Tiểu đường loại 2 gây ra do tình trạng kháng insulin, làm giảm khả năng hấp thụ đường của tế bào. Kết quả là khiến lượng đường trong máu tăng lên, theo Medical Xpress.
Phương pháp mới của các nhà khoa học Israel được kỳ vọng mang lại hiệu quả lâu dài trong điều trị tiểu đường loại 2 |
SHUTTERSTOCK |
Bệnh tiến triển trong thời gian dài có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tim mạch, đột quỵ, suy thận, tổn thương võng mạc dẫn đến mù lòa, máu lưu thông kém đến các chi dẫn đến phải cắt cụt và nhiều biến chứng khác.
Tiểu đường loại 2 có thể khiến người bệnh giảm nhiều năm tuổi thọ. Các chuyên gia khuyến cáo người mắc bệnh cần phải thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh, tập luyện thể thao thường xuyên kết hợp với uống thuốc, tiêm insulin. Nhờ vậy mà họ có thể chung sống với căn bệnh mạn tính này.
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Israel (Technion) đã phát triển phương pháp mới giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn. Phương pháp này sẽ cấy ghép các tế bào cơ đặc biệt vào cơ thể người bệnh.
Trong thử nghiệm trên chuột, nhóm khoa học đã phân lập các tế bào cơ từ chuột. Sau đó, họ biến đổi các tế bào này để chúng tạo ra nhiều chất vận chuyển glucose (GLUT4) hơn. Những chất này sẽ được kích hoạt bằng insulin.
Nhờ đó, các tế bào cơ này có khả năng hấp thụ đường trong máu với tốc độ nhanh, giúp duy trì đường huyết ổn định. Tế bào được nuôi trong phòng thí nghiệm để tạo thành mô cơ.
Sau đó, các nhà khoa học cấy ghép mô cơ này vào ổ bụng những con chuột mắc tiểu đường loại 2. Họ phát hiện thủ thuật này chỉ cần thực hiện 1 lần nhưng có thể giúp đường huyết lũ chuột ổn định trong 4 tháng. Kết quả thử nghiệm này được công bố trên chuyên san Science Advances.
Đường huyết trong máu chuột thí nghiệm không chỉ giảm mà mức độ gan nhiễm mỡ của chúng cũng được cải thiện. Hơn nữa, tế bào cơ vì lấy từ chính cơ thể chuột nên không bị đào thải khi cấy ghép vào ổ bụng. Các nhà khoa học chưa tiết lộ khi nào phương pháp này có thể thử nghiệm lâm sàng trên người, theo Medical Xpress.
Bình luận (0)