Xung đột tại Ukraine đã phơi bày sự thiếu thốn vũ khí của các nước phương Tây, đặc biệt là những loại vũ khí không phải hiện đại nhất nhưng có vai trò quan trọng trong chiến đấu như đạn pháo. Việc thiếu năng lực sản xuất, nhân công và nguồn cung ứng đã khiến cho việc chế tạo vũ khí mới trở nên kéo dài, theo Financial Times.
Quân nhân Ukraine bắn pháo 155 mm Caesar của Pháp tại Donbass hồi tháng 6 |
AFP |
Hồi tháng 5, Lầu Năm Góc đặt mua 1.300 tên lửa đối không Stinger để tái bổ sung vào kho vũ khí sau khi chuyển một lượng lớn cho Ukraine, nhà sản xuất Raytheon đáp rằng việc này sẽ mất thời gian.
Tương tự, Pháp đã gửi cho Ukraine 18 khẩu lựu pháo Caesar, tương đương 1/4 số lượng vũ khí công nghệ cao này mà Pháp sở hữu, và nhà sản xuất Nexter nói cần khoảng 18 tháng để sản xuất pháo mới để thay thế.
Ngân sách quốc phòng vượt trội Nga, vì sao phương Tây lo không đủ đạn dược viện trợ Ukraine? |
Các quan chức quốc phòng và các nhà phân tích nói rằng sự thiếu hụt này cho thấy phương Tây đã quá tự mãn trước những mối đe dọa tiềm tàng từ cuối Chiến tranh lạnh. Việc theo đuổi những loại vũ khí công nghệ cao đã lấn át tầm quan trọng của việc duy trì kho vũ khí cơ bản.
Việc thiếu thốn có thể ảnh hưởng đến năng lực tiếp tế quân sự của phương Tây cho Ukraine. Theo chuyên gia mua sắm vũ khí người Mỹ Alex Vershinin, tổng lượng đạn pháo 155 mm được sản xuất hằng năm tại Mỹ chỉ đủ dùng trong chưa đầy 2 tuần chiến sự tại Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã dự báo các nước phương Tây sẽ gặp khó khăn để duy trì cuộc chiến kéo dài vì kho đạn không đủ để đối phó mối đe dọa. Trong một cuộc tập trận mô phỏng năm 2021, kho đạn của Anh cạn kiệt sau 8 ngày chiến đấu.
Ngân sách quốc phòng của Nga năm 2021 là 66 tỉ USD, không đáng kể so với hơn 1.100 tỉ USD của toàn bộ thành viên NATO. Tuy nhiên, phần lớn chi tiêu quốc phòng của NATO là vào các hệ thống tiên tiến chưa được triển khai. Mặt khác, phần lớn chi tiêu quốc phòng của phương Tây trong 20 năm qua chủ yếu để chống các lực lượng nổi dậy tại Trung Đông hơn là để chuẩn bị cho cuộc đấu pháo, xe tăng như tại Ukraine.
Tên lửa Stinger được cung cấp cho Ukraine hồi tháng 2 |
AFP |
Do thiếu vũ khí, Anh phải mua lựu pháo từ nước thứ ba để cung cấp cho Ukraine. Tại Mỹ, Lầu Năm Góc hiện chỉ làm việc với 5 nhà thầu quốc phòng chính so với 51 nhà thầu vào thập niên 1990. Một cố vấn quốc phòng của phương Tây nói với Financial Times rằng phương Tây từ lâu nghĩ rằng sẽ không bao giờ phải tham gia một cuộc chiến quy mô công nghiệp nữa, do đó, gần như không nước nào có khả năng nâng cao năng lực sản xuất các vũ khí chính. Một số thiết bị điện tử trong tên lửa Stinger không còn trên thị trường nữa vì lần cuối cùng loại tên lửa này được sản xuất quy mô lớn là từ cách đây 20 năm.
Vì sao nguồn cung đạn dược là yếu tố quyết định đối với Ukraine ở Donbass? |
Về hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa do Lockheed Martin sản xuất, Mỹ có tổng cộng 20.000-25.000 quả đạn thì đã cung cấp cho Ukraine hết khoảng 1/3. Chuyên gia Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), cựu quan chức Lầu Năm Góc, nói Mỹ không thể thay thế số đạn này bằng loại đạn cũ hơn vì chúng sử dụng loại đầu đạn bom chùm đã bị cấm.
Chuyên gia Jack Watling tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh RUSI (Anh) cho rằng bài học lớn nhất mà giới quân sự rút ra từ chiến sự Ukraine về bản chất của chiến tranh hiện đại là tầm quan trọng của việc duy trì kho vũ khí cơ bản. “Điều này không mới nhưng chúng ta đã quyết định lờ đi trong thời gian rất dài. Vũ khí rẻ mà bạn có thể sử dụng trên quy mô lớn là tuyệt đối quan trọng”, ông Watling nói.
Bình luận (0)