Từng là giọng ca bolero nổi tiếng song năm 1976, Phương Dung cùng chồng và 8 người con sang Mỹ định cư. Chia sẻ về cuộc sống những năm đầu ở xứ người, nữ danh ca cho biết khi đó bà quản lý nhà hàng, không theo đuổi âm nhạc. Dù cuộc sống khi ấy có chút khó khăn và cách trở vì khoảng cách địa lý nhưng vẫn có những chương trình giao lưu âm nhạc với quy mô khoảng 500 - 1.000 người.
Theo danh ca Phương Dung, ca sĩ Việt Nam ở hải ngoại thường biểu diễn ở những tiểu bang lớn như Houston hay California. Khác với trình diễn trên sân khấu, một số ca sĩ đôi khi cảm thấy chạnh lòng khi hát ở nhà hàng vì khán giả, thực khách không tập trung vào giọng hát của nghệ sĩ.
“Một số người họ ăn nên không nghe, còn hát trên sân khấu thì khán giả lắng nghe từng câu một, thành ra ca sĩ đi hát ở nhà hàng phải chấp nhận điều đó. Đang hát thì khán giả cụng ly rồi nói cười. Họ không cần biết ca sĩ đang hát bài gì. Trong những tiệc cưới, sinh nhật thì có khoảng 40% ca sĩ không hài lòng nhưng phải chấp nhận”, giọng ca Nỗi buồn gác trọ chia sẻ.
Theo Phương Dung, vào thập niên 1980, nghệ sĩ thu âm và bán ra rất nhiều cuộn băng. Nữ danh ca tiết lộ, có những ca sĩ Việt Nam ở hải ngoại trở nên giàu có nhờ việc đi hát và phát hành sản phẩm âm nhạc. “Vào những năm 1970, cuộc sống của ca sĩ hải ngoại tương đối chật vật cả tinh thần lẫn vật chất và cả nơi biểu diễn. Đến thập niên 1980, nhờ sự phát triển của cassette, video thì nghệ sĩ được tôn trọng và có nhiều môi trường hoạt động hơn”, giọng ca Sương lạnh chiều đông chia sẻ.
Cũng theo danh ca Phương Dung, phần lớn khán giả của những ca sĩ hải ngoại đều là người lớn tuổi nên: "Có những bài hát kỷ niệm mà họ thuộc lòng về thời niên thiếu, thời áo trắng học sinh, sinh viên và nhạc sĩ ngày xưa viết quá hay làm họ sống lại quá khứ”.
Danh ca Phương Dung cũng bày tỏ lo ngại trước sự mai một âm nhạc và văn hóa Việt Nam với những thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài. Nữ danh ca chia sẻ: “Con của tôi nghe một câu hát Việt Nam không thấm bằng một câu hát tiếng Anh. Nếu ở gia đình người Việt khó thì người ta bắt buộc con ăn cơm, nghe nhạc Việt Nam, còn đa số gia đình Việt kiều thờ ơ nên con trẻ không biết về ký ức Việt Nam”.
Bình luận (0)