Pokemon - các thế lực phản diện qua từng thời kỳ

30/11/2013 11:00 GMT+7

Loạt game Pokemon không chỉ thu hút ở những quái vật Pokemon cực kỳ đa dạng, mà còn ẩn chứa những cốt truyện rất hấp dẫn, xoay quanh những thế lực phản diện chính trong các phiên bản game.

Một đồng xu luôn có 2 mặt, cũng như ánh sáng luôn đi kèm với bóng tối. Dù là truyện, phim hay game, đã có phe chính diện tất phải có phản diện. Nội xét đoán theo cách gọi, hẳn ai cũng muốn ủng hộ phe chính, và chống lại phe phản – vì xét cho cùng, “nhân chi sơ, tính bổn thiện” mà. 

Tuy vậy, liệu có phải lúc nào nhân vật phản diện cũng độc ác xấu xa hay không ? Mỗi hành động của một con người đều có những lý do ẩn giấu sau đó, và việc xét đoán một người chỉ qua hành động của người đó có phần thành kiến và thiếu sáng suốt.

Pokemon - Các thế lực phản diện qua từng thời kỳ 

(Ảnh: Collider)

Bài viết sau đây sẽ đi sâu vào phân tích về những thế lực phản diện trong loạt game huyền thoại Pokemon qua từng thời kỳ, để tỉm hiểu xem thật sự “phản diện” có luôn bao hàm những ý nghĩa xấu xa, tiêu cực hay không.

 

Thế hệ 1: Các game Pokemon red/green/bluePokemon yellow

Team Rocket

Theo một bình chọn gần đây, Team Rocket được bầu là tổ chức tội phạm mạnh nhất trong Pokemon, với đường lối hoạt động chặt chẽ và thực dụng nhất. Thật vậy, Team Rocket mang hơi hướm của 1 tổ chức mafia lợi dụng Pokemon để phục vụ mưu đồ cho mình hơn là những kẻ tự xưng là “Đấng cứu thế” hay “cải tạo thế giới” gì gì đó.

 Pokemon - Các thế lực phản diện qua từng thời kỳ

(Ảnh: Bulbagarden)

Nhắc đến Team Rocket mà không nói về người sáng lập và điều hành Giovanni là một thiếu sót lớn. Trong xuyên suốt game cũng như truyện tranh, Giovanni được thể hiện như là một ông trùm thật sự, với thế lực to lớn và tiềm lực tài chính hùng hậu. Bản thân Giovanni chính là thủ lĩnh Gym thứ 8 của Kanto, nhiêu đó cũng đủ nói lên sự mạnh mẽ của nhân vật này. Tuy vậy, Giovanni đã thể hiện rất rõ phong độ bề trên của mình khi nhiều lần giúp Red vượt qua khó khăn, thậm chí đích thân xuất hiện đối đầu với Tứ Đại Thiên Vương khi nhóm này muốn thôn tính Kanto, mà theo lời Giovanni là “chẳng phải ta muốn giúp phe chính nghĩa các cậu, mà ta không chấp nhận lãnh địa của mình bị bọn chúng hớt tay trên thôi.” 

Giovanni xứng đáng được bình chọn là “Nhân vật phản diện xuất sắc nhất”, dù xét theo sức mạnh, thế lực, trí tuệ hay phong thái. 

 

Thế hệ 2: Các game Pokemon gold/silverPokemon crystal

Team Rocket

  Pokemon - Các thế lực phản diện qua từng thời kỳ

(Ảnh: Tumblr)

Có lẽ trong lịch sử của Pokemon, Team Rocket là nhóm tội phạm xuất hiện với tần suất nhiều nhất – ngay cả trong phiên bản Gold/Silver vốn được bình chọn là hay nhất của dòng game này. 

Đáng tiếc thay lần thứ 2 này Team Rocket trỗi dậy thiếu vắng sự lãnh đạo của Giovanni, cho nên về quy mô hay độ nguy hiểm của âm mưu đều chỉ tầm thường. Theo như trong truyện thì sau khi Giovanni bị Red đánh bại và mất tích, Team Rocket rơi vào tay một nhân vật giấu mặt và hàng loạt chỉ thị nghiên cứu các thí nghiệm ác độc trên các Pokemon đều được thực hiện trong thời gian này. 

