Theo hãng Reuters, điều khoản ít được công bố trong Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA) khuyến khích các công ty cạnh tranh để tái chế pin EV, nhằm giúp khu vực Bắc Mỹ tăng lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua toàn cầu.
IRA bao gồm điều khoản coi các vật liệu pin EV được tái chế ở Mỹ là sản phẩm do nước này sản xuất để được trợ cấp, bất kể nguồn gốc của chúng. Điều này rất quan trọng vì nó giúp các nhà sản xuất xe điện đủ điều kiện sử dụng vật liệu pin tái chế của Mỹ, và qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện.
Theo nhiều quan chức và chuyên gia trong ngành, chính sách của Mỹ đang dẫn đến sự bùng nổ các nhà máy ở nước này, khuyến khích nghiên cứu nhiều loại pin có thể tái chế hơn. Yếu tố này đã đánh trực tiếp vào đối thủ Trung Quốc.
Trung Quốc thống lĩnh thị trường
Theo công ty nghiên cứu EMR (Anh), Trung Quốc xử lý hầu như tất cả hoạt động tái chế pin EV trong một thị trường toàn cầu được dự đoán sẽ tăng từ 11 tỉ USD (260 nghìn tỉ đồng) vào năm 2022 lên 18 tỉ USD vào năm 2028. Càng nhiều xe điện được ra mắt thì thị trường tái chế sẽ càng bùng nổ.
Hiện năng lực tái chế của Mỹ còn rất thấp, trong khi châu Âu gần như không có chính sách tái sử dụng pin EV. Tại một nhà máy ở tỉnh Poole, miền nam nước Anh, công ty Charles Trent Ltd (Anh) đã xây dựng 2 dây chuyền để tháo dỡ các phương tiện cũ hoặc bị hỏng để tái chế mọi thứ. Công ty này đã tự chế tạo các thùng chứa đặc biệt cho pin EV. Các thùng này được bán cho mục đích nghiên cứu hoặc giao cho các công ty điện khí hóa ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, bởi không có nơi nào để tái chế chúng.
Trong khi ở những nước châu Âu khác, pin EV đang được cắt nhỏ và sau đó chuyển đến Trung Quốc để tái sinh.
Bên cạnh đó, hãng Bloomberg đưa tin Trung Quốc cũng có lợi thế về giá cả khi nước này nắm giữ các nguyên liệu thô chính để sản xuất ô tô không phát thải. Trung Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gali và gecmani, và chiếm 94% sản lượng gali của thế giới, dựa trên thống kê từ Trung tâm theo dõi khoáng sản quan trọng của Anh. 2 kim loại này đặc biệt quan trọng đối với ngành công nghiệp bán dẫn, viễn thông và xe điện. Vào tháng 7, thị trường châu Âu từng chao đảo vì Trung Quốc, nguồn cung lớn nhất của lục địa già, áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu gali và gecmani.
Còn theo tờ South China Morning Post, Các nhà sản xuất pin Trung Quốc, với số lượng gần 50, sẽ có thể sản xuất 4.800 gigawatt giờ (GWh) pin vào năm 2025, gấp 4 lần nhu cầu của các nhà sản xuất xe điện trong nước. 1 GWh pin có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 10.000 ô tô điện. Điều này khả năng cao sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa pin, bởi doanh số bán xe điện tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, dự kiến tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái lên 8,8 triệu chiếc trong năm nay, theo nhà phân tích Paul Gong của ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ).
Cuộc đua bắt đầu
Các chuyên gia đầu ngành chia sẻ với Reuters rằng các yếu tố trên đã thúc đẩy các công ty đẩy nhanh các nỗ lực tái chế pin EV ở Mỹ.
Ông Louie Diaz, Phó chủ tịch công ty tái chế pin Li-Cycle (Canada) đã nhìn thấy tiềm năng của việc tái chế pin EV. Các khoáng chất trong pin EV - chủ yếu là lithium, coban và niken - có giá trị trung bình từ 1.000 euro (26,3 triệu đồng) đến 2.000 euro mỗi xe, có thể bị thiếu hụt trong vài năm tới khi các nhà sản xuất ô tô đẩy mạnh sản xuất xe điện, nhưng pin này "có thể tái chế vô số lần". Ông cho biết khoản tài trợ của Mỹ đã khiến công ty quyết định đầu tư cho nhà máy.
Ông JB Straubel, Tổng giám đốc công ty Redwood Materials (Mỹ) đã được chính phủ Mỹ chấp nhận khoản vay 2 tỉ USD để xây dựng khu phức hợp tái chế và tái sản xuất vật liệu pin ở bang Nevada (Mỹ). Các nguyên liệu tái chế được lấy từ các kho phế liệu ở địa phương thay vì phải khai thác mới từ tự nhiên.
Các công ty tái chế Ascend Elements (Mỹ), Li-Cycle (Canada) và nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lên kế hoạch xây dựng các nhà máy ở châu Âu trong vài năm tới. Tuy nhiên, việc được Mỹ hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn và ưu đãi sản xuất đồng nghĩa các công ty này đã có một số nhà máy ở Mỹ.
Ascend Elements đã có 1 nhà máy tái chế ở bang Georgia (Mỹ) và đã nhận được gần 500 triệu USD tài trợ của Bộ Năng lượng Mỹ theo luật cơ sở hạ tầng cho 1 nhà máy ở bang Kentucky (Mỹ) dự kiến khai trương vào cuối năm 2023.
Trong khi đó, ông Christian Marston, giám đốc công nghệ công ty Altilium Metals (Anh), cho biết cuộc đua để xây dựng "chuỗi cung ứng khép kín", nơi các khoáng chất tái chế được đưa vào pin mới sản xuất trong nước, đã bắt đầu. "Mọi người đều muốn kiểm soát chuỗi cung ứng của mình và không ai muốn phụ thuộc vào Trung Quốc", ông nói.
Bình luận (0)