Việc áp trần giá dầu Nga là đề xuất của nhóm G7 nhằm cắt giảm nguồn thu của Moscow trong khi vẫn giữ ổn định nguồn cung dầu trên toàn cầu. Dầu thô và các chế phẩm là mặt hàng xuất khẩu giá trị nhất của Nga, đóng góp lớn vào ngân sách chi cho quân đội nước này trong xung đột ở Ukraine.
Các nước phương Tây mong muốn đạt được thỏa thuận về mức trần giá trước ngày 5.12, thời điểm lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển có hiệu lực. Tuy nhiên, EU vẫn chưa “chốt hạ” con số cuối cùng do bất đồng giữa các thành viên, và cuộc họp để bàn về vấn đề này đã bị dời từ ngày 25.11 sang tuần sau.
Xem nhanh: Chiến dịch ngày 276, lính Nga nói cứng, NATO có thể biến Ba Lan thành 'vùng xám' với tên lửa Patriot |
Tranh cãi
CNN cho hay một trong các phương án trần giá dầu Nga đang được xem xét trong EU là từ 65 - 70 USD/thùng. Phương án này gây tranh cãi vì mức trần như vậy vẫn cao hơn giá thị trường của dầu thô Nga hiện tại. Những ngày gần đây, giá dầu thô Nga đã giảm xuống chỉ còn 56 USD/thùng, thấp hơn khoảng 28 USD so với giá dầu thô Brent chuẩn, theo S&P Global Commodity Insights.
Một cảng dầu thô ở Nga |
Reuters |
Ba Lan và một số nước Baltic đã vận động áp một mức trần thấp hơn rất nhiều, cụ thể là trong phạm vi 20 - 30 USD/thùng. Warsaw cho rằng một con số trong phạm vi này sẽ gần hơn với chi phí sản xuất dầu thô của Nga, ước tính trong khoảng 20 - 50 USD/thùng.
“Giới hạn giá ở mức tối đa 30 USD/thùng có vẻ là một đề xuất khả thi hơn. Tôi rất biết ơn vì một đề xuất như vậy đã được đưa ra và đang được ủng hộ”, báo The Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 25.11.
EU chia rẽ nội bộ, còn bế tắc về áp giá trần dầu Nga |
Tuy nhiên, một số quốc gia EU có ngành hàng hải nổi trội, đặc biệt là Hy Lạp, Cyprus và Malta, lo lắng rằng việc áp trần giá có thể gây tổn hại cho nền kinh tế của họ. Họ muốn giữ giá càng cao càng tốt, và một số người đã vận động Ủy ban châu Âu đưa ra phương án đền bù để họ có thể ủng hộ chính sách này. Vừa qua, ba nước cùng nhấn mạnh không nên đặt trần giá dưới mức 70 USD/thùng, dù sau đó họ cho thấy khả năng nhượng bộ.
Triển vọng
Reuters ngày 26.11 dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu cho biết hiện hai phe nói trên trong EU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và triển vọng đạt được thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, WSJ cũng dẫn lời hai nhà ngoại giao EU cho biết liên minh có thể đi đến thống nhất nhưng cần thêm thời gian. Một yếu tố có thể thúc đẩy thỏa thuận trần giá trong những ngày tới là cuộc thảo luận về lệnh trừng phạt thứ 9 của EU đối với Nga.
Nga tuyên bố họ sẽ không tuân thủ giá trần và sẽ ngừng giao hàng cho các quốc gia thực thi chính sách này. Một mức trần thấp hơn 50 USD/thùng nhiều khả năng sẽ dẫn đến phản ứng đó, hoặc Nga có thể chặn dòng khí đốt tự nhiên cuối cùng chảy sang châu Âu, theo AP.
Xuất khẩu dầu, khí đốt Nga tăng mạnh |
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24.11 cảnh báo việc áp trần giá dầu Nga có thể gây ra “những hậu quả nghiêm trọng” cho thị trường năng lượng. Nếu mức trần quá thấp thì Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, có thể sẽ cắt giảm sản xuất, qua đó khiến giá dầu thế giới tăng cao.
Trung Quốc và Ấn Độ, những nước đang mua dầu với chiết khấu cao từ Nga, có thể sẽ không đồng ý với chính sách này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể thành lập các công ty bảo hiểm của riêng mình để thay thế các công ty bị tác động bởi chính sách của Mỹ, Anh và EU. Các công ty bảo hiểm là bên không thể thiếu trong hoạt động vận chuyển dầu toàn cầu.
Giao tranh dữ dội ở một số khu vực
Theo cập nhật của tình báo quốc phòng Anh ngày 27.11, lực lượng Nga đã hứng chịu thương vong nặng nề ở tỉnh Donetsk thuộc miền đông Ukraine và khó có thể đạt được đột phá ở đó. Khu vực xung quanh các thị trấn Pavlivka và Vuhledar đã chứng kiến “giao tranh dữ dội” trong hai tuần qua, dù quyền kiểm soát hầu như không thay đổi. Trong khi đó, dân thường Ukraine tiếp tục rời khỏi thành phố Kherson ở miền nam để tránh các cuộc pháo kích của Nga, theo The Guardian.
Bình luận (0)