Cây xanh, đầm lầy giữa phố
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến Putrajaya đó là rất nhiều mảng xanh hiện diện trong thành phố: cây xanh và hoa dọc hai bên đường, cây xanh bao quanh các tòa nhà, trong công viên, trung tâm thương mại… Nói theo lời anh bạn người Malaysia - Darcy Liew khi giới thiệu với chúng tôi về Putrajaya thì đây là “City in jungle” (tạm dịch: thành phố trong rừng). Bởi lẽ khi quy hoạch và xây dựng thành phố vào năm 1995, giới chức Malaysia đã dành gần 40% diện tích của khu vực cho các mảng xanh cũng như hướng đến thiên nhiên thông qua những công trình như sông, hồ nhân tạo, các khu vườn, công viên… xen kẽ giữa các cụm dân cư.
Tác giả (trái) với người trông coi thánh đường Masjid Putra |
Có lẽ rút kinh nghiệm từ những thành phố láng giềng trong khu vực Đông Nam Á bị quá tải khi dân cư tăng nhanh, dẫn tới kẹt xe, ô nhiễm, như Jakarta (Indonesia) hay Bangkok (Thái Lan) và cũng đoán trước tương lai đông đúc của Kuala Lumpur mà ngay từ những năm 80 thế kỷ trước, Chính phủ Malaysia đã chú trọng tới việc xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp, thông thoáng hơn để dần thay thế cho thủ đô hiện tại. Và Putrajaya bắt đầu được thành hình từ năm 1995, để rồi từ năm 1999 đến 2005, hàng trăm quan chức, nhân viên chính phủ thuộc văn phòng thủ tướng và nhiều bộ, ngành Malaysia lần lượt chuyển đến trung tâm hành chính mới để giảm áp lực cho thủ đô Kuala Lumpur vốn đang trở nên đông đúc, nhiều bụi khói, và hiện chỉ còn là trung tâm kinh tế - tài chính.
Một điểm nhấn nữa của Putrajaya chính là hệ thống cầu treo độc đáo bắc ngang các con sông và hồ nhân tạo chảy quanh thành phố. Đó là cầu Seri Wawasan dài 240m, được thiết kế theo dáng thuyền buồm với kết cấu dây văng có khung thép gia cố. Sự hào nhoáng cộng với hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng công trình này về đêm. Hay cầu Putra với tổng chiều dài 435m gồm 5 nhịp là chiếc cầu hai tầng đầu tiên tại Malaysia được xây dựng theo kiến trúc của chiếc cầu Khaju nổi tiếng ở Isfahan (Iran). Rồi cầu Seri Perdana dài 370m, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Hồi giáo Moorish, trên cầu có 8 bãi đỗ xe tại 8 trụ cầu hình tháp giúp du khách có nhiều thời gian ngắm toàn cảnh trung tâm Putrajaya từ trên cao…
Đặc biệt hơn, ngay giữa thành phố còn có khu sinh thái Taman Wetland với tổng diện tích gần 3,35 km2, gồm 12 công viên, 24 đầm lầy, rừng ngập nước… với nhiều loài chim sinh sống. Chưa kể cách đó không xa là khu rừng quốc gia Taman Botani rộng khoảng 93 ha được thiết kế theo kiến trúc Hy Lạp, hội tụ 700 loài cây có nguồn gốc từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Hai “viên ngọc” quý
Đó là sự ví von mà nhiều du khách dành cho 2 thánh đường Hồi giáo: Masjid Putra và Masjid Besi (tên theo tiếng Malay) của Putrajaya.
Đứng trước Masjid Putra, nhiều người cứ ngỡ như lạc vào câu chuyện Nghìn lẻ một đêm giữa không gian kiến trúc của dòng Hồi giáo Trung Á khi giáo đường được xây dựng bằng đá granite với những mái vòm dạng củ hành truyền thống lấp lánh ánh hồng cùng những kiểu trang trí và họa tiết tinh xảo trên các bức tường, các khuôn cửa... Tất cả tạo nên vẻ nguy nga và uy nghi cho “viên ngọc” vốn tọa lạc gần tòa nhà Quốc hội và Văn phòng Thủ tướng. Khi chúng tôi đến Masjid Putra cũng là lúc có một đoàn khách châu u đến tham quan. Nhiều người trong số đó không ngừng xuýt xoa và tranh thủ bấm máy ảnh trước cảnh đẹp tuyệt mỹ trước mắt.
