Đột phá trong chuyển đổi số
Từ đầu năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chỉ đạo "Xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị; ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị".
Đối với ngành xây dựng, việc ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM), tích hợp BIM trên nền tảng hệ thống GIS 3D, từ đó phát triển các ứng dụng thực tế ảo (VR/AR/MR), mô hình ảo - là bản sao song sinh kỹ thuật số của thế giới vật lý thực (Digital Twin), các mô phỏng trên mô hình số... đã trở thành một xu thế không thể khác.
Mục đích của chuyển đổi số nhằm quản lý không gian lãnh thổ, quản lý quy hoạch, cơ sở hạ tầng (đô thị, giao thông, khu công nghiệp, đầu mối logistics…)… đồng thời hướng đến phát triển đô thị thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh, quốc gia thông minh. Không chỉ thế, chuyển đổi số còn hướng đến quản lý tất cả các dạng thiên tai, đặc biệt là lũ lụt và sạt lở đất.
Công ty CP tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (Portcoast) là công ty tư nhân hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn cảng biển, hàng hải và đường thủy nội địa. Đây cũng là đơn vị tư vấn duy nhất tại VN được Bộ KH-CN công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ về ứng dụng công nghệ trong khảo sát thiết kế. Từ nhiều năm trước, doanh nghiệp này đã ứng dụng các công nghệ hiện đại như laser scan, lidar, photogrametry… để xây dựng mô hình số hiện trạng, áp dụng mô hình BIM cho các công trình, dự án xây dựng. Đặc biệt việc kết hợp mô hình thông tin công trình trên nền tảng GIS đã được Portcoast áp dụng cho các dự án tại Ai Cập, UAE, Pakistan, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và rất nhiều dự án trải khắp VN.
Portcoast thường xuyên được mời tham gia các hội nghị quốc tế được tổ chức bởi các công ty công nghệ như Esri, Autodesk và Trimble để trình bày công nghệ của mình, qua đó củng cố thêm vị thế dẫn đầu của Portcoast trong ngành. Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong khảo sát, thiết kế của Portcoast được đăng trên các tạp chí của những tổ chức uy tín như PIANC, Hexagon… Sự ghi nhận trên các phương tiện truyền thông chính thống là bằng chứng cho những đột phá của Portcoast và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của những đóng góp của Portcoast như những nhà tư vấn tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Quản lý đô thị thông minh và cả phòng chống thiên tai
Số hóa dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một trong những công trình tiêu biểu trong quản lý đô thị thông minh và đây cũng là công trình hạ tầng đô thị đầu tiên của TP.HCM thực hiện mô hình số hóa ngang tầm với thế giới.
Việc số hóa này đã được Portcoast thực hiện ngay sau lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1) và Portcoast cách nay 3 tháng (ngày 5.7.2024). Hai đơn vị phối hợp khảo sát, xây dựng mô hình số các nhà ga, đường hầm, depot... của tuyến metro số 1, trong đó có 3 nhà ga ngầm và các nhà ga trên cao. Mô hình số đảm bảo phản ánh đúng 1:1 công trình thực tế cả về kích thước, thông tin, vị trí, độ sâu.
Ngoài ra, theo kế hoạch, HURC1 và Portcoast còn hướng đến việc gắn thiết bị cảm biến trên công trình tuyến metro và các toa tàu, để quan trắc về nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, chất lượng không khí… của tuyến metro. Tất cả các thông tin quan trắc sẽ được tự động chuyển đến trung tâm quản lý vận hành, tích hợp vào mô hình số công trình, để theo dõi, kịp thời có những điều chỉnh trong quá trình khai thác.
Tổng giám đốc Portcoast Phạm Anh Tuấn cho biết công ty đang sở hữu nhiều thiết bị hiện đại song hành cùng thế giới để thực hiện mô hình số hóa này. Ông nhận định: Việc phát triển hệ thống quản lý theo hướng áp dụng BIM, GIS trong lĩnh vực vận hành, khai thác và bảo trì công trình, thiết bị của tuyến đường sắt đô thị sẽ giúp tối ưu hóa công tác vận hành, khai thác và đặc biệt là việc bảo trì, quản lý "sức khỏe" công trình.
Ngoài ra, số hóa còn giúp dự phòng tất cả các rủi ro có thể xảy ra qua việc mô phỏng, đưa ra các kịch bản để xử lý, bởi mô hình BIM thực chất là quản lý toàn bộ vòng đời của dự án. Bên cạnh BIM còn có việc tích hợp trên nền tảng GIS để sau này kết hợp tuyến metro số 1 với các tuyến metro khác cũng như với quy hoạch đô thị, quy hoạch không gian ngầm TP.HCM…, tiến tới xây dựng thành phố thông minh đúng nghĩa.
Một lĩnh vực khác mà thiết bị công nghệ số có thể hỗ trợ đắc lực cho các nhà quản lý, đó là phòng chống thiên tai, đặc biệt là ở những khu vực có địa lý và môi trường đa dạng như VN. Sự phát triển hiện đại của hệ thống GIS kết hợp với tàu không người lái (USV), máy bay không người lái (UAV) gắn các thiết bị kỹ thuật như photogrammetry hoặc LIDAR, cung cấp các giải pháp mạnh mẽ để hiểu, mô phỏng và giảm thiểu tác động của thiên tai. Một trong những công cụ nổi bật trong lĩnh vực này là ArcGIS - nền tảng cho phép hiển thị và phân tích dữ liệu 3D theo thời gian thực để mô phỏng các kịch bản lũ lụt chính xác và giúp các nhà hoạch định đưa ra quyết định sáng suốt.
Theo Chủ tịch HĐQT Portcoast Trần Tấn Phúc, dữ liệu từ UAV, USV và hệ thống LIDAR được thu thập, được thể hiện trên nền tảng ArcGIS, không chỉ ứng dụng cho quản lý không gian lãnh thổ mà còn cực kỳ hữu dụng trong mô phỏng các kịch bản lũ lụt khác nhau, từ đó xây dựng các kịch bản quy hoạch và ứng phó.
Hơn nữa, việc tích hợp BIM với ArcGIS cho phép mô phỏng các dự án cơ sở hạ tầng mới trong các khu vực dễ bị ngập lụt. Sự tích hợp này rất cần thiết để đảm bảo các dự án mới được thiết kế với tính bền vững và khả năng chống chịu trước thiên tai trong tương lai.
Bình luận (0)