“Sức mạnh quân sự của Nga sắp ngang bằng sức mạnh quân sự phương Tây, giống như thời chiến tranh lạnh”, ông Haakon Bruun-Hanssen, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy nói trong cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal ngày 4.10 sau khi họp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhân chuyến thăm của ông Carter đến Na Uy.
Lực lượng NATO vẫn giữ thế mạnh hơn về vũ khí và năng lực tác chiến, nhưng Nga đang bắt kịp với những thiết bị cảm ứng, tàu ngầm và các loại vũ khí tối tân khác.
Phó Đô đốc James Foggo III, Tư lệnh Hạm đội 6 của Mỹ, gần đây cũng cảnh báo Nga nhanh chóng thu hẹp khoảng cách công nghệ vũ khí với Mỹ và phương Tây.
Việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực được cho là hồi chuông cảnh báo đối với các quan chức quân đội Mỹ, nhất là khi quan hệ ngoại giao giữa Washington và Moscow bế tắc do vấn đề Syria, và giữa lúc các quốc gia châu Âu như Na Uy đang cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng trong thập niên 1900 và đầu thập niên 2000 sau khi Liên Xô sụp đổ.
NATO đã và đang tăng cường các cuộc tập trận chống tàu ngầm và những cuộc tập trận hải quân khác nhằm đề phòng Nga. NATO cũng đã tiến hành tập trận chống tàu ngầm trong mùa hè năm nay tại vùng biển của Na Uy.
Tuy nhiên, một quan chức NATO nhấn mạnh liên minh này vẫn tiếp tục theo đuổi các biện pháp ngoại giao để giữ căng thẳng tại Bắc Cực ở mức thấp nhất. “Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo sự cân bằng hiện diện quân sự và giữ căng thẳng ở mức thấp nhất”, quan chức NATO giấu tên tiết lộ với The Wall Street Journal.
|
Dù vậy, Lầu Năm Góc đã yêu cầu giải ngân 3,4 tỉ USD trong năm tài chính tới để hỗ trợ tăng cường phòng thủ cho các đồng minh châu Âu, cao gấp bốn lần so với năm ngoái. Đây là một trong số những nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của NATO được cho là đối phó Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2010 tuyên bố Moscow sẽ chi trên 20 nghìn tỉ rúp (650 tỉ USD) để hiện đại hóa 70% thiết bị quân sự nước này trong giai đoạn 2010-2020.
Chính quyền Na Uy cũng nỗ lực tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng lên 6,6 tỉ USD vào năm 2020, tăng 6% so với năm 2016, nhằm tuân thủ yêu cầu của NATO là các thành viên phải chi ít nhất 2% GDP cho ngân sách quốc phòng vào năm 2024.
Vào tháng 10.2015, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Moscow đã hoàn tất 97% công trình xây dựng một căn cứ quân sự lớn với diện tích 14.000 m2 và sức chứa 150 binh sĩ trên đảo Alexandra Land thuộc quần đảo Franz Josef Land của Nga ở Bắc Cực, theo AFP. Hồi tháng 3.2014, Moscow đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại 10 căn cứ quân sự có từ thời Liên Xô tại Bắc Cực, trong đó có 14 phi trường đã bị đóng cửa sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Tổng thống Putin vào năm 2013 cũng từng ra lệnh tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi tháng 2.2015 tuyên bố Moscow có thể dùng các biện pháp quân sự để bảo vệ lợi ích ở Bắc Cực.
Nga, Canada, Đan Mạch, Na Uy và Mỹ có tranh chấp chủ quyền ở khu vực này. Một trong những nguyên nhân khiến cực bắc trái đất trở thành tâm điểm của tranh chấp chủ quyền vì nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy nơi đây chứa đến 20% nguồn dự trữ dầu khí của thế giới.
Bình luận (0)