Phương Tây chật vật ngăn chặn chip đến Nga

04/04/2022 08:13 GMT+7

Việc xác định chính xác điểm đến cuối cùng của những con chip và ngăn chặn trước khi chúng xuất hiện trong hàng loạt vũ khí của Nga đang là thách thức không dễ dàng đối với nhiều công ty công nghệ và cơ quan quản lý.

Khi nhà sản xuất chip Marvell Technology Group ở Thung lũng Silicon (Mỹ) biết rằng một trong những con chip của mình được tìm thấy trong một máy bay không người lái của Nga được khôi phục vào năm 2016, họ đã bắt đầu điều tra xem thực tế là như thế nào. Con chip có giá dưới 2 USD, được vận chuyển vào năm 2009 cho một nhà phân phối ở châu Á. Công ty này đã bán nó cho một nhà môi giới khác cũng ở châu Á, sau đó ngừng hoạt động.

“Chúng tôi không thể theo dõi thêm nữa”, Giám đốc điều hành Marvell Chris Koopmans nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Vài năm sau, nó xuất hiện trở lại trong máy bay không người lái được phục hồi ở Lithuania. Kinh nghiệm của Marvell là một trong vô số ví dụ về việc các nhà sản xuất chip thiếu khả năng theo dõi nơi mà nhiều sản phẩm cấp thấp hơn của họ được chuyển đến. Điều này có thể cản trở thực thi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ trong việc ngăn chặn xuất khẩu công nghệ của Mỹ vào Nga.

Các loại vũ khí quân sự như drone, tên lửa dẫn đường, máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu, phương tiện và thiết bị tác chiến điện tử đều cần chip

Reuters

Theo nhà kinh tế chip Dan Hutcheson của TechInsights, ngành công nghiệp chip toàn cầu dự kiến ​​sẽ xuất xưởng 578 tỉ chip trong năm nay, 64% trong số đó là chip “hàng hóa”. Theo Tổ chức Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới, các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây chỉ chiếm chưa đến 0,1% lượng mua chip toàn cầu trước khi có lệnh trừng phạt.

Ông Damien Spleeters, phó giám đốc phụ trách hoạt động của nhóm Nghiên cứu vũ khí xung đột do Liên minh châu Âu (EU) và Đức tài trợ, cho biết: “Một số máy bay không người lái (drone) mà chúng tôi đã ghi nhận, như Forpost, hiện được sử dụng trong phiên bản vũ trang của cuộc xung đột hiện nay” ở Ukraine.

Báo cáo thúc đẩy việc theo dõi của Marvell do Nghiên cứu vũ khí xung đột công bố hồi cuối năm ngoái cũng cho thấy có những loại chip trong drone của Nga là từ Intel, NXP, Analog Devices, Samsung Electronics, Texas Instruments và STMicroelectronics.

Texas Instruments và STMicroelectronics không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. NXP và Analog Devices cho biết họ tuân thủ các biện pháp trừng phạt. Intel phản đối việc sản phẩm của mình bị sử dụng để vi phạm nhân quyền. Còn Samsung khẳng định không sản xuất chip cho mục đích quân sự.

Các loại vũ khí quân sự như drone, tên lửa dẫn đường, máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu, phương tiện và thiết bị tác chiến điện tử đều cần chip. Theo các chuyên gia, chúng thường sử dụng chip cũ đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Giờ đây, theo lệnh trừng phạt mới của Mỹ, ngay cả một số chip cơ bản nhất cũng không được phép vận chuyển đến những thực thể Nga bị cấm.

Ông Daniel Fisher-Owens, chuyên gia về chip và xuất khẩu tại công ty luật Berliner Corcoran & Rowe, cho biết, đối với những con chip nhạy cảm nhất được kiểm soát theo Quy định về lưu thông vũ khí quốc tế, công ty Mỹ bán chúng có thể phải chịu trách nhiệm, nếu con chip đó xuất hiện trong một thực thể nằm trong danh sách cấm của Mỹ.

Khó như theo dõi dòng chảy ma túy

Theo các chuyên gia, việc tìm ra những con chip đã đi đến đâu cũng phức tạp như việc theo dõi dòng chảy của ma tuý. “Nó giống như kinh doanh ma túy. Có những phần bị cắt rời, có người trung gian, có rửa tiền, có mạng lưới phân phối chợ đen”, ông James Lewis, giám đốc chương trình chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ), mô tả. Theo ông Lewis, quan điểm của các biện pháp trừng phạt Nga không phải là theo dõi từng con chip, mà là phá vỡ chuỗi cung ứng chất bán dẫn, điều mà cộng đồng tình báo đang nghiên cứu.

Marvell cho biết công ty ngày càng có nhiều sản phẩm hỗ trợ lấy dấu vân tay và truy tìm nguồn gốc, đồng thời đang làm việc với các đối tác và khách hàng trong ngành để thúc đẩy lĩnh vực này. Tom Katsioulas, giám đốc điều hành công nghệ của Liên minh chất bán dẫn toàn cầu, nói rằng nhóm ông đã đề xuất các thành viên xây dựng chương trình “Bảo mật hệ sinh thái IoT đáng tin cậy” để gắn thẻ và theo dõi chip.

Song, trên thực tế, việc thực hiện biện pháp truy xuất sẽ không đơn giản đối với một con chip giá chỉ 2 USD, nếu không muốn làm cho nó trở nên quá đắt. Câu trả lời có thể là vấn đề về quy trình sản xuất, quy định và có lẽ là ý chí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.