Phương Tây trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao, tình báo Nga có bị ảnh hưởng?

27/03/2018 11:26 GMT+7

Việc hàng loạt quốc gia phương Tây trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Nga sẽ tác động ra sao đối với hoạt động gián điệp của Nga?

Vào ngày 24.9.1971, trụ sở MI5 (cơ quan tình báo, phản gián và đảm bảo an ninh của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) đã tưng bừng tổ chức tiệc mừng công. Lý do cho buổi tiệc bất ngờ là vì MI5 đã triển khai thành công “Chiến dịch Bàn chân” cho phép trục xuất 105 quan chức Liên Xô dính cáo buộc phản gián.

Đợt trục xuất trên được cho là đã giáng một đòn nặng vào KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia) vào thời đó, và London cho rằng đến khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, cơ quan này vẫn chưa thể “khôi phục nguyên khí” cho hoạt động phản gián tại Anh, theo Đài BBC.

Tuy nhiên, trong đợt trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga mới đây theo sau vụ cựu điệp viên nhị trùng Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị tấn công bằng chất độc thần kinh ở thành phố Salisbury (Anh), mục tiêu lần này của Anh khiêm tốn hơn.

London và đồng minh muốn gửi thông điệp đồng loạt phản đối Điện Kremlin và hy vọng có thể tác động đáng kể đến năng lực thu thập tình báo của nước này ở nước ngoài.

Ảnh hưởng thấp hơn thời Chiến tranh Lạnh

Cũng giống như thời Chiến tranh Lạnh, giới chức tình báo tại các sứ quán của Nga có nhiệm vụ tuyển mộ và điều phối gián điệp cung cấp tài liệu mật cho Moscow. Họ xuất thân từ GRU (Tổng cục tình báo quân sự Nga) và SVR (Tổng cục Tình báo Nước ngoài Nga – cơ quan tiếp nối KGB). Nếu họ bị buộc phải về nước, quan hệ với gián điệp tại nước đó có thể bị đứt đoạn.

Hơn thế nữa, những người này (phối hợp với đồng sự đến từ Tổng cục An ninh Nội địa - FSB) có thể mang theo sứ mệnh thu thập thông tin từ các đối tượng sống lưu vong. Một số cũng tham gia các hoạt động ngầm, bao gồm lan tỏa thông tin tuyên truyền và tạo ảnh hưởng chính trị. Đây là những hoạt động có thể bị ảnh hưởng nếu họ bị trục xuất.

Bên cạnh việc trục xuất nhân viên ngoại giao Nga, Mỹ cũng quyết định đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Seattle vì toạ lạc ở quá gần căn cứ tàu ngầm Mỹ cũng như cơ ngơi của nhà sản xuất máy bay Boeing, theo Reuters dẫn lời 2 quan chức tình báo Mỹ.

Máy bay tiếp dầu trên không KC-46 của không quân Mỹ tại trụ sở Boeing ở Seattle, Washington, nơi được cho gần lãnh sự quán Nga vừa bị đóng cửa Reuters

Những cơ sở ngoại giao như trên có thể đóng vai trò quan trọng trong hoạt động gián điệp, vì chúng không những là căn cứ của các quan chức tình báo, mà còn là nơi đặt các thiết bị nghe lén.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng vẫn khó có thể sánh bằng thời Chiến tranh Lạnh. Một lý do là hoạt động tin tặc. Trong quá khứ, biện pháp duy nhất để thu thập hoặc đánh cắp thông tin tình báo là cài người vào bộ máy đối thủ hoặc hoạt động nghe lén. Thế nhưng, giờ đây các nước có thể thông qua hoạt động tấn công mạng để làm được điều đó từ xa.

Vì vậy, phương Tây hy vọng rằng quy mô của việc trục xuất, dự kiến ít nhất tại 24 nước, sẽ có thể tạm thời ngăn cản Nga sử dụng gián điệp tại những nước này, tạo khoảng trống để các cơ quan hoạt động phản gián và săn lùng gián điệp, như MI5 và FBI, có thời gian củng cố năng lực của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.