Một số fan hâm mộ đã viết lại một bản hack cho phiên bản Soul Silver/ Heart Gold trên hệ Nintendo DS, cho Giovanni trở lại sau khi người chơi đột phá Radio Tower, và sức mạnh của Giovanni lúc đó còn xếp trên cả Lance của E4. Quả thật dù là phe phản diện, nhưng sức mạnh và phong cách của Giovanni đã để lại ấn tượng rất sâu sắc trong lòng người chơi và thu hút một lượng fan đông đảo. 

 

Thế hệ 3: Các game Pokemon ruby/sapphirePokemon emerald

Team Aqua + Team Magma 

 Pokemon - Các thế lực phản diện qua từng thời kỳ

Team Aqua (Ảnh: Pokezam)

Nếu so với Team Rocket thì cả hai thế lực phản diện của thế hệ thứ 3 thật sự đáng thất vọng. Chúng chỉ đơn thuần là 2 băng nhóm tội phạm muốn hất cẳng nhau bằng cách hồi sinh 2 vị linh thần : Kyogre, Pokemon đã tạo ra các đại dương và Groundon, Pokemon đã tạo ra các lục địa. 

 Pokemon - Các thế lực phản diện qua từng thời kỳ

Team Magma (Ảnh: Pokezam)

Cách làm việc cũng như phương châm hoạt động của Team Aqua/ Magma thật sự chỉ nằm trong phạm vi suy nghĩ của những tên tội phạm tầm thường, do đó có thể nói việc người chơi đập tan 2 tổ chức tội phạm này là khá dễ dàng và cũng không mang nhiều triết lý cho lắm.

 

Thế hệ 3: Các game Pokemon diamond/pearlPokemon platinum

Team Galactic

 Pokemon - Các thế lực phản diện qua từng thời kỳ

(Ảnh: Fanpop)

“Nếu ta không thể thay đổi được hiện thực thì chi bằng hãy phá hủy tất cả rồi sáng tạo lại một vũ trụ mới.” Đây có lẽ là phương châm “bá đạo” nhất của các thế lực tội phạm tính tới thời điểm này, và Cyrus của Team Galactic đã chứng minh triệt để bằng hành động. 

Bằng trăm phương ngàn kế, Cyrus tìm cách hồi sinh 2 vị linh thần điều khiển Không gian – Thời gian Palkia và Dalgia, thậm chí là trong phiên bản Pokemon platinum, cả vị ma thần đang say ngủ trong không gian ảo Giratina, Cyrus cũng không bỏ qua. 

Rõ ràng Team Galactic với phương châm tái tạo thế giới như thế kia thì việc chúng dùng bạo lực để đàn áp những ai chống đối cũng có thể hiểu được. Ngoài những cái tên rất kêu như Mars, Jupiter…, các thủ lĩnh của Team Galactic cũng có khí khái và sức mạnh kha khá, đủ để so kè với những thủ lĩnh của Team Rocket như Lt.Surge, Koga hay Sabrina. 

Nếu bàn về độ táo bạo và mạnh tay thì có lẽ Team Galactic sẽ đứng đầu. 

 

Thế hệ 5: Game Pokemon black/whitePokemon black/white 2

Team Plasma

 Pokemon - Các thế lực phản diện qua từng thời kỳ

(Ảnh: Gengame)

Pokemon chứng tỏ cho chúng ta thấy, là dù trong giới tội phạm thì các hình thức nhằm thống trị thế giới cũng ngày càng phát triển tinh vi hơn. Team Rocket là điển hình của dạng tội phạm kiểu gia tộc, chuyên cài cắm người trong các tổ chức và chú trọng nghiên cứu khoa học để tìm ra sức mạnh. Team Aqua / Magma là kiểu “lưu manh chợ búa” điển hình. Team Galactic chọn phương châm sức mạnh là tất cả, ai ý kiến “đấm phát chết luôn”. Trong khi đó, Team Plasma trong thế hệ thứ 5 lại chọn một phương pháp nhẹ nhàng mà hiệu quả hơn rất nhiều lần: Tôn giáo. 

