Quá khổ vì chó thả rông: Nơm nớp lo sợ chó cắn!

09/05/2022 04:00 GMT+7

Chó thả rông, chăn dắt trong khu dân cư không có dây xích là mối đe dọa cho trẻ con và người lớn nếu không may bị chó tấn công, bởi bệnh dại có thể ủ cả năm, tỷ lệ tử vong cao.

Lo sợ mỗi khi gặp chó thả rông

Chị T.T (28 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn còn cảm giác sợ hãi khi kể lại lần chị và con trai bị chó tấn công trong chung cư.

"Trong lúc hai mẹ con đi dạo thì gặp chó đi rông trong chung cư. Con trai tôi thấy chó thì nhìn, ai dè nó đuổi theo hai mẹ con, ôm con chạy mà run người, càng chạy thì chó càng đuổi, may lúc đó có ông chú đi ra cầm roi dọa nên nó mới ngừng", chị T. kể lại.

Kém may mắn hơn chị T., anh H.V.P (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), hơn một năm trước, trong lúc đi dạo bộ, mặc quần đùi thể thao thì bất ngờ bị chó từ phía sau quặp vào chân. Chủ chó chạy theo nhưng không kịp. Vết cắn làm chân anh rỉ máu, có 3 vết dấu răng.

"Tôi về nhà rửa sạch vết cắn, sát trùng rồi dán băng cá nhân, vết cắn nhẹ nên không thấy đau nhức. Chủ chó bảo bình thường nó rất hiền, đã được tiêm ngừa nhưng không hiểu sao nay lại cắn người. Sau đó là những ngày tháng nơm nớp lo sợ, ngày nào tôi cũng hỏi chủ chó xem nó thế nào, qua hơn 2 tuần tôi mới thở thào nhẹ nhõm", anh P. kể lại.

Chó đi rông tại một khu đô thị ở TP.HCM

Lê Cầm

Thanh Tâm (30 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết cô là người rất sợ chó và lo sợ chó sẽ cắn con mình. "Buổi chiều tôi thường cho con đi dạo và gặp chó thả rông của biệt thự gần nhà đi sang. Mỗi lần thấy chó là nơm nớp sợ, lo bồng con, vì trẻ con ở tuổi mới biết đi rất dễ thu hút chó", chị Tâm chia sẻ.

Theo chị Tâm, người nuôi chó nên theo sát chó, có dây dắt đi, không nên thả rông vì sẽ rất nguy hiểm cho trẻ con và những người xung quanh.

Bệnh dại phát triển trong cơ thể như thế nào?

Bác sĩ Trần Huyền Trâm (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết sau khi chó dại cắn, virus dại phát triển từ lớp trong cùng của mô dưới da hoặc từ cơ bắp tiến vào các dây thần kinh ngoại biên (các dây thần kinh nằm ngoài não hoặc tủy sống) phát triển thành bệnh dại.

Virus dại di chuyển dọc theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ ước tính khoảng 12-24 mm mỗi ngày.

Virus bệnh dại xâm nhập từ nước bọt động vật qua vết cắn

Pearson education

"Người bị nhiễm bệnh sẽ có những thay đổi hành vi và có những biểu hiện lâm sàng khi virus bắt đầu xâm nhập vào não bộ. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài ngày đến vài tháng, và có thể kéo dài tới 1 năm", bác sĩ Trâm chia sẻ.

Mặc dù bệnh nhân mắc bệnh dại rất hiếm khi cắn người khác, tuy nhiên những người chăm sóc bệnh nhân cũng nên thận trọng và cảnh giác khi chăm sóc bệnh nhân bị dại, đặc biệt tránh tiếp xúc với nước bọt của bệnh nhân bị bệnh dại.

Bệnh dại gây chết nhiều người chỉ sau dịch Covid-19

Hội nghị tổng kết chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại năm 2017 - 2021, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, giai đoạn 2017 - 2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành phố. Trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016 (438 người tử vong tại 48/63 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có 88 người tử vong).

Cũng theo thống kê trong 5 năm qua, cả nước đã có trên 2,5 triệu người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, tăng 561.840 (28%) trường hợp so với giai đoạn 2012 - 2016 (có gần 2 triệu người người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng).

“Tỷ lệ tử vong bệnh dại trên là rất cao, cứ mắc bệnh là 100% tử vong. Tại Việt Nam hiện nay, bệnh dại vẫn là bệnh truyền nhiễm gây chết nhiều người nhất, chỉ đứng sau dịch Covid-19 đang diễn ra hiện nay”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ tại hội nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.