Ngày 23.8, ngày đầu tiên TP.HCM “ai ở đâu ở yên đó” nhưng anh Trần Hữu Tài và chiếc xe hơi chở đầy ắp đồ ăn gửi tới các bác sĩ bệnh viện dã chiến vẫn chạy bon bon trên đường. Người đàn ông 36 tuổi, trú Q.10 - F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch hơn 10 ngày nay. Anh là tài xế trong dự án hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho cộng đồng “Việt Nam ơi cố lên”.
9 F0 trong một gia đình khỏi bệnh
Kể với phóng viên Báo Thanh Niên, anh Tài cho hay không niềm hạnh phúc nào bằng giây phút biết cả 9 thành viên trong nhà hoàn toàn âm tính sau chuỗi ngày tự cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà.
Đáng chú ý là ba mẹ anh Tài ngoài 60 tuổi, có người có bệnh nền là tim mạch, huyết áp, từng phẫu thuật đặt stent. Vợ chồng anh Tài có 4 người con, bé đầu 9 tuổi, bé út mới 7 tháng tuổi. Anh Tài báo cáo lực lượng y tế và chủ động xin được cách ly tại nhà.
|
“Khi biết tin cả nhà đều là F0 chúng tôi cũng có hoảng hốt, lo lắng nhưng dần dần đã lấy lại được sự bình tĩnh, lạc quan. Điều kiện quan trọng để chiến thắng Covid-19 là ý chí phải thật mạnh mẽ để không mất ăn, mất ngủ. Chúng tôi tuân thủ theo sự hướng dẫn của các đội ngũ y bác sĩ tư vấn từ xa cho các F0 tại nhà. Đồng thời, ăn uống đều đặn, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, bổ sung vitamin và vận động, rèn luyện thể thao”, anh Tài kể.
Theo anh Tài, ba mẹ anh hay đi đi lại lại trong nhà, cùng đạp xe chở các cháu vòng quanh sân, rồi mở yoga trên YouTube và tập theo. Nhiều năm nay gia đình anh đã có thói quen tập yoga và thấy rất hiệu quả. Để có thêm năng lượng tích cực, mọi người cùng xem phim hài, động viên nhau ráng nuốt đồ ăn, kể cả khi đã mất vị giác, khứu giác.
|
|
Sau chuỗi ngày ở nhà cách ly điều trị, đợi xét nghiệm lần 2, lần 3 âm tính, rồi tiếp tục tự cách ly ở nhà thêm vài tuần lễ nữa, ngày 13.8.2021, anh Tài và mọi thành viên trong gia đình hoàn toàn khỏi bệnh.
Sau cơn "thập tử nhất sinh" chiến đấu với Covid-19, anh Tài không đóng cửa ở nhà. Đúng ngày 13.8, anh nộp đơn xin được cùng chống dịch với mọi người.
Mang xe hơi đi chống dịch, tự đổ xăng
Những ngày qua, ngày nào anh Tài cũng bắt đầu một ngày mới từ trước 6 giờ, lấy xe hơi của anh tới các địa điểm để mua rau củ quả chở tới các bếp; tiếp nhận rau củ quả, thịt cá ủng hộ từ các nhà hảo tâm…
Buổi trưa, khi bếp nấu cơm xong là xếp các hộp cơm lên xe, chở tới các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, khu phong tỏa. Buổi chiều cũng như vậy, làm sao để 16 giờ, xe phải lên đường, kịp thời mang những phần cơm nóng tới tay đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế…
“Ba mẹ tôi, cả vợ tôi cũng càm ràm là mới khỏi bệnh như thế sao không ở nhà mà nghỉ ngơi lại đi ra đường tới toàn những nơi nhiều nguy cơ như bệnh viện dã chiến, khu phong tỏa. Rồi nhiều người cũng hỏi tôi sao không ở nhà mà chơi với vợ với con, sao phải chạy ngoài đường nắng mưa, bỏ tiền ra đổ xăng, xe hư lại phải sửa. Nhưng gia đình tôi đã khỏi bệnh, tôi phải tri ân lại đội ngũ y bác sĩ đã cho tôi những lời khuyên đúng đắn. Trong tôi cũng có kháng thể chống lại Covid-19 như những người đã được chích 2 mũi vắc xin, còn đợi gì mà không đi giúp đỡ cho cộng đồng, cho Sài Gòn để thành phố mau hết dịch?”, anh Tài bộc bạch.