Thông qua các giáo điều tâm linh cùng phong cách thần bí của mình, Team Plasma đã dùng quân bài giáo phái để chiêu mộ thêm binh lực, đồng thời cũng khiến người dân dễ chấp nhận hơn những việc làm nhân danh tôn giáo của chúng. Còn gì thuận tiện hơn khi đi rêu rao chiêu bài con người hãy phóng thích Pokemon về với thiên nhiên, trong khi lại thâu tóm số Pokemon đó về cho mình? Đây thật sự là 1 nước cờ thông mình – và còn gì tinh quái hơn là đưa  N, một đứa bé với sức mạnh siêu nhiên, lên làm thủ lĩnh bù nhìn? 

Đáng tiếc thay, tên “đầu têu” Ghetsis tuy có đầu tư nhiều về âm mưu và cũng giỏi ẩn nhẫn chờ thời cơ,  nhưng sức mạnh của hắn thì lại quá tệ. Việc hắn quá chủ quan tin rằng mình hoàn toàn khống chế được N và các linh thần Zekrom/ Reshiram cũng chứng tỏ sự nông cạn và tự mãn của Ghetsis, để rồi cuối cùng dẫn đến sự thất bại cay đắng.

 

Thế hệ 6 (mới nhất): Game Pokemon X/Y

Team Flare

 Pokemon - Các thế lực phản diện qua từng thời kỳ

(Ảnh: Pokemonxy)

Bản thân người viết rất thích nhân vật phản diện của thế hệ thứ 6, Lysandre. Nếu chỉ xét về bề ngoài và cách hành động, có thể xem Lysandre là một Giovanni thứ 2, khi bản thân Lysandre với vỏ bọc là Chủ tịch tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới, mặt khác, lại là lãnh đạo Team Flare, một nhóm cực đoan cho rằng chỉ có những người được chọn mới có quyền sống, còn những kẻ khác góp phần làm Trái đất thối nát thì nên… chết hết đi. 

Bản thân Lysandre không hề là một ngưởi xấu, nhưng chỉ vì bản thân quá tài giỏi mà lại bất lực trước những mặt trái tiêu cực của thế giới, dẫn đến sự biến chuyển trong tâm lý và nung nấu ước muốn thanh tẩy thế giới. Cách nghĩ của Lysandre không sai – nếu con người và Pokemon có thể chung sống hòa bình và chung tay xây dựng thế giới thì còn gì tốt đẹp hơn – nhưng cách làm của ông ta lại quá tiêu cực “sống trong hòa bình quá lâu sẽ khiến con người ta trụy lạc và bắt đầu làm những trò xấu xa để tiêu khiển”. 

Chưa có một nhân vật phản diện nào mà lại toàn tâm toàn ý vì lý tưởng của mình như Lysandre. Khi bị thuộc hạ bỏ rơi, Lysandre vẫn ở lại một mình và chiến đấu cho lý tưởng của mình – mặc dù trong thâm tâm Lysandre vẫn mong rằng có người sẽ ngăn mình lại. Đỉnh điểm của cốt truyện là khi Lysandre sau khi bại trận đã dặn người chơi bỏ trốn thật nhanh, còn mình ở lại kích nổ vũ khí tối thượng và chết cùng với nó – chôn chặt trong đất sâu một thủ lĩnh kiêu hùng cùng một ước mơ đẹp nhưng đã nhuốm quá nhiều tang thương. 

 

Kết

Pokemon - Các thế lực phản diện qua từng thời kỳ

Mỗi một con người đều có hai bản thể Thiện và Ác ẩn giấu sâu trong lòng mình. Tuy vậy, thiện hay ác, tốt hay xấu, tùy thời tùy lúc mà thay đổi. Vì xét cho cùng, đó cũng chỉ là cách mà thế nhân dùng để đánh giá vấn đề. Còn bản thân mình, nếu tự cho rằng việc mình làm là đúng – thì tại sao không phóng tay mà làm cho thỏa, để không hối hận về sau? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.