QH thảo luận luật Thuế TNDN và luật Thuế GTGT: Giảm thuế, bỏ “trần” quảng cáo

22/05/2013 03:35 GMT+7

Trong phiên thảo luận tổ đầu tiên về 2 dự án luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thuế giá trị gia tăng chiều 21.5, có rất nhiều ý kiến đề nghị áp dụng ngay mức thuế suất mới, cũng như các ưu đãi vào ngày 1.7.2013, thay vì 1.7.2014 như dự thảo, để vực dậy sức khỏe và tinh thần doanh nghiệp.

Thảo luận về luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), hầu hết các ĐB đều nhất trí với dự thảo luật sẽ áp dụng mức thuế suất phổ thông 22% và tiếp tục giảm xuống 20% vào đầu năm 2016.

Tâm lý hiện nay của doanh nghiệp xuống lắm rồi, chán nản nên phải áp dụng từ 1.7 để làm đòn bẩy vực tinh thần doanh nhân lên

ĐB Phương Hữu Việt (Bình Dương)

“Cần giảm ngay”

TS Trần Du Lịch, Phó đoàn ĐBQH TP.HCM, cho rằng giảm từ mức 25% xuống 22% là hợp lý. Bởi hiện tại nhiều doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ không có tiền đóng thuế. Tại TP.HCM, qua quyết toán thuế 2012 chỉ có 30% DN có đóng thuế, còn 70% lỗ hoặc không có lãi. “Giảm thuế suất như dự thảo quy định tạo tâm lý tốt cho DN đầu tư mới, làm ăn lâu dài, nó không giảm đột ngột nguồn thu mà còn nói cho DN biết rằng đến 2016 còn 20% là tương đối cạnh tranh với các nước khu vực”, ĐB Lịch bày tỏ, nhưng nhấn mạnh “cần giảm ngay” vì mức thuế suất DN phải chịu hiện tại không phải là 25% mà thực chất lên tới 27% do luật hiện hành có nhiều quy định không cho phép khấu trừ chi phí thực (như quảng cáo, khuyến mãi).

ĐB Phương Hữu Việt (Bình Dương) đề nghị phải giảm thuế suất phổ thông xuống còn 20% chứ không chỉ 22% và áp dụng ngay từ 1.7.2013. “Tâm lý hiện nay của DN xuống lắm rồi, chán nản nên phải áp dụng từ 1.7 để làm đòn bẩy vực tinh thần DN lên”, ĐB Việt bày tỏ.

Theo tờ trình của Chính phủ về luật Thuế TNDN sửa đổi, từ năm 2009 đến năm 2012, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới và có sự điều chỉnh giảm mức động viên thuế suất từ 28% xuống còn 25%, nhưng số thu ngân sách về thuế TNDN vẫn bảo đảm tăng trưởng, là một trong những sắc thuế chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu của ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2009 - 2012, số thu thuế TNDN (không kể thu từ dầu thô) tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 21,85%. Năm 2009 đạt 52.191 tỉ đồng, chiếm 19,3% trong tổng thu ngân sách, bằng 3,15% GDP; năm 2010 đạt 82.297 tỉ đồng, chiếm 22,5% tổng thu, bằng 4,15% GDP. Năm 2011 đạt 97.025 tỉ đồng, chiếm 22,5% tổng thu; năm 2012 khoảng 107.462 tỉ đồng, chiếm 23,1% tổng thu ngân sách.

QH thảo luận luật Thuế TNDN và luật Thuế GTGT: Giảm thuế, bỏ “trần” quảng cáo
ĐB Trần Thị Diệu Thúy phát biểu thảo luận tại tổ ĐBQH TP.HCM - Ảnh: TTXVN

“Tốt nhất bỏ hết trần khống chế”

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đề xuất không nên khống chế chi quảng cáo 15%, bởi hiện nay không có DN nào chi mà không tính toán, cân nhắc trước áp lực cạnh tranh gay gắt. “DN phải chi quảng cáo nhưng cũng phải cân đối chi thế nào, để còn lại lợi nhuận chia cho cổ đông, tích lũy. Chi quảng cáo, khuyến mãi là tác nhân đầu vào thúc đẩy ngành quảng cáo phát triển. Nhờ đó các cơ quan truyền thông truyền hình, báo đài có thu nhập, có thu nhập thì đóng thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN”, ĐB Hòa bày tỏ.

Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) lại cho rằng nhiều DN vừa qua lợi dụng chi phí quảng cáo để lách thuế nên không giám sát được. ĐB này đề nghị cứ theo dự thảo chi trên 15% phải chịu thuế.

Giơ tay xin phát biểu để phản biện ý kiến này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói: “Cái mà DN than phiền suốt 10 năm nay là chính sách chỉ vì một số DN xấu đặt ra gây chết cho DN thật thà, nghiêm túc. Chúng ta không vì quản lý yếu kém lại đặt ra một số chính sách cho vừa với trình độ, năng lực trong quản lý nhà nước. Ý kiến anh Ánh đúng trong trường hợp này. Tôi có thời gian dài xúc tiến đầu tư thấy DN lớn có mọi ưu thế, nếu áp trần 15% cũng không khống chế được, chỉ chết DN thật thà, trung thực, DN vừa và nhỏ. Vì vậy, tốt nhất bỏ hết trần khống chế, để DN tự quyết, tự chủ”.

ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) chỉ rõ hiện nay thế giới chỉ còn có VN, Trung Quốc và một quốc gia nữa áp dụng trần, đã hạn chế các DN khi giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài. Thực tế nhiều DN đã chi lên tới 30-40% tổng chi phí, đặc biệt các DN nước ngoài rất mạnh tay, khiến DN trong nước thua ngay trên sân nhà. “Nâng là cố gắng nhưng theo thông lệ nên bỏ hẳn đi, thực tế chỉ có một số ngành có nhu cầu quảng cáo cao. Bỏ hẳn đi cũng không mất gì cả”, ĐB Tín đề nghị.

ĐB Phương Hữu Việt cũng đồng tình, nếu áp dụng trần DN trong nước rất khó cạnh tranh với DN nước ngoài, đặc biệt lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng. Vì vậy, cần rà soát cho vượt khung 15% một số mặt hàng như rượu bia, nước giải khát, hàng tiêu dùng, nông nghiệp, thức ăn gia súc. “Những mặt hàng này cạnh tranh rất gắt, nếu không tiếp thị, quảng cáo rất khó cho DN, đừng để DN thua ngay trên sân nhà. Lên 15% tôi cũng đồng tình, nhưng đề nghị rà soát và đến thời điểm nhất định không khống chế nữa”, ĐB Việt kiến nghị.

Giảm thuế GTGT đầu vào báo in còn 5%

Tại tổ TP.HCM, trao đổi với PV Thanh Niên, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang nhìn nhận hiện nay tình hình sức khỏe DN đang rất khó khăn, nhiều DN bị giải thể, phá sản nên cần phải có chính sách thực thi sớm để tháo gỡ. Với luật Thuế TNDN, thuế suất giảm còn 22% nên sớm áp dụng ngay từ ngày 1.7.2013 thay vì đầu 2014 như dự thảo luật.

Cũng theo phân tích của ĐB Trang, dự thảo luật có quy định giảm thuế suất cho báo in từ 25% xuống còn 10%, đây là quyết định hợp lý, phù hợp với kiến nghị của các cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, nếu chỉ giảm thuế thì không đủ, bởi hiện tại rất nhiều tờ báo vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải tự chủ hoạt động tài chính nên làm ăn thua lỗ, không có tiền đóng thuế. Chính vì vậy, giảm thuế TNDN cũng không có nhiều ý nghĩa. “Cần hỗ trợ thiết thực hơn, giảm chi phí đầu vào cho hoạt động báo in, đưa chi phí vật tư báo in, chi phí in báo vào mức hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5% thay vì 10% như hiện tại. Nếu khó khăn quá, nhiều tờ báo trở lại bao cấp như thời gian trước là rất không ổn”, ĐB Trang đề xuất.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cũng cho biết nhiều tờ báo in như Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ dành cho thiếu nhi... là sân chơi, khuyến khích phong trào thiếu nhi, hoàn toàn vì mục tiêu xã hội, nhưng hiện nay thu từ quảng cáo, phát hành không đáng kể. Do vậy, nên có ưu đãi thêm về chính sách thuế để đầu tư cơ sở vật chất.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.