|
|
Người đàn ông là nhà sáng lập một công ty, kể vui, trong đội ngũ tài xế chở cơm như anh, có nhiều người cũng là chủ tịch, giám đốc công ty nhưng bây giờ, khoác bộ đồ bảo hộ chống dịch vào, ai cũng như ai. Mọi người cũng đều tự tay bốc hàng, đưa cơm, dậy thật sớm để làm sao để giành mua được phần rau củ, gia vị tươi ngon nhất để mang về cho bếp nấu.
“Vui nhất là tới những điểm nhận đồ hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, có các anh chị nói họ chở số rau củ này từ Long An, Cần Thơ, Hậu Giang… lên đây chỉ chờ em tới, nhìn thấy em tới nhận rau là anh chị vui lắm rồi. Hay có hôm mang về bếp, các anh chị dỡ hàng trên xe xuống rồi reo lên, “ôi nay có rau muống tươi quá”, “quào, nay có cả bắp cải nữa”. Rồi những lời cảm ơn của các y bác sĩ… Tất cả những điều đó khiến tôi vui lắm vì thấy việc làm của mình có ý nghĩa”, anh Tài bộc bạch.
|
|
|
Anh Tài cho hay “Việt Nam ơi cố lên” được thành lập từ 11.7.2021 tới nay, dự án có bộ phận kế toán, kiểm toán, kết nối các nhà hảo tâm cũng như các hội nhóm cần nhận được sự hỗ trợ. Từng ký gạo, ký rau các nhà hảo tâm gửi tới cũng được ghi lại và báo cáo công khai, minh bạch.
Sau hơn 40 ngày hoạt động, dự án với 6 bếp nấu, đã phục vụ hơn 120.000 suất ăn tới 55 địa điểm hỗ trợ. Trong đó có 23 bệnh viện, 11 khu phong tỏa và khu vực cách ly, 15 đơn vị tuyến đầu, 2 ký túc xá ĐH và nhiều khu vực có người vô gia cư.
“Trong tất cả các phần cơm chúng tôi chở đi hàng ngày, hơn một nửa là được gửi tới các y bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu tại các bệnh viện dã chiến thu dung tại TP.Thủ Đức, bệnh viện Nhi Đồng, 115, Bình Dân, Bình Tân… Đội ngũ y tế đã làm việc rất căng thẳng, mệt mỏi trong thời gian qua, một suất cơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng là sự tiếp sức ý nghĩa gửi tới mọi người”, anh Tài chia sẻ.
"Tôi muốn làm những gì đẹp nhất cho quê hương mình"
14 tuổi, anh Tài đã sang Singapore học, sau đó tiếp tục tới Mỹ học đại học và lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Về nước, anh Tài làm việc trong một ngân hàng và từng giữ các vị trí như giám đốc quan hệ đối ngoại, trợ lý phó tổng giám đốc. Song, 10 năm trước, khi người vợ của anh mang bầu, anh bỏ việc, thành lập công ty về chăm sóc sức khỏe cho các bà bầu và em bé trước và sau sinh.
Người đàn ông kể, trong suốt những năm tháng qua, dù làm công việc gì anh cũng luôn làm bằng 120 - 150% sự cố gắng nỗ lực của mình, vì luôn muốn làm những gì tốt đẹp nhất cho quê hương mình.
|
|
Người cha của 4 người con bộc bạch: “Sắp tới, ngoài việc chở rau củ, thực phẩm tới các bệnh viện, khu cách ly, tôi tiếp tục hỗ trợ chống dịch cùng các bạn trẻ bên ATM oxy. Con virus này “không phải dạng vừa đâu”. Dù trang bị kỹ lưỡng thế nào, 1, 2 người ở các bếp nấu cơm phải tạm dừng vì dương tính. Khó khăn, nguy hiểm với những người tình nguyện chống dịch là có, nhưng đó không phải là lý do để tôi và đồng đội dừng lại”.
Bình luận (0)