Bạn đọc cho rằng việc đất quy hoạch làm công viên, đất hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch bị "xẻ thịt" biến thành của riêng sẽ chẳng thể thực hiện được nếu không có sự tiếp tay và đề nghị cơ quan chức năng mạnh tay xử lý tình trạng này.
Không coi luật pháp ra gì
Như Thanh Niên đã thông tin, dọc bờ sông Sài Gòn, đoạn đi qua địa bàn P.Thảo Điền, Q.2, được xem là khu vực nhà đất có giá đắt đỏ nhất TP.HCM với những căn biệt thự, cao ốc, nhà hàng sang trọng mọc san sát nhau. Điều đáng nói gần như toàn bộ diện tích đất hành lang bảo vệ sông Sài Gòn dọc đường Nguyễn Văn Hưởng đã thành sở hữu của các cá nhân, không còn đất công cộng phục vụ cộng đồng.
Người dân muốn tiếp cận bờ sông hóng mát cũng không còn khoảng trống để đứng. Những hẻm nhỏ để người dân tiếp cận ra sông cũng đã bị chủ các biệt thự ở đây làm cổng kiên cố, có bảo vệ túc trực 24/24.
Không chỉ mặt tiền sông, mặt tiền rạch cũng bị lấn chiếm. Từ một bãi đậu xe nhỏ khoảng 2 - 3 chiếc ngay trước Bến xe Miền Đông, số 397 Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh, đoạn gần cầu Bình Triệu 2), chủ bãi xe đã lấp rạch Thủ Tắc để hiện nay lên đến hàng ngàn mét vuông làm bến xe với sức chứa hàng trăm xe.
Trong khi đó, khu Văn Thánh (Q.Bình Thạnh) được quy hoạch là công viên công cộng cấp đô thị với diện tích khoảng 10 ha, nhưng hiện nay phần đất thuộc công viên này khoảng 6,4 ha đang được biến thành của riêng là khu du lịch Văn Thánh với các dịch vụ nhà hàng, hồ bơi, sân tennis, nhà hàng tiệc cưới... để kinh doanh thu lợi nhuận.
"Quá lộng hành, lấn chiếm bờ sông, đất công làm của riêng luôn, không coi luật pháp ra gì. Yêu cầu các cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý tình trạng này", bạn đọc (BĐ) Duy Mạnh (Cần Thơ) bức xúc.
BĐ Tú (TP.HCM) ý kiến: "Mặt tiền sông đáng phải để làm công viên và đường ven sông cho toàn người dân thành phố được hưởng thì giờ này đã biến thành lợi ích cá nhân. Trên thế giới người ta mở rộng kênh rạch để làm sông còn Việt Nam thì lấp sông. Chính quyền quá vô trách nhiệm!".
BĐ Hoa Rừng (TP.HCM) bức xúc: "Chẳng ai có thể tùy tiện lấn chiếm đất công ngang nhiên như vậy nếu không có sự bao che, thông đồng hoặc lợi ích nhóm. Cứ điều tra nghiêm minh là sẽ rõ sự thật".
Phải xử lý mạnh tay
Việc lấn chiếm đất hành lang bảo vệ sông rạch đã gây nên rất nhiều hệ lụy không chỉ cho người dân mà còn cả nền kinh tế. Ông Võ Kim Cương, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP.HCM, cho rằng: “Đất hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, đất công viên chủ yếu là cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo cảnh quan, môi trường trong lành phục vụ người dân. Đồng thời sông rạch còn mang nhiều ý nghĩa liên quan đến vấn đề thoát nước và cấp nước. Nên, việc một số người, tổ chức lấn chiếm, xây dựng rào chắn để ngăn cản sự tiếp cận của nhân dân với cảnh quan dòng sông là điều chính quyền TP cần phải làm rõ. Muốn khắc phục tình trạng này, chính quyền phải xác định rõ đó là đất công, ai chiếm thì xem như chiếm dụng đất công, của công cần phải xử lý nghiêm bằng hình sự”.
Cứ cưỡng chế "hoàn nguyên hiện trạng" tất cả đi, xem có ai còn dám ngang nhiên thách thức pháp luật nữa không?
Khánh Linh (TP.HCM)
Chuyện thế này làm sao chính quyền không biết được. Người dân chỉ sửa cái mái hiên nhà thôi là đội quy tắc trật tự đến ngay.
Chuông Đỗ (TP.HCM)
|
Nhiều BĐ rất đồng tình với ý kiến của ông Cương, họ cho rằng nhà nước phải có biện pháp thật mạnh để xử lý tình trạng này. "Phải có hình thức kỷ luật thích đáng, truy tố các cán bộ chính quyền nếu xác định có liên quan và bắt công ty, cá nhân nào lấn chiếm kênh rạch phải trả lại như hiện trạng ban đầu, cộng với hình phạt tài chính thật nặng để giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật", BĐ Hoàng Lâm (TP.HCM) ý kiến.
BĐ Canh (TP.HCM) cho rằng: "Cần phải lôi ra ánh sáng ai đã bảo kê cho hoạt động trên. Phải trừng trị thích đáng những kẻ coi thường luật pháp trong suốt thời gian dài để đủ sức răn đe những kẻ khác".
"Ủng hộ các cơ quan chức năng xử lý hình sự những vụ việc như thế này. Chẳng lẽ cả một hệ thống chính trị đầy đủ cơ quan ban bệ ở địa phương và cả thành phố lại bất lực trước tình trạng ngang nhiên vi phạm pháp luật như thế này?", BĐ Tú Ngô (TP.HCM) ý kiến.
Bình luận (0)