QH thảo luận bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi): 'Dân đã kiện thì tòa phải xử'

24/05/2015 06:23 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, một số quy định mới trong dự thảo bộ luật Tố tụng dân sự vẫn thiếu cụ thể, chi tiết... nên chính nó lại đầy rủi ro.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, một số quy định mới trong dự thảo bộ luật Tố tụng dân sự vẫn thiếu cụ thể, chi tiết... nên chính nó lại đầy rủi ro.

 
QH thảo luận bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi): 'Dân đã kiện thì tòa phải xử'Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát biểu tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: ngọc thắng

Thảo luận tại phiên họp tổ về dự thảo bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) sửa đổi sáng 23.5, mặc dù ghi nhận, đồng tình việc ban soạn thảo bổ sung nhiều quy định mới bảo vệ quyền của công dân theo Hiến pháp, nhưng nhiều đại biểu (ĐB) vẫn băn khoăn.
Đừng để xã hội ứng xử bằng luật rừng
Dân đã kiện thì tòa
phải xử. Nếu không có luật thì chúng ta vận dụng tương tự và vận dụng theo lẽ phải
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình
Một trong những quy định tại dự thảo Bộ luật TTDS (sửa đổi) được thảo luận nhiều nhất là khoản 2, điều 4, quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), đây là quy định rất cần thiết, có lợi cho người dân. “Nghe thì đơn giản thế nhưng lâu nay, nhiều người dân khi có việc kiện đến tòa là nhờ cậy công lý nhưng tòa cứ trả lại là không đúng. Bây giờ, có quy định này, bất cứ vụ việc nào dân kiện thì có luật phải xử theo luật, không có luật thì theo thỏa thuận hai bên, nếu không thỏa thuận được thì xử lý theo nguyên tắc tương tự, theo án lệ... để cho dân quyền kiện bất cứ việc gì”, ông Thuyền nói.
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đồng tình: “Quy định này lẽ đương nhiên phải có vì về lý, bất cứ quyền, lợi ích nào của dân, pháp luật đương nhiên phải bảo vệ”.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ông Đỗ Kim Tuyến (ĐB Hà Nội) tuy đồng tình có quy định trên nhưng ông tỏ ý e ngại khi hiện nay, VN chưa áp dụng án lệ nhiều và “không phải tất cả các quốc gia đều có án lệ”. ĐB Đặng Thuần Phong góp thêm: “Trước nay, xử ở cấp trên toàn hủy án, phá án nên ít có án lệ. Án lệ mà có, áp dụng là tốt nhưng cơ sở phải chặt chẽ, làm sao có nguồn án lệ, phải tính trong hệ thống”. Chánh án TAND tỉnh Bến Tre, bà Trịnh Thị Thanh Bình cũng đồng tình, không có luật, xử theo án lệ. “QH cần giao cho TAND tối cao xác định tiêu chí thế nào là án lệ. Áp dụng án lệ sẽ càng giúp mở rộng quyền của người dân thôi”, ĐB Bình nói.
Đề xuất chủ tịch huyện có thẩm quyền công bố dịch
Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn. Đây là đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đưa ra tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Thú y. Trình bày báo cáo trước QH hôm qua 23.5, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường của QH, cho biết đa số ý kiến tán thành thẩm quyền công bố dịch động vật trên cạn ở địa phương nên phân cấp đến chủ tịch UBND cấp huyện. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị chỉ nên phân cấp đến chủ tịch UBND cấp tỉnh như quy định của pháp lệnh Thú y hiện hành.
Ủy ban TVQH cho biết hiện tại, thẩm quyền công bố dịch tại địa phương được giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh nhưng thực tiễn cho thấy việc thực thi có nhiều bất cập như không rõ trách nhiệm chính quyền huyện, xã với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; việc công bố dịch có thời điểm chưa kịp thời, có tình trạng “giấu dịch”, “chậm công bố dịch”... Hơn nữa, việc quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch dễ tạo tâm lý toàn tỉnh đó có dịch bệnh, gây nhiều tác động bất lợi.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) có ý kiến khác: “Nếu pháp luật không có quy định thì cũng không để tòa án muốn làm gì thì làm. Nên bỏ khoản 2 điều 4 đi”. “Nói không có luật để mà chúng ta xử thì tôi không đồng ý bởi nó trái với nguyên tắc của nhà nước ta được quy định trong Hiến pháp, trái ngay với nguyên tắc trong hoạt động của tòa án. Pháp chế đòi hỏi cũng phải có luật đã rồi mới được làm theo luật”, ĐB Khánh lập luận. “Không nên nói là không có luật. Bây giờ, quy trình làm luật của chúng ta cũng nhanh, khi phát hiện ra thiếu hay cần sửa, bổ sung, ta đưa vào quy trình để 1 - 2 kỳ họp là ta quyết được ngay, khó gì đâu?”, ĐB Khánh nói thêm. Nhưng Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình thuyết phục: “Thực tế đời sống xã hội muôn hình muôn vẻ, quy định của pháp luật không bao giờ theo kịp. Điều chỉnh các quan hệ dân sự có khi quy định 5.000 điều không hết. Để cho tòa nhàn thì những điều không có trong luật họ từ chối xét xử. Đó là cách để xã hội ứng xử bằng luật rừng. Cái này rất nguy hiểm nên cần đưa nguyên tắc mới này vào”.
“Dân đã kiện thì tòa phải xử. Nếu không có luật thì chúng ta vận dụng tương tự và vận dụng theo lẽ phải”, ĐB Bình nêu ý kiến.
Lo ngại bỏ vai trò của Viện Kiểm sát
Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, trong nhiều năm qua, sự tham gia của Viện KSND trong các tòa án dân sự là vô cùng cần thiết, có tác dụng kiểm soát quyền lực của tòa án, giảm oan sai. Nhưng việc dự thảo bộ luật TTDS lần này lại thu hẹp quy định trên, chỉ để Viện Kiểm sát tham gia các phiên tòa xử liên quan đến tài sản công, người khuyết tật theo ông là “không đầy đủ và rất đáng lo ngại”. “Ban soạn thảo giải thích là ảnh hưởng đến tâm lý xét xử là không hợp lý. Chúng ta đừng sợ cái này. Dân người ta có tranh chấp không tự giải quyết được họ mới đến tòa, nhất là những vụ tranh chấp về tài sản, đất đai... Nếu không có đại diện Viện Kiểm sát rất không ổn”, ĐB Thuyền góp ý.
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết điều 21 trong bộ luật TTDS hiện hành là để đại diện viện kiểm sát phải tham gia những vụ án do tòa thu thập chứng cứ, các vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai nhà cửa, tranh chấp liên quan đến tài sản công, lợi ích công, đương sự là người có nhược điểm về thể chất tâm thần. Phương án 1 trong bộ luật TTDS (sửa đổi) lần này tính bỏ ra những vụ án do tòa thu thập chứng cứ và những vụ án liên quan đến đất đai nhà cửa. “Nhưng thực tế 70% các vụ án dân sự hiện nay là đất đai, phức tạp cũng là những vụ án này. Nếu bỏ ra thì những rủi ro trong vụ án này là rất cao”, ông Bình nói. Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết thêm: “Những vụ án tòa thu thập chứng cứ, tòa với viện kiểm sát xét cho cùng cũng là đại diện cho quyền lực công, là một cơ quan nhà nước. Đã có sự tham gia của quyền lực công ở trong này thì khi quyền lực phát sinh phải có kiểm sát quyền lực, nguyên tắc của Hiến pháp là thế. Tòa thu thập chứng cứ có khách quan, toàn diện hay không thì phải có sự kiểm sát”.
Một số ĐB khác e ngại những quy định như áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể vi phạm quyền lợi chính đáng của công dân, dễ bị lạm dụng nhất là khi chưa có việc khởi kiện. ĐB Trịnh Thị Thanh Bình cảnh báo đó là quy định “phiêu lưu” và có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý phức tạp. Hay việc quy định các vụ hòa giải cũng phải ra tòa theo một số ĐBQH là “cứng nhắc”.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền cũng lo ngại những căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm theo dự thảo bộ luật còn rất chung chung. “Chúng ta không quy định kỹ thì rất nguy hiểm, vẫn để tình trạng, trên cứ hủy liên tục, dưới lại xử như cũ khiến nhiều vụ kéo dài hàng chục năm, người dân rất đau khổ. Cứ giám đốc thẩm là lại xử lại, xử lại sai lại vi phạm lợi ích nên trước nay, các vụ kiện cầu may nhiều, niềm tin vào công lý yếu, cái gì người ta cũng kiện, giám đốc thẩm nhiều. Nên chúng ta phải tính kỹ để hạn chế cái này”, ông nói.
Người bị tạm giam, tạm giữ có quyền khởi kiện
Đây là quan điểm của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra về dự luật Tạm giữ, tạm giam được trình trước Quốc hội (QH) chiều qua, 23.5.
Trình bày Tờ trình dự án luật Tạm giữ, tạm giam trước QH, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết dự thảo luật chưa bổ sung quy định về quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và việc giải quyết khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cho rằng trường hợp Viện KSND đã giải quyết mà người bị tạm giữ, bị tạm giam vẫn có khiếu nại thì phải được tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp xét xử. Do đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng cần nghiên cứu quy định trong dự thảo luật quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, bị tạm giam đối với các quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam.
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị tạm giam, Ủy ban Tư pháp tán thành với nhiều quy định của dự án luật. Theo đó, như đã được quy định tại Hiến pháp 2013, người bị tạm giam, tạm giữ chưa bị coi là có tội nên ngoài việc hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do đi lại, cư trú, quyền bầu cử, ứng cử..., thì các quyền khác của họ phải được bảo đảm. Trong đó có quyền được sống, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân và một số quyền dân sự khác...
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, trong dự thảo luật thì các quyền của người bị tạm giữ, bị tạm giam còn quy định tản mạn, có tính chất liệt kê, chưa đầy đủ. Do đó, ủy ban này cho rằng dự thảo luật chỉ nên quy định theo hướng hạn chế một số quyền của người bị tạm giữ, bị tạm giam, còn các quyền khác nếu không bị hạn chế thì vẫn được bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Để tăng cường công tác chống bức cung, nhục hình, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định ngay trong dự án luật về việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung, các hình thức giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam.
Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị quy định cụ thể việc trích xuất bị can, bị cáo, người bị tạm giữ để lấy lời khai; việc kiểm tra sức khỏe người bị tạm giữ, bị tạm giam trước và sau trích xuất; trách nhiệm của nhà tạm giữ, trại tạm giam khi có bức cung, nhục hình trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam....
Trường Sơn

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.