Qua 1 tháng dạy học trực tuyến, nhiều chuyện buồn hơn vui

11/10/2021 06:45 GMT+7

Năm học mới đã qua hơn 1 tháng nhưng vì dịch Covid-19, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội và TP.HCM, phải dạy học trực tuyến. Nhiều chuyện buồn đã xảy ra từ hình thức học tập cách trở này.

Học sinh tiểu học ở nhiều địa phương học trực tuyến từ đầu năm học

ngọc thắng

Đau lòng, bức xúc khi trẻ lớp 1 học trực tuyến

Có những chuyện đau lòng xảy ra trong 1 tháng qua khi bố mẹ kèm cặp con học trực tuyến.

Vụ bé gái 6 tuổi tử vong ở P.Xuân Đỉnh (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bước đầu cơ quan chức năng xác định, trước đó, người bố khi kèm con học đã nóng giận và dùng đũa, thanh tre, cán chổi đánh con.

Sau vụ việc này không lâu, dư luận lại xôn xao khi có thêm một học sinh (HS) lớp 1 ở xã Phú An (TX.Bến Cát, Bình Dương) bị bố đánh khi kèm học trực tuyến khiến mặt, tay chân bé bầm tím, phải trốn qua nhà hàng xóm cầu cứu.

Đó là câu chuyện đau lòng gây xôn xao dư luận, còn những chuyện khiến cả giáo viên (GV), phụ huynh và chính HS buồn lòng về hình thức dạy học trực tuyến với lớp 1 thì… vô số kể.

Trên các nhóm “Phụ huynh có con vào lớp 1”, “Đồng hành cùng HS lớp 1”, nhóm phụ huynh ở từng nhà trường, nhóm GV dạy lớp 1… thì hầu như ngày nào cũng có rất nhiều băn khoăn, than phiền, bức xúc về việc trẻ lớp 1 đang phải học trực tuyến.

Ví như, có một phụ huynh kèm con học trực tuyến phàn nàn cả tháng con chưa từng một lần được cô gọi tên dù cháu xin phát biểu rất nhiều lần. Lo lắng hơn cả vẫn là việc HS chưa tìm thấy niềm vui trong việc học. Học trực tuyến vốn đã khiến HS không hào hứng, cách dạy học không quan tâm đến từng đối tượng HS khác nhau càng khiến một bộ phận HS ngày càng chán học hơn.

Hầu như ngày nào cũng có rất nhiều băn khoăn, than phiền, bức xúc về việc trẻ lớp 1 đang phải học trực tuyến trên các diễn đàn, hội nhóm

đào ngọc thạch

Trong khi đó, chính GV cũng không ít tâm tư. Dạy trực tuyến, họ hiểu rằng mỗi giờ học giờ đây không chỉ có cô và trò mà sẽ có rất nhiều “con mắt khác” đang dự giờ. Ban giám hiệu có thể vào lớp học trực tuyến bất cứ lúc nào đã đành, phụ huynh HS cũng kèm bên con mỗi giờ học, vậy nên họ chịu rất nhiều áp lực vô hình, trong khi chất lượng học trực tuyến rất khó kiểm soát.

Sở GD-ĐT Hà Nội quy định không dạy quá 3 tiết/ngày với lớp 1 khi học trực tuyến. Tuy nhiên, chương trình lớp 1 mới được thiết kế phải dạy bắt buộc 2 buổi/ngày nên thời lượng học trực tuyến 3 tiết/ngày chưa đáp ứng được 1/2 khối lượng kiến thức chương trình.

Chính vì vậy, số lượng bài tập GV giao cho HS tự làm và phụ huynh hướng dẫn rất nhiều. Điều đó gây áp lực, căng thẳng cho chính các con và cả bố mẹ khi phần lớn trong số họ không có chuyên môn, phương pháp dạy con dù nội dung kiến thức thì rất đơn giản.

Học trực tuyến lâu dài gây ảnh hưởng tâm lý cho cả giáo viên và học sinh

NGỌC THẮNG

Do vậy, những vụ việc đau lòng như bố mẹ đánh đập, làm tổn thương đến con cái trong quá trình kèm con học tại nhà xuất hiện với tần suất dày đặc hơn.

Học sinh buồn chán, có trường hợp trầm cảm

Không chỉ có trẻ nhỏ, những việc xảy ra với HS lớn hơn mà báo chí đăng tải gần đây mà nguyên nhân đến từ áp lực do dạy học trực tuyến cũng rất đáng lưu tâm.

Một HS lớp 12 ở Hà Nội tự rạch tay, phải đến bệnh viện tâm thần chữa trị vì trầm cảm do học trực tuyến. Ông bố ở Hà Nội giận dữ ném nát chiếc điện thoại di động và tự quyết định cho con dừng học vì thấy quá căng thẳng, không hiệu quả.

Trên nhóm “Học sinh Hà Nội”, khi được hỏi nhận xét gì sau 1 tháng học trực tuyến thì phần lớn HS đều bình luận mong mỏi sớm được đến trường. Lời than phiền nhiều nhất mà HS trung học đưa ra, đó là: buồn chán, không hiểu bài, quá tải, mạng chập chờn nên việc học gián đoạn, thị lực giảm sút nghiêm trọng. Nhiều HS mượn diễn đàn này để bày tỏ mong muốn GV hiểu và chia sẻ hơn với những khó khăn của HS khi học trực tuyến thay vì trách phạt.

