Phương Tây lục đục khi chiến sự Ukraine kéo dài

29/11/2022 06:38 GMT+7

Trong lúc chiến sự Ukraine bước sang tháng thứ 10, phương Tây đang lo đối phó những vấn đề bất đồng phát sinh trong nội bộ.

Nhà Trắng ngày 28.11 cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xây dựng một liên minh mạnh mẽ, trong thông điệp được đưa ra khi phương Tây tiếp tục có những bất đồng nội bộ cần giải quyết. “Các liên minh và đối tác của Mỹ là mạnh nhất từ trước đến nay, thể hiện cách tiếp cận của Tổng thống Biden với thế giới nhằm thúc đẩy những lợi ích và giá trị của chúng ta”, theo nội dung Nhà Trắng đăng trên Twitter.

Các binh sĩ Nga tại tỉnh Zaporizhzhia vào ngày 26.11

Reuters

Theo đó, những cách tiếp cận bao gồm việc củng cố an ninh chung của NATO, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương và góp phần đưa Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO.

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 277, tổng thống Ukraine nói Nga chưa hết tên lửa, NATO kêu gọi thành viên vượt khó ủng hộ Kyiv

Những bất đồng

Giới phân tích cho rằng sự đoàn kết của phương Tây trong xung đột Ukraine đang bị đe dọa khi các quan chức châu Âu cáo buộc Mỹ hưởng lợi từ giá khí đốt cao, bán vũ khí và thương mại.

“Nếu bạn nhìn vào đó một cách tỉnh táo, thực tế Mỹ là nước đang hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này vì họ đang bán nhiều khí đốt với giá cao hơn và đang bán nhiều vũ khí hơn”, tờ Politico mới đây dẫn lời một quan chức cấp cao của EU phân tích. EU cho rằng chính sách trợ giá các ngành công nghiệp “xanh” và thuế của Mỹ làm lệch cán cân thương mại, đe dọa nền công nghiệp châu Âu. Nhằm giảm phụ thuộc năng lượng của Nga, EU chuyển sang mua khí đốt của Mỹ nhưng với mức giá cao hơn gần 4 lần giá bán tại Mỹ. Ngoài ra, việc viện trợ quân sự cho Ukraine khiến kho vũ khí của quân đội các nước châu Âu suy giảm và có thể phải mua vũ khí của Mỹ. Phát biểu trên tờ Welt an Sonntag ngày 27.11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận châu Âu đang đối diện nhiều khó khăn do chiến sự tại Ukraine như giá thực phẩm và tiền điện tăng.

Châu Âu bức xúc vì Mỹ "hưởng lợi nhiều nhất" từ xung đột Ukraine

Việc hỗ trợ Ukraine và cấm vận Nga cũng dẫn đến một số bất đồng trong nội bộ nhóm Visegrad tại châu Âu, khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban phản đối áp thêm các lệnh cấm vận đối với Nga như nhằm vào nguồn cung năng lượng, theo Reuters. Visegrad gồm Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary và Slovakia. Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala cho rằng quan điểm của ông Orban là “khiêu khích và không giúp Visegrad tiến triển như lúc trước”. Về phần mình, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki chỉ trích việc Hungary đến nay vẫn chưa thông qua đơn gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Chiến sự căng thẳng

Về chiến sự, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Nga sẽ sớm tiến hành thêm đợt phóng tên lửa, đồng thời cảnh báo rằng quân đội và người dân nên chuẩn bị đối phó. Báo Kyiv Independent ngày 28.11 đưa tin Nga tấn công tại 9 tỉnh trong vòng 24 giờ, gồm Donetsk, Luhansk, Kharkiv, Kherson, Zaporizhzhia, Chernihiv, Sumy, Mykolaiv và Dnipropetrovsk. Cùng ngày, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho hay phía Ukraine đã đẩy lùi các đợt tấn công của Nga trong 24 giờ qua tại các khu vực như Bakhmut và Avdiivka ở Donetsk.

Lãnh đạo NATO thừa nhận châu Âu đang sắp đối mặt với "thời điểm khó khăn" vì xung đột Ukraine

Theo báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh, thành phố Kherson tại miền nam Ukraine nằm trong tầm bắn của hầu hết những loại pháo của Nga. Cụ thể, Kherson chủ yếu bị tấn công bởi các hệ thống pháo phóng loạt như BM-21 Grad. Tại tỉnh Dnipropetrovsk, Tỉnh trưởng Valentyn Reznichenko ngày 28.11 cho hay phía Nga phóng tổng cộng 30 quả đạn pháo trong vòng 24 giờ, nhưng chưa có thông tin thương vong. Hãng TASS cho hay lực lượng Nga đã phá hủy 6 chốt chỉ huy, 62 đơn vị pháo binh tại các điểm khai hỏa, cũng như các thiết bị của Ukraine ở Kherson, Kharkiv và Donetsk. Nga và Ukraine chưa bình luận về những thông tin trên của đối phương.

“Cách tiếp cận cách mạng” của Anh với Nga

Theo báo The Guardian, Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ áp dụng chính sách đối ngoại với “cách tiếp cận mang tính cách mạng”, được đề cập trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên về đối ngoại kể từ khi ông nhậm chức. Tân thủ tướng Anh cho rằng các quốc gia như Nga và Trung Quốc đều có kế hoạch dài hạn, nên Anh cũng cần có kế hoạch tương tự. Theo đó, sức mạnh của Anh ở nước ngoài phải được củng cố bởi một nền kinh tế vững mạnh trong nước, với khả năng đứng vững trước các đối thủ cạnh tranh bằng “chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ”.

Khủng hoảng giá cả sinh hoạt lo thang, thị trấn Anh túng quẫn

Thủ tướng Sunak còn nhấn mạnh về việc tăng cường quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như việc Anh cần chuẩn bị cho sự cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Theo ông, “nước Anh không chọn hiện trạng mà sẽ làm những điều khác biệt”. Ngoài ra, nhà lãnh đạo còn nhấn mạnh cam kết của Anh đối với Ukraine bất chấp những thay đổi về nhân sự trong chính phủ Anh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.