Phương Tây thất bại trong cấm vận dầu Nga?

04/02/2023 17:50 GMT+7

Lệnh cấm vận và hạn chế phương Tây áp lên dầu Nga có ít tác động đối với ngành năng lượng của Moscow.

Ngày 3.2, Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất áp mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga bao gồm dầu diesel và dầu hỏa, cũng như mức 45 USD/thùng đối với các loại dầu giao dịch theo chiết khấu, theo hãng tin Reuters.

Trạm dầu nhiên liệu Novorossiysk của Nga ở cảng Novorossiisk

Trạm dầu nhiên liệu Novorossiysk của Nga ở cảng Novorossiisk

REUTERS

Trước đó, EU cũng nhất trí cấm nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển từ Nga kể từ tháng 12.2022. Ngoài ra, khối này cũng phối hợp với Nhóm 7 nước có nền kinh tế phát triển (G7) và Úc để đặt ra mức giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng, theo hãng tin AP.

Các lệnh trừng phạt và mức giá trần là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế nguồn tiền Nga có thể sử dụng để duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, đài CNBC dẫn lời giới phân tích nhận định cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã "thất bại hoàn toàn" và các mức giá trần mới có thể cũng không có tác động lớn.

Các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga không hiệu quả

Giá trần không có tác dụng?

Theo chuyên gia Paul Sankey, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Sankey Research (Mỹ), mức giá trần "được các quan chức có chuyên môn về tài chính phát minh" và "không ai trong số họ thực sự hiểu thị trường dầu mỏ", theo CNBC.

"Đó là một quả bom tổng lực, nó đã thất bại hoàn toàn", theo chuyên gia Sankey. Ông nhấn mạnh rằng thị trường dầu mỏ đang gặp khó khăn vì nguồn cung từ Nga không thực sự bị gián đoạn và Moscow "đã duy trì xuất khẩu ở mức cao". Theo ông, điều này đặt ra câu hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra với các biện pháp trừng phạt sắp tới đối với các sản phẩm từ Nga, "bởi vì nó dường như không hiệu quả".

Tạp chí Forbes: Số lượng tỉ phú Nga giảm mạnh vì cấm vận

Tuy nhiên, nhận định của ông Sankey trái ngược với một báo cáo gần đây từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (Phần Lan), theo CNBC. Báo cáo của nhóm chuyên gia cố vấn độc lập của Phần Lan cho thấy trong tháng đầu tiên EU cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển và G7 áp giá trần, Moscow đã bị thiệt hại khoảng 160 triệu euro (174,3 triệu USD) mỗi ngày. Nhóm phân tích nhận định các mức giá trần là nguyên nhân khiến lợi nhuận từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga giảm 17% trong tháng 12.2022.

Nga bị ảnh hưởng ra sao?

Tuy nhiên, bà Vandana Hari, người sáng lập công ty phân tích Vanda Insights (Singapore), cho biết bà hoài nghi về những hạn chế mà phương Tây sắp áp lên các sản phẩm dầu tinh chế của Nga, theo CNBC.

"Tôi nghĩ rằng giới hạn giá đối với sản phẩm tinh chế mà họ (phương Tây) đang lên kế hoạch, khoảng 100 USD/thùng đối với dầu diesel và các loại dầu sạch và có lẽ khoảng 45 USD/thùng đối với nhiên liệu bẩn như dầu mazut, có lẽ cũng không có tác dụng", bà Hari nhận định.

Theo bà Hari, dầu mỏ của Nga sẽ tìm được đường vào các thị trường "vẫn đang chào đón nó" như Trung Quốc và Ấn Độ. Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, cả hai nước này đã tăng cường mua dầu của Nga và hưởng lợi từ mức chiết khấu.

Khủng hoảng năng lượng có thể trầm trọng hơn trong năm 2023

"Năm ngoái, Trung Quốc và Ấn Độ đã được hưởng lợi khá nhiều từ việc giá dầu thô của Nga giảm mạnh và điều tương tự cũng sẽ lặp lại với các sản phẩm tinh chế", Hari dự đoán, dù lưu ý rằng việc tìm thị trường cho những sản phẩm như vậy có thể phức tạp hơn đối với Moscow.

Dự đoán thị trường dầu thế giới

Theo đài DW (Đức), việc thị trường dầu thế giới có bị ảnh hưởng sau khi phương Tây hạn chế giá bán của các sản phẩm dầu Nga hay không phần lớn phụ thuộc vào khả năng Moscow và EU tìm kiếm những đối tác thay thế. Nếu cả hai bên đều thành công, tác động đối với nguồn cung và giá cả sẽ không đáng kể và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Trường hợp ngược lại, lệnh trừng phạt có thể dẫn đến sự gián đoạn lớn trong các ngành phụ thuộc vào dầu diesel như giao thông vận tải và nông nghiệp. Giá nhiên liệu tăng sẽ tiếp tục làm suy yếu cuộc chiến chống lạm phát của nhiều nền kinh tế.

Những nước nào "trúng đậm" từ dầu mỏ nhờ chiến sự Ukraine?

Theo các nguồn tin của Reuters, phương Tây đã tính toán để mức giá trần làm giảm doanh thu của Nga trong khi vẫn đảm bảo Moscow không cắt nguồn cung dầu diesel chuyển sang các nước ngoài phương Tây. Điều này nhằm tránh tình trạng dầu bị đội giá và dẫn đến lạm phát.

Theo Reuters, nếu giá trần hoạt động như tính toán của phương Tây, giá nhiên liệu sẽ không tăng vọt. Châu Âu có thể chuyển sang mua dầu diesel từ Mỹ, Ấn Độ và Trung Đông, còn Nga có thể tìm kiếm thị trường mới ở các châu lục khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.