Phụ huynh kiên trì hơn, giáo viên đừng nóng vội

Trước nhiều chuyện xảy ra với việc dạy học trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), viết tâm thư gửi HS, GV và phụ huynh.

Ông Khang chia sẻ: Trẻ con vốn hiếu động, bị “nhốt” nhiều tháng trong nhà, không được giao lưu với bạn bè nên cảm thấy bức bí, khó chịu. Học trực tuyến là tình huống bắt buộc, đường mạng thì phập phù, bài giảng của thầy cô thì khó tiếp thu, bài tập thì nhiều, muốn hỏi thầy, hỏi bạn thì có ít cơ hội… Thực tế đó, theo ông Khang, khiến cho nền nếp học hành, ăn, ngủ, vui chơi như ở trường bị phá vỡ. Một vài tuần thì không sao, mấy tháng liền thì tâm lý biến chuyển xấu.

Học sinh các lớp lớn hơn cũng gặp áp lực do dạy học trực tuyến

độc lập

TP.HCM xác định sẽ cho HS trở lại trường vào khoảng tháng 1.2022, Hà Nội thì mới hình dung khoảng tháng 11 tới mới tính chuyện mở cửa trường... Chính vì vậy, ông Khang cho rằng vẫn phải tiếp tục với dạy học trực tuyến, với tư cách là hiệu trưởng ông bày tỏ: “Tôi mong các vị phụ huynh kiên trì hơn nữa, chịu khó hơn nữa, bình tĩnh hơn nữa trong việc chăm sóc, giúp đỡ các con học hành ở nhà…”.

Với GV, ông Khang đề nghị: “Các thầy cô không nóng vội “chạy chương trình” mà hãy xây dựng bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn, có nhiều tương tác với HS để tiết học ngắn lại so với học trực tiếp, đồng thời giao ít bài tập. Tiếp đến là thường xuyên hỏi han HS và phụ huynh để điều chỉnh việc giảng dạy cho phù hợp”.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng nhắn nhủ, thời điểm khó khăn này là lúc mỗi nhà giáo cần thể hiện cao nhất tinh thần, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, với HS, cùng với ngành giáo dục nỗ lực hết sức để giúp học trò được học một cách tử tế, chất lượng. “Hiệu quả của một công việc được tính bằng tích của 3 chữ làm: biết làm - có năng lực sư phạm để dạy học trực tuyến; có điều kiện để làm - có đủ trang thiết bị, đường truyền cần thiết để GV, HS học tập; và có động lực để làm. Nếu một trong 3 thừa số bằng 0 thì tích cũng bằng 0”, ông Độ nói.

Tập huấn cho GV về dạy học trực tuyến

Đến ngày 2.10, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành khóa tập huấn cho GV cốt cán về dạy học trực tuyến. Đợt tập huấn dành cho GV dạy tất cả môn học, hoạt động ở các cấp tiểu học, THCS, THPT. Khóa tập huấn nhằm cung cấp những hiểu biết chung về dạy học trực tuyến; các yêu cầu, điều kiện để dạy học theo hình thức này, với mong muốn GV được gỡ rối thì mới giúp HS giảm thiểu khó khăn khi học trực tuyến. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng ban hành các tài liệu liên quan như: hướng dẫn giảm tải nội dung chương trình để ứng phó với việc dạy học ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tài liệu hướng dẫn GV dạy trực tuyến…

Tổng đài bảo vệ trẻ em nhận nhiều cuộc gọi liên quan học trực tuyến

Đại diện Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết đường dây 111 những tháng gần đây tăng lên tới 36.000 - 40.000 cuộc/tháng trong khi trước đó chỉ khoảng 30.000 cuộc/tháng. Các cuộc gọi liên quan Covid-19, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho trẻ em. Một trong những nguyên nhân được đại diện Tổng đài 111 đưa ra liên quan việc kèm con học trực tuyến. Cha mẹ không có kỹ năng tương tác, tổ chức hoạt động, kỹ năng dạy học có thể là nguồn cơn bạo lực thể xác (đánh đập) và tinh thần (mắng chửi). Mặt khác, HS học trực tuyến, không đến trường, không giao lưu bạn bè, học tập xao nhãng, nảy sinh mâu thuẫn với cha mẹ... dẫn tới biểu hiện tiêu cực.

Theo tiến sĩ Lê Minh Công, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe tâm thần của con người. Đặc biệt, những người trẻ tuổi, thanh thiếu niên dễ bị khủng hoảng hơn do tuổi còn nhỏ, chưa có đủ trải nghiệm và kinh nghiệm xử lý trước các tác động của xung quanh.

“Thanh thiếu niên là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Giãn cách xã hội do dịch Covid-19 khiến các em phải ở nhà, gặp các xung đột với người thân, phải học trực tuyến trong thời gian dài, có em phải chịu sự mất mát do người thân tử vong vì Covid, có em phải trải nghiệm cảnh bạo lực gia đình”, tiến sĩ Công phân tích.

Thu Hằng - Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.