'Qua đại dịch bộc lộ chất lượng yếu kém của một số cán bộ chủ chốt'

08/11/2021 12:34 GMT+7

Theo đại biểu Quốc hội, trải qua 4 đợt dịch Covid-19 , bên cạnh những cán bộ dám nghĩ, dám làm, đã xuất hiện nhiều cán bộ chủ chốt yếu kém, sợ trách nhiệm, hành xử sai luật, trái đạo lý với người dân.

Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước sáng 8.11, đại biểu (ĐB) Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, chúng ta cần chia sẻ với Chính phủ bởi bộ máy nhiệm kỳ này vừa ra mắt đã gặp làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19. Đây là đợt dịch chưa từng có phá hủy rất nhiều quan hệ kinh tế - xã hội khiến chúng ta phải tập trung nguồn lực, vật lực và phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Theo ĐB Lê Thanh Vân, Chính phủ điều hành đạt được nhiều kết quả đã nêu, song chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 3 - 3,5% khó có thể đạt được, bởi năm ngoái dịch tấn công không mạnh như năm nay mà GDP chỉ đạt 2,91%. Vì vậy, 3 tháng cuối năm phải nỗ lực rất cao, GDP tăng 8,6%, thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm đề ra.

“Qua đại dịch bộc lộ chất lượng yếu kém của một số cán bộ chủ chốt ở một số nơi, từ nhận thức đến hành vi không chuẩn về pháp luật. Điều này dẫn tới ứng xử không đúng về pháp luật và đạo lý với nhân dân. Chính phủ và cấp ủy địa phương cần xử lý cán bộ sai phạm rất nghiêm để dân biết”, ĐB Lê Thanh Vân đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Quốc hội

Về mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong báo cáo, theo vị ĐB của đoàn Cà Mau, đó là sự kế tiếp của 3 đột phá chiến lược, 5 cân đối lớn và 3 trọng tâm tái cơ cấu. Trong 13 nhiệm vụ giải pháp thời gian tới bám sát tình hình hiện nay, chỉ tiêu GDP với kỳ vọng 6 - 6,5% GDP nên đánh giá cẩn trọng hơn, bởi từ nay đến tháng 6.2022 chúng ta phải có một giai đoạn phục hồi mới phát triển được.

ĐB Lê Thanh Vân đề xuất 5 giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng củng cố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn quản lý lãnh đạo cao cấp.

Thứ hai, rà soát sửa đổi thể chế, chuẩn bị 1 luật sửa nhiều luật như Chính phủ chuẩn bị trình.

Thứ ba, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý sản xuất và lưu thông, công nghệ mới vào quản lý tiết giảm nhân lực bộ máy hành chính, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Rút kinh nghiệm vừa rồi ta ứng do đại dịch bằng công nghệ nhưng nhiều ứng dụng còn khác nhau, chưa làm được. Đây là yếu điểm chưa thể khắc phục.

Thứ tư, cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt vốn đầu tư công theo hướng tập trung vào công trình trọng điểm, dang dở để hoàn thành, giữ nghiêm kỳ luật đầu tư công.

Thứ năm, đề nghị QH và Chính phủ cụ thể hóa các kết luận của Bộ Chính trị và nghị quyết của T.Ư về tiếp tục xây dựng chính đốn Đảng. Đặc biệt là Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… có như thế mới phát huy được tính năng động sáng tạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.