khối thi tồn tại từ lâu nay. Tương lai, có thể việc xét tuyển này sẽ tự do hơn nữa”.
Bài thi đánh giá năng lực Đến thời điểm hiện nay chỉ ĐH Quốc gia Hà Nội là trường ĐH đầu tiên công bố thi riêng bằng bài thi đánh giá năng lực của ĐH này. Theo đó, ĐH này sẽ tổ chức thi riêng trước kỳ thi chung quốc gia do Bộ tổ chức. Dự kiến vào tháng 4 và tháng 8.2015, TS sẽ thi ở các điểm thi của tỉnh, thành tại các phòng thi được chuẩn hóa. Bài thi đánh giá năng lực chung được xây dựng theo mô hình đề thi trắc nghiệm bao gồm phần bắt buộc và phần tự chọn với tổng số 180 câu hỏi, thời gian làm bài là 195 phút, được thực hiện trên máy tính. Phiếu điểm được thiết kế và sử dụng cho các mục đích làm căn cứ xác nhận trình độ tốt nghiệp (cùng với điểm học tập các môn trong 3 năm) và cung cấp kết quả cho xét tuyển. Căn cứ vào điểm bài thi tổng hợp và điểm các môn học, TS được chọn xét tốt nghiệp theo các yêu cầu được quy định trước. Các trường khi sử dụng kết quả các hợp phần điểm của bài thi quốc gia, có thể lấy điểm của một, nhiều hoặc cả 4 hợp phần để đặt điểm sàn; có thể nhân hệ số cho điểm các hợp phần tùy theo ngành tuyển chọn. Các trường cũng có thể tổ chức thêm một bài thi đơn môn với dạng thức trắc nghiệm hoặc tự luận, câu hỏi mở, hoặc thi năng khiếu để có thêm thông tin đánh giá về TS tuyển chọn vào các chương trình có những đòi hỏi đặc thù. Kết quả thi có hiệu lực trong khoảng thời gian 2 năm tính từ ngày thi. |
Vũ Thơ - Đăng Nguyên - Hà Ánh
Bình luận (0)