MƯA LỚN LÀ PHẢI SƠ TÁN
Đợt mưa lũ lớn xảy ra cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho một số địa phương tại tỉnh Quảng Nam. Đáng chú ý, quả đồi sau khu dân cư làng Nà Nổ bất ngờ xuất hiện vết nứt lớn kéo dài hơn 30 m, chiều sâu 1 m và vòng cung bán kính 10 m. Trước tình huống đó, ngay trong chiều tối 26.10, chính quyền địa phương đã phải sơ tán khẩn cấp cả ngôi làng với 30 hộ dân (163 nhân khẩu) là đồng bào Ca Dong đến tá túc tại Trường tiểu học Kpa-Kơ Lang để đảm bảo an toàn.
Chị Lê Thị Đoàn (42 tuổi) cho biết sau khi phát hiện vết nứt, cả gia đình 6 nhân khẩu được sơ tán ngay trong đêm, chờ đến khi nắng ráo thì chính quyền mới cho về lại làng. "Với thời tiết liên tục mưa lớn như hiện nay, nguy cơ các vết nứt vẫn tiếp tục nới rộng ra nên rất nguy hiểm. Nếu đồi bị sạt lở, hàng chục ngôi nhà ở đây sẽ bị vùi lấp, vì lượng đất đá rất lớn. Người dân chúng tôi mong tỉnh, huyện sớm có hướng giải quyết vết nứt để người dân yên tâm sinh sống, làm ăn", chị Đoàn nói.
Anh Hồ Văn Thê (41 tuổi) cho hay năm 2019, nhà nước xây dựng khu tái định cư làng Nà Nổ rồi di dời những hộ dân dọc tuyến đường ĐT về ở tập trung. Tuy nhiên, đầu năm 2020, nơi đây cũng xuất hiện sạt lở nên huyện đã bố trí hơn 1 tỉ đồng làm bờ kè, gia cố khu vực đỉnh đồi làng Nà Nổ. "Sống dưới những quả đồi đã no nước và xuất hiện những vết nứt lớn khiến người dân vô cùng bất an, lo lắng. Người dân mong nhà nước sớm có phương án xử lý vấn đề này để không còn cảnh phải "chạy" đi sơ tán. Không biết bao giờ người dân mới thôi cảnh sơ tán khi mưa lớn nữa", anh Thê nói.
NGUY CƠ SẠT LỞ RẤT CAO
Ông Nguyễn Thành Liêm, Chủ tịch UBND xã Phước Gia, cho biết sau những cơn mưa liên tiếp thời gian qua, hiện nay quả đồi sau lưng khu tái định cư làng Nà Nổ đã no nước, khiến kết cấu đất cũng đã bị yếu nên nguy cơ sạt lở là rất cao. "Lo sợ lớn nhất là hiện nay quả đồi đã no nước, nếu mưa lớn liên tục sẽ dẫn đến đứt gãy chân núi khiến hàng nghìn mét khối đất đá sẽ đổ xuống ngôi làng này bất cứ lúc nào. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho hàng chục hộ dân, hễ trời mưa lớn hay nhỏ chúng tôi đều di dời họ đến các điểm trường", ông Liêm nói.
Ông Liêm cho hay địa phương cũng đã tính đến câu chuyện sạt lở có thể xảy ra khi thời tiết nắng ráo nên luôn cắt cử lực lượng an ninh cơ sở phối hợp với dân quân thường xuyên tuần tra ban đêm, ngoài ra bố trí còi hụ để thông báo cho người dân biết để "chạy" lánh nạn khi có sự cố xảy ra. Về lâu dài, xã đề xuất huyện kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Nam bố trí kinh phí để san ủi toàn bộ quả đồi đề phòng nguy cơ sạt lở xảy ra để đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân. "Chúng tôi luôn lấy những vụ sạt lở vừa rồi ở các tỉnh phía bắc cũng như vụ sạt lở cuối năm 2020 ở xã Trà Leng, H.Nam Trà My làm bài học "xương máu" trong phòng, chống thiên tai", ông Liêm thông tin thêm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Hiệp Đức, cho biết: "Trước mắt, huyện sẽ bố trí số tiền hơn 1 tỉ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để xử lý khẩn cấp đối với vấn đề sạt lở này, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản của nhân dân. Bởi mùa mưa đã đến, nếu không có phương án xử lý là rất nguy hiểm", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, để đảm bảo an toàn cho hàng chục hộ dân, huyện chỉ đạo các địa phương cử lực lượng thường xuyên đi tuần tra tại những điểm cảnh báo sạt lở. Tại những điểm sơ tán, huyện bố trí lương thực, thực phẩm dự trữ, đảm bảo tuyệt đối không để người dân xảy ra tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc.
Bình luận (0)