Cô bạn “thổ công” Ainie Ibrahim đi cùng nhóm chúng tôi chỉ tay lên 5 ngọn tháp nổi bật trên nền trời xanh, nói rằng chúng tượng trưng cho 5 thế lực trụ cột của Hồi giáo với tháp chính cao 116m, được thiết kế theo phong cách kiến trúc của thánh đường Sheikh Omar ở Baghdad (Iraq). Cô cũng cho biết Masjid Putra có sức chứa đến 15.000 người, được xây dựng chỉ trong 2 năm (1997-1999). Đáng chú ý, hầu hết khách tham quan nữ đều phải mượn áo choàng tím để khoác lên người cho “lịch sự” theo quy định trước lúc bước chân vào bên trong thánh đường. Khách nam tuy không phải mặc áo choàng nhưng cũng được yêu cầu không mặc áo thun hay quần short ngắn, và tất cả phải bỏ giày dép bên ngoài để giữ sự tôn nghiêm.
Cầu treo bắc ngang hồ nhân tạo Putrajaya gần Iron Mosque - Ảnh: V.Anh |
Nếu đã choáng ngợp trước vẻ nguy nga của Masjid Putra thì khi đến Masjid Besi, du khách sẽ càng kinh ngạc hơn bởi thánh đường này rộng gần gấp đôi Masjid Putra và vẫn còn mới tinh do vừa khánh thành hồi năm 2009 sau gần 5 năm xây dựng. Đặc biệt, tên gọi Masjid Besi chuyển sang tiếng Anh có nghĩa là Iron Mosque (tạm dịch: Thánh đường sắt). Sở dĩ người ta nhớ tới cái tên này nhiều hơn tên chính thức của thánh đường - Tuanku Mizan Zainal Abidin Mosque (được lấy theo tên quốc vương đương nhiệm - PV) là do gần 70% tòa nhà được thiết kế hoàn toàn bằng loại thép không gỉ đặc biệt, tạo nên vẻ đẹp giản dị, trong suốt và thông thoáng theo như ý đồ của các kiến trúc sư. Một nét độc đáo nữa là hầu hết các khung cửa của thánh đường đều được làm bằng kính trong suốt, kết hợp với bể nước nhân tạo được thiết kế ngay bên trong tòa nhà, góp phần điều tiết nắng, gió như một “máy điều hòa tự nhiên” để làm mát không gian bên trong.
Đến tham quan Iron Mosque giữa trưa nắng gắt, song chúng tôi và những du khách khác đều không cảm thấy nóng bức, mà hầu hết đều thấy thư thái khi dừng chân bên góc thánh đường với bể nước nhân tạo, phóng tầm mắt nhìn về phía hồ nhân tạo Putrajaya với chiếc cầu treo gần đó để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của “thành phố trong rừng” từ trên cao. Giữa bầu trời xanh lộng gió, hơn lúc nào hết, Putrajaya hiện ra đầy quyến rũ như một nàng công chúa đang ngủ trong rừng, trên mình ôm hai viên ngọc quý - “viên ngọc” Masjid Putra quyến rũ với vẻ đẹp cổ kính, truyền thống như trong câu chuyện Nghìn lẻ một đêm và “viên ngọc” Masjid Besi (Iron Mosque) như một tuyệt tác kết hợp giữa nét đẹp truyền thống với hiện đại. Dường như khi dựng nên Putrajaya, người Malaysia muốn gửi gắm thông điệp: Hãy trân trọng quá khứ khi thẳng tiến tới tương lai.
Được khởi công từ tháng 8.1995, Putrajaya là dự án lớn nhất Malaysia và là một trong những dự án lớn nhất Đông Nam Á với giá trị ước tính khoảng 8,1 tỉ USD. Ý tưởng thực hiện dự án là của cựu thủ tướng Tun Dr Mahathir Mohammad; toàn bộ công trình do các công ty nội địa thực hiện và chỉ nhập khẩu khoảng 10% vật liệu. Do cuộc khủng hoảng kinh tế - tiền tệ năm 1997 mà công trình bị gián đoạn, đến năm 2000 mới tiếp tục và đến nay vẫn đang được hoàn thiện. Năm 2001, Putrajaya được công nhận là lãnh thổ liên bang. Năm 2007, dân số thành phố ước khoảng 30.000, chủ yếu là các viên chức chính phủ. Cùng với Putrajaya, Chính phủ Malaysia còn tham vọng xây dựng Cyberjaya, thành phố ở phía tây Putrajaya, trở thành “Thung lũng silicon” của nước này, tạo nên một “siêu hành lang truyền thông đa phương tiện” với những “thành phố thông minh” trong tương lai. Putrajaya được lấy theo tên của vị thủ tướng đầu tiên của Malaysia: Tunku Abdul Rahman Putra và từ “jaya” ở phía sau theo tiếng Sankrit có nghĩa là “chiến công”. |
Vân Anh
Bình luận (0)