Rau quả dư lượng thuốc trừ sâu. Gia súc gia cầm thì nuôi bằng chất cấm… Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã phát biểu ngao ngán trên nghị trường: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế!”.
Mấy bạn người nước ngoài của tôi thì nửa đùa nửa thật “Người Việt Nam dũng cảm nhất thế giới, dám ướp xác từ lúc còn sống!”.
Lạ lùng ở chỗ, mọi người khá cẩn trọng khi chọn mua hàng tiêu dùng. Từ giày dép, quần áo, túi xách, đồ điện tử... Có điều kiện một chút là phải dùng hàng hiệu. Thu nhập thấp hơn thì tiết kiệm để mua sắm, luôn trọng chất hơn lượng, cốt tinh chứ không cần nhiều. Những hàng giả ít nguy hiểm đến tính mạng, lại được cân nhắc nhiều hơn.
Trong khi các thức ăn và thực phẩm nạp vào người để sinh tồn lại hết sức dễ dãi. Từ các loại nước uống, bánh kẹo, rau quả, trái cây, gạo, thịt, cá... Thứ nào cũng cực kỳ nguy hại cho sức khỏe.
Trước mắt là thể lực bản thân giảm sút. Lâu dài là sự suy kiệt nòi giống. Tỷ lệ người Việt mắc các loại bệnh cả thông thường và nan y, đặc biệt là ung thư ngày một gia tăng báo động. Tình trạng lờn thuốc, kháng thuốc ngày càng trầm trọng. Vậy mà ngày nào, báo chí cũng tràn ngập thông tin rau bẩn, trái cây bơm và nhúng thuốc, thịt cá nuôi bằng chất cấm…
Mới đầu, ai cũng giật mình hoảng hốt. Lâu dần, chai lì cảm xúc, xem đó như là chuyện đương nhiên, là số phận an bài của tạo hóa. Tự an ủi là “Trời kêu ai nấy dạ”. Mọi người đành nhắm mắt và giả điếc, làm ngơ, cùng dắt tay nhau tiệm tiến ra nghĩa địa. Ban đầu, áy náy lương tâm nhưng dần dà, đạo đức cũng đành chùn bước. “Dùi đánh đục, đục đánh săng”; cứ một vòng mua bán cái ác luẩn quẩn, kiểu “Anh làm hại tôi, thì tôi làm hại người khác”.
Trách nhiệm này, trước hết thuộc về vai trò quản lý của nhà nước, mà cụ thể là các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương. Chẳng những không có kế hoạch phòng chống hiệu quả, mà có lúc còn chống lưng và bảo kê, tiếp tay cho người làm hàng giả. Dĩ nhiên, người tiêu dùng cũng liên đới trách nhiệm vì sự dễ dãi và thói quen ham rẻ, chưa dám kiên quyết tẩy chay và đấu tranh với kẻ xấu.
Thật lòng, người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn khi mua rau và lương thực, thực phẩm sạch. Sản lượng chưa thể đáp ứng nên có khi nhà phân phối cũng lập lờ. Nhà nước chỉ mới quan tâm chủ yếu bằng khẩu hiệu và thiếu những biện pháp đồng bộ. Thật phi lý là những kẻ làm hàng tiêu dùng giả có thể bị truy tố hình sự. Nhiều doanh nghiệp phải đền bù, phá sản, phải đi tù vì hàng tiêu dùng giả. Nhưng chưa thấy ai bán rau bẩn, trái cây nhúng thuốc, thịt cá nuôi bằng chất cấm... bị xử lý tương tự dù hành vi nguy hại gấp nhiều lần. Cũng chưa thấy ai nhận trách nhiệm. Vì chưa có ai nhận trách nhiệm nên không thể xử lý. Càng không thể có kế hoạch phòng chống hiệu quả, cứ đùn đẩy chung chung, đổ hết cho cơ chế.
Càng gần tết, lượng rau quả, trái cây, thịt cá bẩn đổ về thành phố càng nhiều, mang theo bao nhiêu mầm bệnh. Lương thực, thực phẩm nguy hại vẫn được bày bán công khai, có khi gần như độc quyền nên người tiêu dùng không còn sự chọn lựa nào khác. Phải nói là người VN quá liều mạng mới đúng.
Nếu vấn nạn này không được chặn đứng triệt để, thì cả dân tộc đang liều mạng với sức khỏe của nhân dân. Kinh tế sẽ ngày càng kiệt quệ và đất nước suy vong là tất yếu. Bài toán đã có đáp số, căn nguyên của vấn nạn đã rõ ràng. Vấn đề là có thật lòng muốn giải bài toán hóc búa này hay không. Chần chừ hoặc thỏa hiệp đều là tội ác.
Bình luận (0)