Podcast có gì mà xôn xao?

11/12/2021 07:15 GMT+7

Là hình thức kể chuyện khá mới mẻ tại Việt Nam, podcast hiện có cộng đồng sáng tạo và thưởng thức nhất định bởi sức hút riêng của định dạng này.

Podcast (kết hợp giữa iPod và broadcast, một loại hình truyền thông mới mẻ sử dụng giọng nói để truyền đạt thông tin) tuy mới du nhập và phát triển tại Việt Nam nhưng tiềm năng khai thác dồi dào và sự hưởng ứng từ đa dạng đối tượng cho thấy định dạng này đang trở nên phổ biến với người nghe. Bằng chứng là từ giới trẻ đến tên tuổi gạo cội như NSND Bạch Tuyết đều có những podcast với màu sắc của riêng mình.

Niềm riêng hóa tình chung

Vào google gõ chữ podcast, chọn thử chủ đề hay tên nhân vật mà mình nghĩ là phù hợp tâm trạng hiện tại để nghe, bạn sẽ khám phá nhiều điều thú vị.

Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn thử nghe câu chuyện mà podcast Bít tất đi số 90: Bốn bể là văn phòng (vừa ra mắt 8.12) chia sẻ. Ở đó, bạn có thể “nghiệm” ra vấn đề nan giải quen thuộc của mình: muốn đi du lịch thì phải xin nghỉ phép, mà công việc đâu phải muốn nghỉ là nghỉ được ngay; bạn phải xoay trở thế nào trước bài toán tiến thoái lưỡng nan ấy? Workcation - kỳ nghỉ kết hợp làm việc từ xa được tạo ra để giải quyết nhu cầu xê dịch của những tín đồ tham công tiếc việc trong chủ đề trên…

Thư giãn hơn, bạn thử chọn podcast Có những thoáng vô tình của NSND Bạch Tuyết. Nơi này, bạn lần đầu được nghe những tâm tình của cô đào hát với hơn 60 năm gắn bó với nghề, thật gần, như thủ thỉ: “Sài Gòn đang vào mùa mưa, cứ sập chiều là sẽ có mưa như một dự báo không cần phải nghe radio. Dòng người vẫn trôi, dầm mình trong cơn mưa giá lạnh để trở về mái ấm gia đình. Chấp nhận rủi ro, tai nạn để lao ra đời tìm kế sinh nhai… Mối dây “duyên - nghiệp” tự bao giờ lại thấy rõ nhất trong từng mối quan hệ của gia đình. Người ta “nợ” bạn sẽ tìm cách “lao đầu” đến mà để “trả nợ”… Nghĩ theo hướng tích cực thì thấy nó lại thú vị, vì chúng ta còn may mắn đối diện lại một đối tượng mình đã từng gieo ác duyên. Gặp lại để gửi nhau một lời xin lỗi và tha nhau trong kiếp sống này...”.

Mình không thể nói podcast sẽ thay thế những định dạng hiện tại, chỉ có thể nói đó là một kiểu sáng tạo nội dung khác với những gì mọi người đang làm; nó đòi hỏi nhiều ở sự tìm hiểu.

Thùy Minh (Giám đốc nội dung của Vietcetera)

Dù là những bí kíp riêng, nỗi trăn trở của cá nhân, nhưng có lẽ, những trải nghiệm chân thật của người làm podcast dễ dàng chạm được sự đồng cảm của người nghe. Không quá ngắn để lướt vội mà cũng chẳng dài đến nỗi làm mất thời gian của ai, những podcast với muôn vàn chủ đề và hình thức thể hiện khác nhau đang quen dần với công chúng.

Xu hướng của ngành sáng tạo nội dung ?

