Theo người Chăm sở tại, Po Klaung Garai là nhân vật có thật trong lịch sử Champa, lúc sinh thời là vị vua anh hùng của họ. Người Chăm có truyền thuyết mang đầy màu sắc thần thoại về cuộc đời và sự nghiệp của vị vua này. Trong quá trình trị vị vương quốc, ông được ca ngợi về tài trí, công lao đánh giặc…, đặc biệt ông có công lao lớn trong việc xây dựng công trình thủy lợi Chaklin (Nha Trinh) giúp dân canh tác nông nghiệp. Sau khi mất, ông được người Chăm thần hóa thành vị thần Po Klaung Garai và được dân chúng thờ phụng tại đền tháp cùng tên ở địa điểm phường Đô Vinh, TP. Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) ngày nay.
Các truyền thuyết của người Chăm cũng như các nhà nghiên cứu hầu hết cho rằng Po Klaung Garai trị vì vương quốc Champa trong giai đoạn từ năm 1151 đến 1205. Tuy nhiên, có hai giả thuyết về việc ai là Po Klaung Garai.
Giả thuyết thứ nhất
Giả thuyết này được PGS-TS Ngô Văn Doanh đưa ra trong cuốn Tháp cổ Champa (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019), cho rằng Po Klaung Garai là vua Suryavarman - làm vua xứ Panduranga (khu vực phía Nam Champa) từ năm 1190 và làm vua toàn vương quốc Champa từ năm 1192 đến năm 1203.
Chắp ghép những tư liệu từ các bia ký Champa còn lại, người ta dựng lên được một phần lịch sử giai đoạn từ giữa thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 14 – một giai đoạn chiến tranh kéo dài giữa Champa và Chân Lạp. Theo đó năm 1177, vua Champa là Jaya Indravarman IV (trị vì 1167 - 1190) đánh chiếm Chân Lạp, bắt được nhiều tù binh đem về Champa, trong đó có một vị hoàng thân Khmer. Năm 1186, vị hoàng thân Khmer này được thả về Chân Lạp để kế nghiệp ngôi vua, tức là vua Jayavarman VII.
Cũng trong khoảng thời gian gần đó, năm 1182, có một vị hoàng thân Champa là Sri Vydianadana, không rõ vì lý do gì, đã sang Chân Lạp sinh sống. Vua Chân lạp Jayavarman VII sau khi lên ngôi bèn kết thân với Vydianadana và còn phong vương cho vị hoàng thân Champa này. Năm 1190, vua Chân Lạp Jayavarman VII sai Vidyanandana đi đánh Champa, ông chiếm được Vijaya, bắt sống Jaya Indravarman IV (vua Champa) mang về Chân Lạp.
Hoàng tử In người Chân Lạp được phong vương tại Vijaya (Bắc Champa), hiệu Surya Jayavarman, hoàng thân Vidyanandana sau đó tự xưng vương tại Panduranga (Nam Champa), hiệu Suryavarman. Champa trở thành một thuộc địa của Chân Lạp. Panduranga và Vijaya là hai tỉnh của đế quốc Angkor.
|
Tuy nhiên nhờ tài trí của mình, chỉ sau 2 năm, Suryavarman thống nhất Champa vào năm 1192 và tách khỏi ảnh hưởng của Chân Lạp.Vua Chân Lạp Jayavarman VII cử binh sang đánh Champa trong hai năm liên tục 1193 và 1194 nhưng bị thất bại.
Đất nước được thái bình cho đến năm 1203 thì Suryavarman bị chú/bác là Yuvaraja on Dhanapati Grama làm phản để soán ngôi.
Giả thuyết thứ hai
Giả thuyết này được TS Nguyễn Văn Huy đưa ra trong cuốn Tìm hiểu cộng đồng Chăm ở Việt Nam (nguồn: www.freewebtown.com), cho rằng Po Klaung Garai là vị vua Jaya Indravarman IV, làm vua Champa từ năm 1167 - 1190.
Theo đó năm 1129, vua Chăm là Harivarman V mất, con nuôi của ông lên nối ngôi, hiệu là Jaya Indravarman III. Năm 1132, Chân Lạp lấy cớ Champa không chịu hợp tác tấn công Đại Việt nên đã tiến đánh Champa. Năm 1145, kinh đô Vijaya bị chiếm, vua Chăm Jaya Indravarman III bị mất tích trên chiến trường. Vua Chân Lạp Suryavarman II tự xưng là hoàng đế của cả Chân Lạp lẫn Champa (giai đoạn 1145 - 1149). Cũng năm 1145, triều thần Champa đưa hoàng thân Parabrahman lên kế vị Jaya Indravarman III, hiệu Rudravarman IV để chống lại thế lực Khmer (Chân Lạp) chiếm đóng. Trong chiến loạn, Rudravarman IV lâm bệnh mất năm 1147, con ông lên thay, hiệu Jaya Harivarman I.
Trên vùng cao nguyên, Jaya Harivarman I được đông đảo người Thượng ủng hộ. Nhà vua tổ chức kháng chiến chiếm lại Panduranga, nhưng lãnh thổ phía Bắc Champa (Vijaya) vẫn còn nằm trong tay người Khmer, do em rể vua Chân Lạp cai trị. Vương quốc Champa bị chia đôi.
Năm 1148, vua Chân Lạp cử binh tấn công Panduranga, nhưng bị quân Champa đánh bại tại khu vực Phan Rang ngày nay. Năm 1149, Jaya Harivarman I dẫn quân đánh chiếm Vijaya, thống nhất lại đất nước. Kinh đô đặt tại Vijaya.
Sau một thời gian ổn định đất nước, từ năm 1160, Champa tìm được lại sự hùng mạnh của quá khứ và giao hảo tốt với các lân bang. Năm 1162, Jaya Harivarman I mất, con ông nối ngôi lấy hiệu Jaya Harivarman II.
Năm 1167, Jaya Harivarman II bị hoàng thân Vatuv Gramapuravijaya soán ngôi, lấy hiệu Jaya Indravarman IV. Vua Jaya Indravarman IV (1151-1205), còn gọi là Po Klong Girai, Po Klong Garai hay Po Klău Girai, là người có công xây đập Chaklin (Nha Trinh) và hai mương dẫn nước (mương Cái và mương Đực) tại Phan Rang để canh tác nông nghiệp. Những việc diễn ra sau đó đã được nói ở phần giả thuyết thứ nhất.
Như vậy, hai giả thuyết ai là Po Klaung Garai đã đưa ra hai nhân vật là hai vị vua kế nhiệm nhau: Jaya Indravarman IV (1167 - 1190) và Suryavarman (1190 – 1203).
Tuy nhiên, xét thêm đến những truyền thuyết của người Chăm thì Po Klaung Garai có nhiều mối liên hệ với vùng Panduranga: công trình thủy lợi nổi tiếng do ông cho xây dựng là tại Panduranga, dân Chăm cũng thờ phụng ông tại một ngôi đền lớn ở Panduranga nên giả thuyết Po Klaung Garai là vua Suryavarman có vẻ hợp lý hơn, bởi vị vua này có giai đoạn là vua xứ Panduranga và lấy đó làm điểm tựa để thống nhất Champa. Còn vua Jaya Indravarman IV thì từ lúc lên ngôi đến khi bị Chân Lạp bắt, đều diễn ra ở Vijaya, chứ không thấy sử liệu nói đến những mối liên quan giữa ông với xứ Panduranga.
Bình luận (0)