Podcast, mới nghe có vẻ hao hao báo nói - radio, khi người làm sáng tạo ra các nội dung âm thanh để truyền đạt, chia sẻ thông tin đến người nghe. Song, nó khác radio khi có thể tải và nghe bất cứ lúc nào, chủ đề cũng chuyên biệt với từng nhóm đối tượng… Đặc biệt, như chia sẻ của VJ Thùy Minh, Giám đốc nội dung của Vietcetera (một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực podcast tại Việt Nam, sở hữu nhiều kênh podcast truyền cảm hứng trên Spotify: Have A Sip, Bít Tất, Tóm Lại Là, Vietnam Innovators…), trong Have A Sip với Vũ.: Vứt đàn đi và khóc, podcast không phải dễ nghe, khi nó không cắt dựng quá chi tiết, ai nói chuyện thông minh sẽ thông minh, ai nói hơi ề à thì sẽ là như thế; nếu theo dõi và thích podcast thì thật sự thích chân dung của nhân vật khách mời chứ không phải vì họ là người nổi tiếng.

Một số kênh podcast được yêu thích

Chụp màn hình

Thùy Minh cho biết: “Trong quá trình phỏng vấn những người có kinh nghiệm làm podcast, chúng tôi nhận thấy đây là một “nơi chốn” khá tuyệt cho nội dung. Có 3 câu hỏi lớn mà những người làm podcast luôn phải trả lời là: kiếm tiền từ nền tảng này như thế nào, những format mới hơn là gì, và lúc nào thì phần đông giới trẻ sẽ đón nhận podcast? Tôi nghĩ một chương trình tạo ra được một cộng đồng chia sẻ và truyền cảm hứng làm podcast sẽ trả lời hết những băn khoăn này”. Đó cũng lý do mà Vietcetera đã tổ chức “trại sáng tác” Cast Camp 2021 - sân chơi làm podcast đầu tiên dành cho các nhà sáng tạo nội dung từ 18 tuổi trở lên và đam mê truyền tải câu chuyện của bản thân.

Từ nỗi lo sợ ban đầu là không đủ lượng người tham gia do podcast quá mới ở Việt Nam, cuối cùng sân chơi này thu hút đông đảo các đối tượng. “Đến lúc nhận được khoảng 600, rồi 800 bài dự thi, tôi hiểu rằng, rõ ràng có lượng người quan tâm và có một cộng đồng nhất định hào hứng sản xuất định dạng này”, Thùy Minh nói.

Trở lại với các series podcast hiện nay, có thể thấy hầu hết các nghệ sĩ khi làm podcast thường mang đến những câu chuyện cá nhân, về hành trình trưởng thành trong sự nghiệp, sự thay đổi quan điểm với ngành nghề/cách sống… Song, theo VJ Thùy Minh: “Sẽ cần nhiều hơn những format như vậy. Lâu nay mình thường làm nội dung theo cách có cái gì sẽ bày ra cái nấy, thay vì nghĩ thêm về các lớp lang của một podcast”. Chị cho rằng: “Ngành podcast có đặc điểm chung là sự tối giản. Và vì podcast thuần âm thanh, nên nội dung là điều rất quan trọng. Nó đòi hỏi sự đào sâu, phải có kiến thức. Mình không thể nói podcast sẽ thay thế những định dạng hiện tại, chỉ có thể nói đó là một kiểu sáng tạo nội dung khác với những gì mọi người đang làm; nó đòi hỏi nhiều ở sự tìm hiểu”.

Một số podcast thú vị

Nắng thủy tinh, podcast được thực hiện để đồng hành cùng phim Em và Trịnh, với chất liệu dẫn lối là 301 bức thư tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thương nhớ gửi cho mối tình sâu đậm nhất của đời mình, Ngô Vũ Dao Ánh.

Nằm xuống liu riu, nơi ca sĩ Bích Phương chia sẻ những câu chuyện riêng tư, hát cho mọi người nghe, ru mọi người ngủ…

Chuyện mấy mùa mưa nắng, nơi những nghệ sĩ: Hứa Kim Tuyền, Ái Phương, Orange, Anh Tú… giữ vai trò Radio DJ chia sẻ trải nghiệm của bản thân trong những ngày nhịp sống đã bớt vội vã.

Trạm Radio, nơi ấp ủ những tâm hồn văn chương.

Amateur Psychology, podcast về tâm lý học con người của host Nguyễn Đoàn Minh Thư

Các kênh podcast của Vietcetera: Have A Sip - trò chuyện cùng những người làm nghệ thuật/người làm công việc sáng tạo, Vietnam Innovators - đối thoại với những chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh, Bít Tất - “mổ xẻ” những vấn đề không của riêng ai…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.